Qua một mùa khô khốc liệt

Sản xuất tại Cà Mau có hệ sinh thái nước mặn và nước ngọt. Trong đó, canh tác theo hệ sinh thái ngọt nằm ở khu vực bắc Cà Mau, với diện tích tự nhiên hơn 154.000 ha. Đây là khu vực chịu nhiều tổn thương vào những năm khô hạn khốc liệt, đặc biệt là địa bàn huyện Trần Văn Thời.
0:00 / 0:00
0:00
Kênh, rạch cạn trơ đáy ở vùng ngọt huyện Trần Văn Thời, tháng 4/2024.
Kênh, rạch cạn trơ đáy ở vùng ngọt huyện Trần Văn Thời, tháng 4/2024.

Ám ảnh mùa khô

Tuyến lộ bê-tông ngang 3m, dài hơn 3 km tại kênh Quảng Hảo (ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) bị sụt lún hơn 50% sau mùa khô năm 2024. Không chỉ xót của vì con lộ mới đưa vào sử dụng hơn một năm, mà người dân trên tuyến còn lo âu bởi lộ hư khiến việc đi lại, tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng.

“Từ lúc tuyến lộ bị sụt lún tới giờ, nhiều mặt hàng trái cây, bà con để mặc cho nó chín rục trên cây do không có đường vận chuyển, chẳng thương lái nào vào thu mua. Đó là chưa nói những lúc đau ốm, bệnh tật, chuyên chở người nhà đi khám cũng trở ngại lớn” - ông Lâm Văn Duyên, hộ dân ấp Bình Minh 2, chia sẻ.

Tính từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 5 vừa qua, toàn huyện Trần Văn Thời có 138 tuyến đường xảy ra sạt lở, sụt lún đất tại 716 điểm, vị trí, tổng chiều dài hơn 18.800m. Hậu quả của sụt lún làm hư hỏng hơn 14,6 km lộ bê-tông, hơn 4,1 km lộ đất đen, cùng nhiều tài sản khác với tổng thiệt hại ước tính khoảng 28,4 tỷ đồng.

Bí thư Chi bộ ấp Bình Minh 2 Trác Văn Hùng buông giọng buồn so: “Qua mùa khô khốc liệt, ngoài đường sá hư hỏng nặng, sản xuất của người dân còn chịu nhiều tác động vì không đủ nước tưới, giảm năng suất hoặc không có người thu mua. Với nhà nông, đây thật sự là ám ảnh”.

Để giảm thiệt hại do sụt lún gây nên, Huyện ủy Trần Văn Thời ban hành Chỉ thị số 09 về tăng cường các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả, tạo được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân “chung tay” vì việc chung. Bằng nhiều cách làm khác nhau, đến nay, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã gia cố tạm thời được 105 điểm sụt lún (chiều dài hơn 2,1 km); cắt, tỉa được gần 3.500 cây xanh nằm sát mé kênh, rạch… tại hơn 170 tuyến đường; di dời hơn 50 trường hợp có bãi chứa vật liệu xây dựng nặng ven sông, kênh, rạch ra khỏi vị trí có nguy cơ sụt lún, sạt lở; giúp hơn 450 trường hợp di dời tài sản, vật nặng ra khỏi khu vực có nguy cơ sụt lún, sạt lở; lắp hơn 280 biển cảnh báo, rào chắn, giăng dây tại các điểm bị sụt lún...

Theo Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời Nguyễn Minh Nhứt, việc khắc phục hậu quả do hạn hán gây nên nhận được đồng thuận rất cao của người dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhiều tuyến đường bị sụt lún, người dân còn tự nguyện hiến đất để dịch chuyển lộ hư hỏng vào bên trong, hoặc cho chở đất phía sau nhà đem ra đắp mặt bằng khắc phục lộ hư. “Nhờ sự chung tay của người dân mà đến nay, địa phương đã bước đầu khắc phục tạm thời nhiều tuyến đường bị sạt lở, sụt lún, tạo thuận lợi cho đi lại của người dân”, Bí thư Nhứt chia sẻ.

