1/Và từ quá trình nghiên cứu, chị đã lẩy ra khá nhiều vấn đề lý thú để trình bày tại một số cuộc hội thảo trong năm 2023: Hội thảo “Văn học miền trung nửa đầu thế kỷ XX” do Trường đại học Khoa học Huế tổ chức và gần đây nhất là hội thảo “80 năm “Nhật ký trong tù” những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng” do Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức. Cùng lúc cuốn “Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” (NXB Khoa học xã hội) của Phạm Thị Như Thúy ra mắt bạn đọc đúng vào dịp chào mừng 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 của dân tộc.
Trước tác của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lâu nay đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các chuyên ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng như các loại hình văn học nghệ thuật khác. Trong ngữ cảnh chung đó, từ góc nhìn thể loại, chuyên sâu về phương diện nghệ thuật, cuốn chuyên khảo “Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” đã cho thấy “di sản văn chính luận của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là giá trị tinh thần quý báu trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh”, gắn với hai giai đoạn chính trong cuộc đời hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ của Hồ Chí Minh.
Giai đoạn thứ nhất từ năm 1911-1941 chủ yếu hoạt động ở nước ngoài, giai đoạn thứ hai từ 1941-1969, trở về lãnh đạo cách mạng trong nước. Theo tác giả, việc tìm hiểu nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh qua hai giai đoạn kể trên đã “làm nổi bật mối quan hệ giữa đời và văn của Người cũng như vai trò thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng” từ những áng văn chính luận thấm đậm ý nghĩa thời sự và nhân văn của Người.
2/Cuốn chuyên khảo là công trình khoa học chuyên biệt, nghiên cứu một cách hệ thống nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Trong quá trình nghiên cứu trước tác Hồ Chí Minh, tác giả nhấn mạnh đến ba bộ phận chính: văn chính luận, truyện ký và thơ ca. Trong đó văn chính luận viết trải dài, ôm trùm cả cuộc đời còn truyện ký viết ở nửa đầu cuộc đời và thơ ca sáng tác chủ yếu ở nửa sau cuộc đời. Như vậy: “văn chính luận Hồ Chí Minh gắn bó chặt chẽ, liên tục với cuộc đời hoạt động phong phú của Người và cũng là các bước ngoặt, các sự kiện lịch sử lớn lao của đất nước dân tộc”. Từ cách nhìn nhận cho thấy mối quan hệ tương tác giữa đời và văn đã góp phần minh định các nhân tố kiến tạo nên một phong cách tuyên truyền, mang tính đặc thù, riêng có trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Cuốn chuyên khảo đã khảo sát, tìm hiểu kỹ lưỡng tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với những dẫn chứng, phân tích và luận giải khá thuyết phục làm nổi bật những đặc tính tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, cho thấy sự phối trộn hài hòa giữa nghệ thuật và tuyên truyền trong văn chính luận của Người. Từ ý thức về đối tượng tiếp nhận, về mục đích viết đã thể hiện sáng rõ tinh thần cách mạng, tính nhân văn, tính dân tộc và nhân dân, cùng sự kết tinh văn hóa Đông - Tây trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, mở ra khả năng truyền cảm hứng, sức lôi cuốn và lay động đến người tiếp nhận.
Như trên đã nói, để lý giải văn chính luận của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tạo được sức lôi cuốn truyền cảm đến đối tượng tiếp nhận, tác giả chuyên khảo đã đi sâu tìm hiểu quan niệm của Hồ Chí Minh về sử dụng ngôn từ sao cho thuyết phục người tiếp nhận. Điều này thể hiện ở sự tương hợp giữa ngôn từ nghệ thuật và hệ thống chủ đề, ở sự phối kết, tích hợp thể loại và luân chuyển các sắc thái diễn ngôn: “người quan sát”, thông tin tư liệu, luận chiến, trữ tình, ở hệ thống biện pháp tu từ: trùng điệp, ghép mảnh, chơi chữ và phản vấn trong văn chính luận của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
3/Cuốn chuyên khảo “Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” được dàn dựng trên một cấu trúc hợp lý, chặt chẽ, khá cân đối. Văn phong chân phương, mạch lạc cùng hệ thống chương mục triển khai bài bản từ cơ sở lý luận, tổng quan tình hình nghiên cứu, giới thuyết khái niệm liên quan đến đối tượng nghiên cứu, tạo nền tảng để nhận diện văn chính luận qua diễn trình văn học từ truyền thống đến hiện đại. Trên cơ sở đó định vị di sản văn chính luận, giá trị tư tưởng, nghệ thuật, sức tác động cũng như “tầm đón đợi” của người tiếp nhận với văn chính luận của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.