Phía sau những hào quang

Chấn thương là việc không thể không xuất hiện trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Nó đến từ sân cỏ, va chạm, sức ép thành tích hay chính những sai lầm của y học thể thao.

Tuấn Anh là thí dụ điển hình thể hiện những yếu kém của y học thể thao Việt Nam.
Tuấn Anh là thí dụ điển hình thể hiện những yếu kém của y học thể thao Việt Nam.

Những câu chuyện buồn…

"Bóng đá và thể thao Việt Nam đang phát triển nhanh hơn mặt bằng chung của xã hội", ý kiến ấy được đưa ra trên một diễn đàn sau thành công của Việt Nam tại SEA Games 30 trên đất Phi-li-pin. Rất nhiều tranh cãi nổ ra. Nhưng nếu soi chiếu một cách tỉ mỉ và cặn kẽ trong thế so sánh với nền y tế thể thao Việt Nam thì ý kiến ấy lại là chính xác.

Sở dĩ nói vậy, bởi bóng đá và thể thao Việt Nam thời điểm trước đó và hiện tại không thiếu những cầu thủ, VÐV vẫn luôn mang trong mình chấn thương không thể chữa lành. Có thể kể đến như Nguyễn Thị Nụ (điền kinh), Lê Thị Huệ (vật), Ðặng Thanh Phương, Trịnh Quốc Hưng, Tuấn Anh, Ðình Trọng và Chương Thị Kiều (bóng đá). Ðiều đó có một phần căn nguyên từ sự yếu kém trong công tác chẩn đoán, điều trị hay cả trong phẫu thuật chấn thương của đội ngũ y, bác sĩ ở Việt Nam.

Trường hợp của tiền vệ Tuấn Anh đang thi đấu trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai có thể coi là tiêu biểu. Cầu thủ người Thái Bình trong giai đoạn năm 2015 đến 2016 liên tiếp dính các chấn thương ở phần đầu gối. Nhưng anh vẫn luôn phải ra sân để tạo nên một hình ảnh U19 Việt Nam lung linh và hoàn hảo.

Sức ép về thành tích, hình ảnh lại một lần nữa khiến Tuấn Anh phải tiêm thuốc giảm đau và ra sân trong trận giao hữu với Triều Tiên năm 2016 trên sân Thống Nhất. Tới tháng 11 năm đó, dù được chẩn đoán bị sụn chêm đầu gối và có thể phải mổ nếu không tiến triển, Tuấn Anh vẫn phải dùng tới biện pháp cấp bách tiêm huyết tương giàu tiểu cầu nhằm phục hồi để chạy đua với thời gian tham dự AFF Cup. Ấy thế nhưng, anh vẫn phải lỡ hẹn.

Năm 2011, làng thể thao Việt Nam chấn động với hình ảnh nhà vô địch SEA Games 2003 4x400 m đi nhổ cỏ dưới trời nắng thay vì được làm công tác huấn luyện như đúng chuyên môn của mình. Trong thời điểm ấy, cô đã thốt lên rằng: "Ðúng là cái nghề này bạc quá". Sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí, truyền thông thời điểm đó đã giúp Nụ "thoát" được công việc nói trên. Nhưng cuộc đời và sự nghiệp huấn luyện vẫn là lối rẽ mịt mờ không thấy tương lai.

Ðồng lương huấn luyện viên (HLV) trẻ với hợp đồng ngắn hạn và mức lương "tắc bụp" may ra chỉ đủ trang trải tiền thuê nhà. Sau khi làm HLV được hơn tháng, cô bị tái phát chấn thương đầu gối dù đã trải qua bốn lần phẫu thuật. "Khi vừa chữa trị xong, thời gian hồi phục còn chưa hết, em đã bị ép tiến độ thi đấu giải, nên việc tái phát là chuyện dễ hiểu thôi". Với cái đầu gối bị đau, Nguyễn Thị Nụ đã phải tạm dừng công tác huấn luyện. Cay đắng hơn, nếu điều này tiếp tục kéo dài, thậm chí cô sẽ phải đối mặt với việc bị sa thải do không bảo đảm yêu cầu chuyên môn.

