Phát triển nhân viên y tế ảo

Tháng 10 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt trợ lý y tế kỹ thuật số phiên bản 2.0. Trước đó, phiên bản 1.0 của nhân viên y tế ảo có tên là Florence đã được ra mắt vào tháng 2/2021, có thể tư vấn cai nghiện thuốc lá hay giải đáp thắc mắc chung quanh vaccine Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhân có thể nhận tư vấn y tế từ xa thông qua smartphone. Ảnh: CBC
Bệnh nhân có thể nhận tư vấn y tế từ xa thông qua smartphone. Ảnh: CBC

Theo Reuters, Florence 2.0 được nâng cấp để có thể đưa ra lời khuyên về các vấn đề y tế đang nhận được nhiều sự quan tâm như cách kiểm soát căng thẳng, chế độ ăn uống hợp lý, những bài tập thể dục thường xuyên tốt cho tim mạch và hệ miễn dịch… Các chủ đề tư vấn được Florence trả lời bằng tiếng Anh và nhóm lập trình đang chuẩn bị cập nhật phiên bản tiếng Arab, Trung, Pháp, Nga, Tây Ban Nha trong thời gian tới.

Nhân viên y tế ảo Florence có thể tư vấn sức khỏe thông qua các cuộc trò chuyện ngắn với người dùng bằng giọng nói hoặc văn bản. Sau khi lắng nghe các vấn đề, Florence sẽ đưa ra lộ trình chăm sóc y tế đã cá nhân hóa hoặc đề xuất các chương trình do WHO khuyến nghị. Không giống như “chat bot”, dạng hội thoại được lập trình sẵn, Florence có thể phản hồi và thể hiện cảm xúc bằng cách kết hợp các biểu cảm trên khuôn mặt.

Theo thống kê của WHO, kể từ khi đi vào hoạt động, Florence đã giúp ngăn chặn nhiều thông tin sai lệch chung quanh dịch Covid-19. Cùng với đó, đại dịch đã có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần của nhiều người. Ước tính cứ tám người trên thế giới thì có một người mắc chứng rối loạn tâm thần, vì vậy việc trò chuyện với Florence có ý nghĩa đáng kể giúp ngăn ngừa và kiểm soát những vấn đề sức khỏe cá nhân từ sớm.

Bên cạnh sự phát triển của công nghệ y tế di động như đồng hồ sức khỏe, hiện nay, chỉ với điện thoại thông minh có kết nối internet, nhiều người có thể nhận tư vấn y tế mà không cần tới bệnh viện. Các chuyên gia cho rằng, do chi phí điều trị bệnh ngày càng tăng, trong khi nhu cầu theo dõi sức khỏe và thực hành sống lành mạnh đang nở rộ nên việc đưa trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng vào chăm sóc sức khỏe đang rất phát triển. Các thuật toán AI có thể cải thiện việc đánh giá sức khỏe, hỗ trợ cá nhân hóa các lộ trình can thiệp riêng để mang lại lối sống lành mạnh hơn, cũng như phát hiện các nguy cơ mắc bệnh mà nhiều người thường dễ bỏ qua.