Quần đảo nhân tạo độc đáo

Các kỹ sư sinh thái và kiến ​​trúc sư Hà Lan đã tạo nên một quần đảo nhân tạo độc đáo, nằm trong hồ nước ngọt nhưng lại có cảnh quan như đảo ngoài biển khơi.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh quan ngoạn mục của Marker Wadden. Ảnh: NATURE
Cảnh quan ngoạn mục của Marker Wadden. Ảnh: NATURE

Quần đảo Marker Wadden rộng 1.300ha ở ngoại ô Thủ đô Amsterdam (Hà Lan) là một khu vực cảnh quan nhân tạo độc đáo, có bãi cát trải dài với vỏ sò nằm rải rác. Nhưng thật ra, những khung cảnh giống với thiên nhiên hoang dã ở Marker Wadden lại do bàn tay con người tạo hình và nằm hoàn toàn trong một hồ nước ngọt. Các đảo nhỏ được đắp bằng vật liệu nạo vét từ đáy hồ Markermeer.

Đây là hồ nước từng nằm trong vùng vịnh thuộc Biển Bắc kéo dài đến ngoại ô Amsterdam, song các kỹ sư đã xây dựng một con đê chắn ngang miệng hồ vào năm 1932, tạo ra một hồ nước rộng 3.570 km2 tách biệt với đại dương. Năm 1975, họ cắt đôi hồ bằng một con đê thứ hai. Kết quả là hồ Markermeer ở bên trong dần dần chuyển từ nước mặn sang nước ngọt. Do cửa thoát nước nối với bên ngoài đã bị chặn nên Markermeer đã trở thành một “hồ nước chết”.

Vào khoảng năm 2010, với mong muốn hồi sinh vùng nước chết, kỹ sư sinh thái Roel Posthoorn của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Hà Lan (Natuurmonumeten) đã bắt đầu nghiên cứu ý tưởng xây dựng một hòn đảo tại đây. Ông là một trong những nhà tạo dựng cảnh quan hàng đầu ở Hà Lan. Roel Posthoorn cho biết: “Chúng ta đã từng làm xáo trộn thiên nhiên, khi không thể quay lại quá khứ, chúng tôi muốn tìm ra những con đường mới để phục hồi hệ sinh thái”. Song phải đến năm 2016, dự án mới được thực hiện bằng việc nạo vét đáy hồ. Sau đó, họ lấy cát và bùn từ đáy hồ đắp lên thành một vùng cảnh quan gồm bảy hòn đảo được bao bọc chung quanh là cồn cát và bãi cát dài.

Giờ đây, nhiều loại thực vật, các loài cá cùng một số lượng lớn chim sinh sản đã dần trở lại, biến Marker Wadden trở nên hấp dẫn với hệ sinh thái đang dần phong phú hơn.