Phía sau một đứa trẻ "đủ lớn"

Chương trình truyền hình Nhật Bản "Old Enough" (tạm dịch: Chúng con đủ lớn rồi!) sau hơn 30 năm vẫn gây sốt cộng đồng mạng khi được công chiếu một lần nữa trên nền tảng Netflix (kênh phim trực tuyến có thu phí). Với nhiều người xem trên toàn thế giới, câu hỏi thường được đặt ra là: Điều gì làm nên sự tự lập của những đứa trẻ Xứ sở Hoa anh đào?
0:00 / 0:00
0:00
Đội những chiếc mũ vàng nổi bật, các em nhỏ "đủ lớn" nắm tay nhau đến trường.
Đội những chiếc mũ vàng nổi bật, các em nhỏ "đủ lớn" nắm tay nhau đến trường.

Ðủ lớn!

Đây là chương trình không có kịch bản, trong đó những đứa trẻ từ hai đến năm tuổi được giao làm việc vặt đơn giản cho cha mẹ, để bảo đảm phản ánh thực tế, người quay phim sẽ chỉ đi theo và không hỗ trợ.

Nhiều phụ huynh đã cùng con cái của họ - những đứa trẻ cùng lứa tuổi xem chương trình và đáng ngạc nhiên, phản ứng của lũ trẻ vô cùng tích cực: "Con gái của tôi mới năm tuổi nhưng đã có thể tự đi đến lớp mẫu giáo, con bé thường so sánh độ tuổi chính mình với các bạn trong chương trình và nói với tôi rằng con bé cũng có thể hoàn thành được nhiệm vụ đó!" - chia sẻ của chị Emi Sakashita (43 tuổi, Tokyo).

Tuy nhiên, ngoài việc cảm động, thích thú và tán dương những gì các em bé Nhật Bản làm được, không ít ý kiến trái chiều được đưa ra. Một người xem đã viết trên trang cá nhân: "Hãy thử làm điều này ở nước chúng tôi, những đứa trẻ có lẽ sẽ không bao giờ được tìm thấy nữa!". Cũng có những phụ huynh khác bày tỏ: "Tôi không nghĩ mình có thể để con mình làm những việc này khi nó còn quá nhỏ. Lỡ như con bé có thể bị tai nạn, hay gặp phải những kẻ lập dị ngoài đường thì sao?".

Đương nhiên trong chương trình, có cả một đội ngũ giám sát bảo đảm sự an toàn của những đứa trẻ. Nhưng, trên thực tế trẻ em Nhật Bản thật sự tự lập và có thể tự đến trường. Có điều, phía sau một đứa trẻ "đủ lớn" là một hệ thống bảo vệ mà cả xã hội cùng tham gia.

Hành trang đến trường

Giống như một nghi thức đánh dấu sự trưởng thành, ngày đầu tiên vào lớp một, mỗi học sinh Nhật Bản đều sẽ tự đi đến trường, nhà gần trường thì các em tự đi bộ, còn xa hơn thì tham gia các phương tiện giao thông công cộng. Nhiều "trang bị" đã được chuẩn bị cho các em trước những bước đi tự lập đầu tiên.

Mũ và túi xách, không chỉ để tránh nắng, chiếc mũ vàng, vành nhỏ vô cùng bắt mắt có chức năng chính là phòng, tránh tai nạn. Mầu vàng tượng trưng cho sự cảnh báo và chú ý, giúp các em học sinh nổi bật hơn khi tham gia giao thông, để tránh các sự cố va chạm.

Lộ trình đi học cố định, một tháng trước khi khai giảng lớp một, cha mẹ học sinh sẽ được nhà trường phổ biến một tuyến đường đến trường cố định. Cha mẹ có trách nhiệm phải đi cùng con để làm quen, và ghi nhớ con đường này. Trong tất cả các năm học tiểu học các em sẽ chỉ được đi theo con đường đó, trong trường hợp chuyển nhà hay chuyển trường, gia đình phải làm đơn xin chuyển tuyến.

Nắm rõ quy tắc qua đường, bên cạnh ghi nhớ cung đường, các em còn được tập huấn để nhớ được các quy tắc khi băng qua đường. Vì chiều cao còn khiêm tốn, nên trẻ em khi tham gia giao thông thường rất dễ rơi vào "điểm mù" của người điều khiển các phương tiện khác. Do đó, khi sang đường các em phải giơ hai tay lên cao hoặc giơ cờ ngang. Luôn có những chiếc xô nhỏ chứa những lá cờ chữ thập được chuẩn bị sẵn hai bên đường, khi các em cầm chiếc cờ này sang đường, các phương tiện khác buộc phải dừng lại. Do đó, khi đã qua được phía bên kia nhiều đứa trẻ được gia đình dặn dò kỹ phải ngoái lại và cúi đầu cảm ơn.

Còi báo động, mỗi chiếc cặp sách các em sử dụng đều được trang bị còi báo động, nếu có nguy hiểm xảy ra, các em có thể nhấn nút để phát ra âm thanh. Hiện nay, với công nghệ phát triển hơn, trên chiếc còi có gắn thêm chíp định vị để hỗ trợ phụ huynh và nhà trường xác định vị trí của các em.

Mạng lưới an toàn

Trên chặng đường từ nhà đến trường của một đứa trẻ Nhật Bản là sự chung tay bảo vệ của cả một hệ thống. Với nhà trường, ngay ngày khai giảng các cô giáo sẽ giao cho các con nhiệm vụ phải vẽ lại được lộ trình đi học vào sổ tay, trong đó có đánh dấu các điểm quan trọng như đồn công an, bốt điện thoại công cộng, nơi uống nước,… Các thầy cô cũng thay phiên nhau làm "hoa tiêu", khuyến cáo trước các ngã tư đông đúc, với các nơi quá phức tạp, thi thoảng sẽ có giáo viên đi cùng.

Còn phụ huynh, bên cạnh việc trang bị cho các con các kỹ năng, họ cũng thường xuyên trao đổi trong các nhóm phụ huynh, thay phiên nhau tuần tra các tuyến đường, hợp tác với nhân viên cộng đồng để bảo đảm an toàn trên mỗi cung đường.

Cộng đồng cũng không nằm ngoài mạng lưới đó, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một sáng kiến toàn quốc: Hệ thống 110 cho trẻ em. Cụ thể, mỗi cửa hàng, nhà ở, taxi,… nếu sẵn sàng giúp đỡ trẻ em có thể nộp đơn lên chính phủ để trở thành "nhà 110" cho trẻ. Khi gặp nguy hiểm, các em có thể chạy tới những nơi có biển báo 110 để xin giúp đỡ. Với những người đăng ký trở thành "Nhà 110", họ sẽ được tập huấn các khóa học xử lý các tình huống, đồng thời có nghĩa vụ nắm bắt và phản ánh thông tin tội phạm trên địa bàn.

Ngay từ năm 2008, Nhật Bản đã đặt "năng lực sống" của học sinh là mục tiêu cơ bản của giáo dục bắt buộc. Cha mẹ ở đất nước này cũng đồng ý rằng "để con rời xa vòng tay" và tin tưởng mới thật sự là sức mạnh. Từ bài học kinh nghiệm đó, rõ ràng việc trang bị "kỹ năng sống" cho mỗi đứa trẻ cần được ưu tiên, đồng thời với những nỗ lực bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ tự do phát triển.