17 tâm hồn đồng điệu
Chị Phan Thị Quý, Phó Trưởng phòng Truyên truyền giáo dục Khu di tích Kim Liên kiêm thuyết minh viên nêu một thông tin gây tò mò, là “17 thuyết minh viên ở đây phục vụ tại ba cụm di tích chính, gồm cụm di tích Hoàng Trù, cụm di tích Làng Sen và Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác, nhưng khi cần, một thuyết minh viên có thể dẫn đoàn tham quan và thuyết minh khắp lượt ba cụm di tích. Nghĩa là, một thuyết minh viên ở đây có khả năng thuyết minh tại bất cứ cụm di tích nào”.
Ngay lúc đó, chúng tôi trao đổi thông tin này với thuyết minh viên Lê Thị Hà. Chị Hà nở nụ cười điềm đạm: “Chúng tôi là thuyết minh viên cơ động, không ai làm nhiệm vụ cố định cả. Cứ một thuyết minh viên đảm trách một tuần tại một cụm di tích, sau đó luân phiên. Từ xưa (1956) đến nay, Khu di tích Kim Liên đều có đội ngũ thuyết minh viên như vậy. Hiện, thuyết minh viên cao tuổi nhất là 54 tuổi đến thuyết minh viên trẻ nhất là 24 tuổi đang nối nghiệp các thế hệ đi trước”.
Một thông tin khác cũng gây tò mò là “tất cả thuyết minh viên được tuyển chọn vào Khu di tích Kim Liên đều tuân thủ một quy định bắt buộc. Đó là, 100% người được tuyển chọn phải là người Nghệ. Còn tốt nghiệp trường đại học ở tỉnh nào cũng được, miễn là sinh viên ngành Văn hóa-Xã hội (Văn, Sử, Bảo tàng, Du lịch, Ngoại ngữ)”. Thực tế cho thấy nữ sinh viên người Nghệ tốt nghiệp các trường đại học văn hóa, đại học Vinh và đại học Huế chiếm tỷ lệ cao. Chị Quý giải thích: “Du khách trong và ngoài nước về Khu di tích Kim Liên ai cũng muốn thuyết minh viên kể chuyện về Bác Hồ bằng giọng Nghệ, tiếng Nghệ, là quê hương đã sinh ra Bác. Ở đâu tiếng Nghệ có vẻ mộc, thậm chí khó nghe nhưng trong Khu di tích Kim Liên người ta thích nghe giọng Nghệ, tiếng Nghệ 100%. Dĩ nhiên là tiếng Nghệ được diễn tả bằng từ ngữ phổ thông. Mà con gái Nghệ, nói tiếng Nghệ bằng từ ngữ phổ thông nghe lọt tai lắm đó”. Chúng tôi không giấu giếm cảm xúc thật sự này khi bản thân mình là người Nghệ nghe giọng Nghệ, tiếng Nghệ của thuyết minh viên mới cảm hết sự đằm thắm, dịu ngọt của quê hương, xứ sở mình.
Thêm một thông tin thứ ba cũng gây không ít tò mò. Đó là, ngoài trọng trách làm thuyết minh tại các cụm di tích, chị em thuyết minh viên ở đây còn đảm nhiệm một số công tác tuyên truyền ngoài di tích. Thí như, thuyết minh triển lãm; thuyết minh online; viết bài nghiên cứu về quê hương Bác Hồ, về Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng các báo Văn hóa, báo Nghệ An, tạp chí Di sản hoặc trang web của Khu di tích Kim Liên (khuditichkimlien.gov.vn). 17 thuyết minh viên còn thay nhau đi nói chuyện tại các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Bác; tình cảm của Bác Hồ dành cho các ngành, các tỉnh, thành trong cả nước.
Ngoài 17 thuyết minh viên, Khu di tích Kim Liên còn có một tổ truyền thông gồm bảy thành viên phục vụ ba fanpage, chuyên thuyết minh về quê hương Kim Liên của Bác, về Khu di tích Kim Liên-Di tích quốc gia đặc biệt và Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác Hồ. Ba fanpage này thật sự đã truyền tải nhiều thông tin quan trọng, hình ảnh tươi mới, sự kiện thời sự liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác và Khu di tích Kim Liên.
