Ông lão bán lá mùi già

Gió đông hun hút, thoảng tiếng sà-lan rì rì, kêu đùng đục từ sông Đuống vọng vào mạn bờ, tiếng máy như giúp làm loãng màn sương mù giăng kín triền sông. Nhưng cũng phải tinh mắt và để ý lắm mới nhận ra một dáng người đang lọ mọ dắt xe đạp đi trên con đường mòn ngoài bãi.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Đó là ông Luân, người dân ngoài bãi sông Đuống này, đã bao năm cứ vào những tháng cuối năm lại thấy cái dáng lom khom mỗi khi trời còn nhập nhoạng màn sương. Sáng nay vẫn vậy, ông Luân lúi húi một mình cúi nhổ những cây mùi già. Do đã giao kèo với chủ ruộng từ trước nên ông không bận tâm lắm việc ngoài bãi chỉ có mỗi một mình. Ông đến thu gom những cây mùi già rồi bó thành từng nắm nhỏ, mỗi nắm chừng gần bằng cổ tay xương xẩu của mình.

Đang tiết đông. Cái lạnh tê tái lại tái tê thêm bởi những cơn gió thổi đem theo hơi nước sông Đuống vào bãi. Khẽ húng hắng kho, rồi khẽ khàng cúi nhổ những cây mùi. Công việc ấy nếu là người khỏe mạnh hay giữa ban ngày ban mặt thì chẳng có gì khó nhọc cả. Những cây mùi già trồng trên đất bồi phù sa cao gần một mét suốt đêm qua ngủ vùi trong giá lạnh giờ có người chạm tới bỗng tỏa lên một mùi hương thơm hoẳng hoắc. Mùi hương ấy có lẽ làm ấm lên phần nào trên bãi bồi vắng vẻ.

Cũng chắc tới gần 6 giờ sáng. Chút sương quang là lộ rõ gương mặt gầy khắc khổ của ông Luân. Người đàn ông ấy như dân làng Sủi nói với nhau rằng: “Gia đình ông ấy có lẽ là tội nghiệp nhất làng. Vợ bị tai biến, chỉ quanh quẩn trong nhà làm được vài việc nhẹ, cũng đã mấy năm, việc nhà đều do một tay ông ấy đảm nhiệm”. Dân làng Sủi còn nói với nhau: “Vất vả bận bịu như vậy nhưng tuyệt nhiên chẳng bao giờ nghe thấy tiếng ta thán nào của ông ấy cả”.

Thật ra ông Luân còn có hai người con. Cô con gái lớn tên là Hương, đã lập gia đình rồi ra ở riêng mãi bên Thạch Bàn, thi thoảng lắm mới đảo qua nhà chút chút. Thằng em tên là Hải, còn đang đi học trung học phổ thông. Nghĩ phận mình không được học hành tới nơi tới chốn nên ông Luân dồn hết mọi cố gắng của mình để cho thằng con lo việc học hành. Lúc ông lọ mọ tỉnh dậy từ gà gáy canh năm, rồi lại lọ mọ dắt xe đạp ra khỏi nhà cũng là lúc thằng con thứ hai thức giấc. Thằng bé thức dậy ngay khi tiếng xích xe đạp của bố nó kêu còng cọc, nó dậy, nhìn hút theo cái dáng tất tả của bố rồi đảo qua giường mẹ nằm ngó nghiêng, thấy mẹ nó thở đều đều, nó mới đi làm việc khác.

Trước khi ra ngoài bãi, ông Luân đã làm xong công việc đổ nước tiểu cho bà vợ. Nhẹ nhàng khóa cửa nhà, nhẹ nhàng dắt xe đi một quãng dài mà đầu ông vẫn thỉnh thoảng ngoái lại. Ông so cổ, rụt lại cho đỡ lạnh nhưng thật ra đó là lúc ông kiểm tra lại mình xem xem còn sót việc gì không.

Thằng con thứ hai sau khi đảo qua giường mẹ thì quay vào bếp. Nó cũng như bố, đi đứng, làm việc gì đó cũng rất nhẹ nhàng, tiếng động đầu tiên là hơi thở của chính nó và tiếng động tiếp theo là tiếng lửa bếp ga kêu rù rù. Thằng bé tranh thủ đặt nồi cơm điện, nấu chút thức ăn, những thứ đó để khi mẹ nó thức dậy chỉ việc tự lấy mà ăn. Còn chính nó lại vét bát cơm nguội ăn vội rồi đi học.

Nhà ông Luân ở đầu làng, có lẽ do vị trí ấy nên khi ông Luân đạp xe ra ngoài bãi cũng ít người trong làng thấy được. Vả lại trời còn mù mịt, sương mù giăng phủ, có mấy ai dậy sớm đi ra ngoài bãi như ông đâu mà họ nhận thấy.

Bãi sông Đuống vắng lặng đến đìu hiu. Ông dựng xe bên bờ ruộng rồi vội vã nhổ những cây mùi già. Ông bó thành từng bó. Chừng như thấy đã nhiều nhiều, ông Luân ôm từng bó mùi đến buộc chằng vào giá đèo hàng của xe đạp. Chiếc giá đèo hàng đã được ông “cơi nới” bằng những thanh tre dài chừng một mét, buộc chặt vào giá đèo hàng, đủ chỗ đặt tới cả trăm bó mùi già.