Nói vậy để thấy, sức ép về thành tích và những sai lầm, yếu kém trong y tế thể thao ở Việt Nam đã tồn tại từ lâu mà chưa thể khắc phục.

…vẫn tiếp tục lặp lại

"Nếu được quay lại 10 năm trước, em sẽ chọn phẫu thuật thay vì bó bột", tiền đạo Phạm Thị Hải Yến chia sẻ về chấn thương gãy xương đòn bả vai của mình. Việc bó bột khiến vai phải của Yến chưa được chữa trị dứt điểm hoàn toàn và để lại di chứng tới bây giờ. Nhưng nếu phẫu thuật, chấn thương của cô sẽ được xử lý ổn thỏa? Không ai chắc chắn được điều đó khi nhìn vào những trường hợp của Ðình Trọng và Chương Thị Kiều thời điểm hiện tại.

Tháng 12-2018, Ðình Trọng sang Hàn Quốc phẫu thuật rạn xương bàn chân. Sau đó không lâu, cầu thủ này đã ra sân trong màu áo U23 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á diễn ra trên sân Mỹ Ðình. Khi ấy, giới chuyên môn đã rất lo lắng khi chàng hậu vệ này trở lại quá sớm sẽ rất dễ gặp phải những chấn thương nghiêm trọng sau này.

Và đó là nỗi lo có căn cứ. Cuối tháng 5, hậu vệ thuộc biên chế CLB Hà Nội bị đứt dây chằng chéo trong trận đấu gặp Hoàng Anh Gia Lai. Chấn thương nặng kết hợp cùng việc phải trở lại thi đấu quá sớm khiến cầu thủ này vẫn chưa thể bình phục trong hơn một năm qua. Thậm chí, anh còn phải trải qua một cuộc tiểu phẫu nhỏ với hy vọng điều trị dứt điểm vấn đề rạn xương bàn chân.

Chương Thị Kiều, cô gái Kiên Giang, được chẩn đoán đứt dây chằng chéo gối phải sau trận chung kết SEA Games 30, dù đã từng trải qua ca phẫu thuật chấn thương tương tự tám năm trước. Hoàn cảnh của cô còn trở nên trớ trêu hơn khi không thể làm phẫu thuật sớm dù được hứa sẽ cho đi Hàn Quốc hay Xin-ga-po hồi đầu năm 2020 (do ảnh hưởng của dịch Covid-19).

Sau thời gian tự tập ở nhà và trị liệu tại CLB, Kiều được kết luận không bị đứt dây chằng chéo và vẫn có thể thi đấu! Ở trận bán kết và chung kết Cúp quốc gia nữ vừa qua, cô vẫn phải gắng gượng ra sân dù thời gian tập hồi phục chấn thương với chuyên gia Choi Ju Young còn nhiều hơn tập luyện với CLB. "Nếu không phải tính chất của một trận đấu quan trọng thì em cũng không vào sân đâu. Em chưa được phẫu thuật, cũng không biết ra làm sao nữa, chắc em nghỉ luôn quá vì cơ thể chưa hồi phục được", Kiều tâm sự với vẻ mặt chán nản.

Y học không chỉ giữ vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe, nâng cao thành tích của VÐV mà còn giúp kéo dài tuổi nghề cùng quãng thời gian thi đấu đỉnh cao của mỗi cầu thủ. Bóng đá nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung dù đã phát triển rất nhiều, nhưng vẫn tồn tại những khoảng trống chưa được cải thiện. Nếu muốn tiến lên một cách bền vững, thể thao nước nhà cần phải quan tâm đến vấn đề này một cách đúng mức hơn.

HOÀNG DUY
Tổ chức chuyên đề:
Vũ Mai Hoàng, Ngô Phương Thảo, Minh Phú