Bao giờ hết nỗi lo “đói nước”

Sụt lún, sạt lở đất trong mùa khô tại Cà Mau xuất hiện chủ yếu tại các vùng ngọt, nơi các kênh, rạch bị “đói nước ngọt”. Như Trần Văn Thời, có 13 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có chín địa phương chuyên sản xuất hệ ngọt đều bị ảnh hưởng. Các địa phương còn lại “no nước mặn” nên không chịu tác động bởi khô hạn.

Đây cũng là lần thứ ba trong khoảng chín năm trở lại đây, vùng ngọt Trần Văn Thời nói riêng, vùng ngọt bắc Cà Mau nói chung bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán.

Theo ông Trần Tấn Công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời, qua khảo sát thực tế và nhận định của ngành chức năng, khô hạn khiến nước bốc hơi nhanh, gây nên chênh lệch lớn giữa độ cao mặt đường và mực nước dưới kênh, rạch, làm mất phản áp. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt lún, sạt lở đất ở vùng ngọt trong thời gian qua.

Khắc phục những “tổn thương” do sụt lún gây nên, địa phương các vùng sản xuất hệ ngọt tại Cà Mau tập trung chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất để bồi đắp, gia cố, sửa chữa các tuyến lộ bị sụt lún theo hướng dịch chuyển lộ vào phía nhà dân nhằm sử dụng lâu dài. Cùng đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất tuân thủ lịch thời vụ; nâng cao ý thức của mỗi người tự bảo vệ phần đất ven sông, kênh rạch do gia đình mình quản lý, không tự đào lòng kênh để lấy đất sử dụng khi chưa được sự đồng ý của chính quyền.

“Trong sản xuất, tới đây chúng tôi thực hiện điều tiết nước nội vùng (từ vùng trũng sang vùng gò và ngược lại theo yêu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất), tránh tiêu thoát quá nhiều nước ngọt ra sông Đốc và biển Tây, nhằm hạn chế thiếu nước ngọt vào mùa khô. Địa phương cũng tính toán, quy hoạch lại các tuyến đường giao thông, đặc biệt đối với các tuyến huyết mạch, không để nằm quá gần so với hệ thống kênh, rạch”, Chủ tịch Trần Tấn Công chia sẻ giải pháp.

Có ba mặt giáp biển và nằm xa nhất về phía biển nên đến nay, Cà Mau là địa phương duy nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa được tiếp nước ngọt từ sông Mê Công. Mọi hoạt động liên quan đến sản xuất, đời sống của người dân đều nhờ tích trữ nước mưa, hoặc khai thác tầng nước ngầm. Do vậy, những năm khô hạn khốc liệt, các kênh, rạch vùng ngọt của Cà Mau sớm khô cạn nước, kéo theo nhiều hệ lụy.

Để giải quyết căn cơ câu chuyện thiếu nước ngọt, bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, về lâu dài, tỉnh Cà Mau cũng xác định cần bố trí lại sản xuất, bố trí lại dân cư, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi một cách đồng bộ, hiệu quả. Cà Mau cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cùng các cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề sụt lún, sạt lở hệ thống công trình giao thông, thủy lợi hỗ trợ tỉnh thực hiện các giải pháp kỹ thuật để khắc phục.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết, về giải pháp dài hơi, Cà Mau đề xuất phương án hoàn thiện hệ thống thủy lợi để chuyển nước ngọt từ thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé qua kênh Chắc Băng và chuyển nước từ hệ thống sông Tiền, sông Hậu qua kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp về cho Cà Mau. “Cà Mau rất cần bổ sung nguồn nước ngọt. Việc tiếp ngọt sẽ thực hiện vào thời điểm cuối tháng 12 năm trước, đầu tháng 1 năm sau cho vùng U Minh Hạ (tiểu vùng II và III bắc Cà Mau) trên địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời, với diện tích khoảng 90.000 ha. Khi có thêm nguồn nước ngọt bổ sung quý giá này, vùng ngọt Cà Mau mới không tái diễn cảnh “đói nước” trong mùa khô”, Giám đốc Vũ kỳ vọng.