Chủ động trong lũ

Miền bắc vừa trải qua đợt bão lũ nghiêm trọng thì mưa bão lại đến miền trung, trong đó Quảng Bình là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề.

Những cơn mưa bất chợt trên miền rừng núi Lâm Thủy. Mưa như những trận roi quất lên cánh rừng bạt ngàn xanh thẳm.

Cũng như mọi năm, sau mùa bơi chải, người Lệ Thủy lại bước vào cuộc chiến chống thiên tai bão lụt. Mưa réo gọi con người kê cao dụng cụ sinh hoạt. Mưa nhắc nhở mọi người chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho những ngày nước nổi. Mưa hối thúc bà con nông dân di tản trâu bò lên vùng trung du.

Mưa kèm sấm rạch ngang trời kéo mây xuống mặt đất. Nước dòng Kiến Giang cuồn cuộn chảy trong tiếng gào rít của những cơn gió thốc tháo chạy trên mái nhà. Cây cối vặn mình kêu răng rắc, tung quật, ngả nghiêng.

Bà con các xã vùng giữa khuân vác đồ đạc lên cao. Những căn nhà ba gian được kết cấu có rầm hạ (được gác dành cho lụt nhỏ) và rầm thượng (dành cho lụt to khi nước ngập cánh cửa) là kết tinh kinh nghiệm chiến đấu với lũ lụt của người Lệ Thủy hơn 600 năm qua. Trước khi nước lụt từ đại ngàn trút xuống đồng bằng, mọi người đã mua nhiều bọc nylon thu dọn sách vở, áo quần lên cao. Cái gì ướt thì ướt nhưng đồ dùng học tập của con cái trong nhà không thể hư hỏng được. Còn nhớ trận đại hồng thủy năm 2020, xóm tôi bị thiệt hại nặng nề song những túi nylon sách vở được bà con treo trên xà nhà. Lụt có thể cuốn đi tất cả nhưng sự học của trẻ em quê tôi vẫn luôn đứng trên con nước hung hãn.

Khác với mọi nơi, lụt ở Lệ Thủy thường kéo dài từ 2-3 ngày, thậm chí cả tuần. Người dân sống trên nước, ăn ngủ trên nước và yêu thương, chia sẻ nhau trong nước. Khi nước dâng lên to, nhiều nhà thiếu hụt thức ăn, gạo cơm, bà con hàng xóm í ới gọi nhau chia phần ăn không hề nghĩ ngợi, tính toan.

Khi nước lụt sắp rút thường có những trận mưa xối xả. Đó là mưa xối bùn, ông trời tạo lụt thì phải giúp bà con vệ sinh sau đó. Rồi nắng lên, mọi người ra vườn để cứu những cây mãng cầu, cây khế, cây ổi… đang xác xơ đằm mình trong bùn đất. Bọn trẻ lại có dịp tìm những quả chuối, quả bưởi còn sót lại hái ăn. Trên những đám đất vừa khô, bầy kiến lầm lũi tìm nhau tạo thành hàng thành lối cùng xây tổ mới. Các bà, các chị cố vớt vát cứu luống rau đang mục rũa. Xóm làng bắt đầu thả khói lên trời xanh bằng tình yêu thương ấm áp, nghĩa tình.

Bão lụt cũng vậy, như vị khách đến rồi rút lui không một lời chào hỏi thân tình. Quá quen với nỗi nhọc nhằn, mất mát nên sẵn sàng chủ động đối phó khi mưa to, gió lớn. Với bao thế hệ người dân ở đây, lũ lụt như là lẽ thường niên trong đời sống. Rõ nhất là lúc mưa gió tơi bời, người quê vẫn nướng sắn, nướng khoai trên những chiếc bếp di động nổi trên mặt nước. Mùi thơm của khoai, sắn và bắp rang theo làn khói lan tỏa khắp làng quê. Thế mới hay trong cơn bĩ cực của đất trời, người quê vẫn chủ động, bình tĩnh đến lạ kỳ.