Nặng nề đẩy chiếc xe đạp đã chất đầy mùi già lên dốc đê, con đường mòn từ bãi tuy không xa lắm nhưng vì xe chở nặng cộng với sức yếu nên ông Luân phải gắng hết sức mới đẩy được. Lên tới bờ đê, con đường chạy vào làng rộng dài hơn. Bấy giờ ông Luân mới thấy nóng. Thực tình thì trong người ông đã râm ran từ ngoài bãi kia nhưng công việc chưa xong nên ông vẫn mải miết mà quên đi cái nóng.

Người dân làng Sủi bảo: “Mấy tháng cuối năm là mấy tháng ông Luân có thêm thu nhập từ việc đi bán cây mùi già”. Người làng còn nói thêm: “Lá mùi già đem đun nước để tắm vừa nhẹ người lại vừa thơm tho, sảng khoái. Ba ngày Tết mà được tắm nước lá mùi già thì có khi còn phòng được cả cảm lạnh nữa”.

Giờ mới thấy nóng khắp người, ông Luân nới cúc áo ngực. Ông không đạp xe về làng mà tới chỗ ngã ba nơi con đường vào làng giao với con đường đất liên xã thì đạp xe đi thẳng. Người dân làng Sủi bảo: “Ông ấy chở cây mùi già vào Hà Nội để bán. Người Hà Nội bây giờ chắc cũng đã chán dùng sữa tắm toàn mỹ phẩm nên thích tắm bằng lá cây mùi già đun nước”. Họ còn nói thêm: “Cũng chẳng đợi đến chiều Ba mươi Tết, người trong phố mới đun nước lá mùi già để tắm đâu. Cuối năm trời lạnh, tắm lúc nào cũng thấy ấm nên người Hà Nội chịu mua mùi già lắm. Có thế ông Luân mới có việc để làm từ sớm”.

Ông Luân đạp xe hối hả đi, nếu là người đi sau ông, hẳn chẳng ai nhìn thấy bởi những bó mùi già chất cao ngất che khuất hết cả người. Chiếc xe đạp tòng tọc nên cho dù ông Luân có gắng đạp cũng không thể đi nhanh được. Xe cứ chậm chạp từng vòng bánh trên đường số 5 dẫn vào thành phố.

Người dân làng Sủi bảo: “Ông Luân vào tới phố rồi thì dắt xe đi bộ. Có khi đi bộ đến cả chục cây số. Ông ấy vừa đẩy xe đi vừa bán hàng. Có điều chẳng ai nghe thấy tiếng ông ấy rao cả. Có lẽ mùi hương vừa thơm vừa ấm của cây mùi già đã “rao” thay ông ấy”.

Ông Luân đẩy xe đến những chỗ góc phố thì dừng lại. Ở những chỗ ấy, cứ vào buổi sáng trước giờ đi làm là tự nhiên hình thành những cái chợ cóc. Gọi là chợ cóc nhưng thứ gì cũng có, lại toàn thứ tươi mới cả. Hoa quả rau dưa còn tươi roi rói được người trồng rau đem từ ngoại thành vào bán lại cho dân bán lẻ chợ cóc. Thịt lợn, thịt gà cũng được mang từ chợ đầu mối Long Biên tới. Thành thử tiếng là chợ cóc nhưng mới sáng đã có đông các bà, các chị xuýt xoa kêu lạnh tìm tới mua hàng.

Ông Luân dừng xe. Sau khi lấy thanh tre cứng luồn qua gióng xe để làm chân chống thì ông bắt đầu tháo dây buộc. Những bó cây mùi già chừng như được “tháo củi xổ lồng” hay sao mà bỗng bừng tỏa mùi hương ấm áp. Thế là chẳng cần phải rao bán, chẳng cần mời gọi, mấy bà, mấy chị nhanh chóng xúm tới. Người nhặt dăm ba bó, người nhiều hơn thì mua cả chục.

Người dân làng Sủi bảo: “Được cái ông Luân bán mát tay, giá lại dễ chịu. Chỉ 20 nghìn đồng đã mua được bốn bó mùi già. Bốn bó ấy có đun nước tắm cho cả nhà cũng đủ”. Họ còn nói thêm: “Thấy cây mùi già trên phố là thấy Tết đã đến rất gần”.

Ông Luân không dừng xe cố định ở một chỗ. Đường phố đầu giờ đi làm khá đông đúc, với chiếc xe như thế, với những bó cây mùi già nhiều như thế nên ông Luân chẳng dám ngồi lên yên xe để đạp.

Người dân làng Sủi bảo: “Ông Luân đẩy xe đi bộ. Ông đi khắp các phố. Thật ra có đi bộ mới bán được hàng. Mỗi khi chiếc xe đạp chở cây mùi già, lá xanh xen lẫn những nụ hoa chấm trắng của ông Luân đi tới đâu là tỏa mùi hương tới đó, đi tới đâu là bắt mắt người phố tới đó. Hương vị của cây mùi già vừa thơm dìu dịu nhưng lại âm ấm đến góc phố nào là góc phố ấy bừng hẳn lên”.

Người dân làng Sủi còn bảo: “Ông Luân bán đến tầm gần trưa thì hết hàng. Lại thấy dáng người nhỏ thó của ông hối hả đạp xe về làng. Chặng đường cũng không xa là mấy, chừng mười lăm, hai mươi cây số thôi nhưng bụng ông Luân không thấy đói”. Họ còn nói thêm: “Mỗi sáng đi bán cây mùi già như thế, trừ chi phí mua cây ra thì ông Luân cũng đem về cho vợ những nửa triệu chứ đâu có ít. Hôm nào thằng Hải được nghỉ học và đi bán cây mùi già cùng bố thì thu nhập tăng gấp đôi, gấp ba. Số tiền ấy chắc cũng tàm tạm cho nhà ông ấy tiêu Tết”.