Khách tham quan Khu Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: ĐĂNG KHOA |
Giữ “lửa” cho cội nguồn
Giữa chừng câu chuyện, chị Lê Thị Hà vui nói: “Nhà báo gọi chúng tôi là những người làm sống động Khu di tích Kim Liên, còn một số du khách sau buổi tham quan đã cảm ơn và lưu lại tình cảm bằng lời dặn dò nồng ấm: “Hãy là những người giữ “lửa” cho cội nguồn, cho quê hương các nữ thuyết minh nhé”.
Chúng tôi đi tìm những câu trả lời-bằng cách làm thế nào để các thuyết minh viên tạo dựng cho bản thân mình vốn sống rồi biến vốn sống thành kinh nghiệm để không ngừng giữ “lửa sáng”, làm sống động Khu di tích Kim Liên, để Khu di tích Kim Liên không chỉ là nơi tôn nghiêm, trầm mặc bởi sự ngưỡng mộ và lòng tôn kính đối với Bác. Anh Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Kim Liên nói như một đúc kết: “Chính cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác làm sống động mỗi ý nghĩ, tâm can không chỉ của con người Việt Nam. Vậy, cán bộ nhân viên của Khu di tích Kim Liên muốn kể chuyện sâu sắc về Bác, muốn nhắc lại kỷ niệm sâu sắc về Bác thì chính họ đã, đang học tập Bác ngay trong Khu di tích Kim Liên này”.
Cách học tập Bác được anh Tuấn kể ra rất cụ thể. Đó là cách xây dựng các chuyên đề để bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ thuyết minh. Thí như các chuyên đề “Bác Hồ với quân đội”, “Bác Hồ với công an”, “Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng”, Bác Hồ với ngành y”, “Bác Hồ với các tỉnh thành”… Các chuyên đề do giám đốc và trưởng phòng tuyên truyền, phòng nghiên cứu xây dựng. Sau khi thông qua Hội đồng khoa học của cơ quan, các chuyên đề được đưa ra tọa đàm nhằm củng cố, xác minh thật chính xác tư liệu phong phú về Bác. Tiếp đến là giảng dạy, học tập rồi sát hạch, kiểm tra. Công đoạn cuối cùng được thực hiện, đó là lúc các thuyết minh viên tổ chức một mục riêng, gọi là “nói cho nhau nghe”. Tại đây, các thuyết minh viên lắng nghe đồng nghiệp mình thuyết minh rồi chỉnh sửa, bổ sung cho nhau từng tí một rất tỉ mẩn, tạo nên một kịch bản hoàn chỉnh nhất từ giọng nói, từ ngữ, cách nói, cách dẫn giải câu chuyện, kỷ niệm về Bác. Mỗi năm, Khu di tích Kim Liên hoàn chỉnh một chuyên đề theo quy trình như thế này. Đây là nhiệm vụ thường xuyên-xuyên suốt, trở thành niềm đam mê của Ban quản lý Khu di tích Kim Liên và các thuyết minh viên.
Riêng về ngoại ngữ? Anh Tuấn nói: “Càng ngày, du khách thập phương về thăm viếng, tham quan Khu di tích Kim Liên ngày càng đông. Riêng trong 5 ngày nghỉ lễ từ 29/4 đến hết ngày 3/5 có 5.908 đoàn du khách (67.851 lượt người), trong đó du khách nước ngoài có tám đoàn (13 lượt người) gồm các quốc tịch Angola, Canada, Anh… Trước đó, năm 2022 có 71.902 đoàn (1.271.096 lượt người), trong đó 296 đoàn du khách nước ngoài (1.829 lượt người) đến từ Lào, Thailand, Australia, Ấn Độ, Pháp, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Thụy Điển, Hà Lan, Tây Ban Nha…”. Anh Tuấn bảo, liệt kê như vậy để thấy rằng khả năng ngoại ngữ của các thuyết minh viên rất cần thiết. Hiện, Khu di tích Kim Liên có những thuyết minh viên nói được ba thứ tiếng, gồm Anh, Pháp, Lào. Có thuyết minh viên nói được cả tiếng Anh và tiếng Lào hoặc tiếng Pháp và tiếng Anh. “Tất cả đều là tự học hoặc mời thầy là người nước ngoài đến dạy, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục”.
Theo anh Tuấn, cán bộ làm việc ở Khu di tích Kim Liên không có ngày nghỉ. Càng ngày lễ càng phải làm việc thông tầm, xuyên trưa, buổi chiều còn thêm một giờ nữa mới đạt 100% ý muốn làm hài lòng từng du khách trong Khu di tích Kim Liên. Đây cũng là một cách làm cho Khu di tích Kim Liên luôn luôn sống động.