Chủ động tiếp nhận, phân phối và bảo quản hàng cứu trợ

Thời gian qua, trên báo chí, dư luận phản ánh về tình trạng hỏng, phải bỏ đi một số hàng cứu trợ ở dạng lương thực, thực phẩm dành cho đồng bào vùng bão lũ.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do lượng hàng lớn từ nhiều nguồn cùng tập kết về một khu vực, một địa điểm bị ảnh hưởng thiên tai mà người dân ở đó đã nhận đủ, trở nên thừa; hoặc do lũ lụt nguy hiểm, đường sá sạt lở nghiêm trọng, hàng không đưa vào các vùng sâu, xa được nên ứ lại, để lâu dẫn đến hỏng.

Ngẫm câu “của một đồng, công một nén” càng thấy tiếc về các điều kiện công sức, xe cộ, thời gian, chi phí đường xa để đưa được hàng hóa đến nơi mà bị chậm, bị để lâu mà không kịp sử dụng. Cũng từ đó mà nhớ lại sự lãng phí mấy năm trước khi hàng cứu trợ đưa vào miền trung bão lụt, có tình trạng trao tặng ở hai bên đường nhiều dẫn đến thừa, quá tải, người dân nhận không xuể; còn nhiều người các địa bàn mưa lụt, ngập úng ở sâu hơn thì chưa nhận được.

Chuyện trước, chuyện nay đang diễn ra, nhắc chúng ta tiết kiệm, chi li những khoản vật chất đều phải tốn nhiều tiền của, mồ hôi đó, của các đoàn thiện nguyện, các nhà hảo tâm, của cả ngân sách Nhà nước và các địa phương nữa. Và như thế đòi hỏi cách chuẩn bị tiếp nhận, phân phối sao cho sát thực, khoa học, hiệu quả. Khó khăn, yêu cầu khắc phục vẫn còn, và còn phải ổn định đời sống, đặc biệt là trước thiên tai bão lũ bất thường, vẫn cần có sự dự trữ đề phòng. Nên để giữ cho lâu dài, thì với các địa phương tiếp nhận các nguồn hàng cứu trợ, cùng với việc thống kê, phân bổ nhanh chóng, kịp thời, còn phải bố trí không gian, nhà kho cất trữ, bảo quản, bảo đảm chất lượng sử dụng.

Đã đành các thức như bánh mì, bánh chưng, sữa hộp… để thừa bị hỏng, phải bỏ nhiều. Thì những thức đồ gói, đồ khô, nước đóng chai... có thời hạn sử dụng từ nhiều tháng cho đến một năm phải được bảo quản tốt để thời gian tới tiếp tục sẻ chia cho người dân sử dụng khi vẫn khó khăn. Nhất là các phương tiện dùng cứu nạn, cứu hộ như áo phao, xuồng, thuyền, áo mưa, ủng, quần áo vải nhựa, mũ bảo hộ, găng tay và cả thuốc men… nếu còn tốt, còn chưa dùng đến, thì cần cất trữ, tiết kiệm để dùng bền, dùng lâu.

Thậm chí, khi tình hình nguy cấp, khó khăn ở một số địa bàn phía bắc đã lắng xuống rồi, nhiệm vụ chính là tập trung vào phục hồi sản xuất, học hành, ổn định nhà cửa…, thì những phương tiện đó nên được đưa đến hỗ trợ cho các địa bàn khác nếu có nguy cơ tiếp tục xảy ra dông gió, bão lũ, úng lụt.

Trước tình hình thiên tai được dự báo sẽ diễn ra khắc nghiệt, thất thường, thời gian tới sẽ có khả năng còn có những cơn bão tiếp theo với nhiều nguy cơ tàn phá nặng nề. Việc trang bị, dự phòng vật chất, phương tiện để chống chọi, cứu nạn cứu hộ và hỗ trợ cho mỗi lần như thế, thật là những khoản kinh phí khổng lồ của đất nước, xã hội. Vì thế, phải biết tiết kiệm, giữ gìn những vật chất quý giá và rút kinh nghiệm từ những lượng hàng hóa, vật chất không nhỏ đã bỏ phí!