Dưới chân cầu Long Biên

Đó là một chiều đông cuối năm với cái nắng mật ngọt đang thay thế cho cơn gió bấc tràn xuống bờ đê, cái nắng ấy tung tăng nhảy múa như một đứa trẻ bị nhốt trong nhà nhiều giờ được mẹ mở cửa cho quà, cái nắng ấy dường như muốn bật tung chiếc then cài tạm bợ của những miếng gỗ chắp vá, hình thành ra thứ được gọi là cửa giả nơi những nóc nhà liêu xiêu xóm ven sông này.
Ảnh: LÊ MINH
Ảnh: LÊ MINH

Người đàn bà tựa vào chiếc ghế nhựa mầu xanh nhìn tôi với ánh mắt không dò xét, có đôi phần cởi mở, thân thiện. Nhưng có lẽ bà không khỏi thắc mắc khi tôi lang thang một mình qua những dãy nhà trọ lụp xụp, bãi đất trống với ngổn ngang thùng xốp, xe kéo và những tấm prô xi-măng cũ kỹ.

Lại gần làm quen, tôi biết bà quê ở Bắc Giang và đã ngoài 60 tuổi. Khuôn mặt đen sạm, loang lổ những đồi mồi, những vết chân chim xếp chồng lên nhau như đã được định vị đúng chỗ, nhiều nhất là ở khóe mắt, vầng trán. Bỗng tôi quá ấn tượng với người đàn bà bởi nụ cười luôn thường trực trên gương mặt khắc khổ, bà nhìn tôi bằng nụ cười hiền hậu, ánh mắt hướng về phía sông Hồng xa xăm... Có cảm giác cái nhìn ấy không bờ bến, không điểm dừng, nó cứ mênh mông hun hút một điều gì đó vô tận, mà không thốt bằng lời.

Thế rồi bà kể cho tôi nghe về cuộc sống của dân thập phương chọn nơi đây là bến đỗ, đa phần là những người lao động nghèo, trong đó có cô Thu Ngọc. Thu Ngọc sinh năm 1992 và làm mẹ đơn thân của 3 đứa trẻ, đứa lớn nhất 10 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi đầu.

Cứ bảy, tám giờ tối sau khi ru đứa nhỏ nhất say ngủ thì bà và mọi người cùng cô Thu Ngọc sẽ đi ra chợ đầu mối. Ai thuê gì thì làm nấy, bốc hàng, kéo hàng, bê những thùng xốp, những sọt hoa quả từ trên các xe ô-tô tải xuống cho chủ hàng... May mắn thì mỗi người kiếm được đôi ba trăm nghìn đồng là tươm rồi, cũng có đêm vất là vậy mà chẳng ai thuê. Người trẻ thì còn dễ chứ có người già lụ khụ không bê, không kéo nổi những bao hàng nặng, đành phải đi nhặt những vỏ bìa, nhặt nylon để bán kiếm vài chục. Không khí chợ đầu mối về đêm nhộn nhịp khác hoàn toàn với ban ngày. 4, 5 giờ sáng sau một đêm vất vả, họ trở về ngủ để lại sức, cuộc sống cứ thế xoay tròn với những cuộc đời tồn tại ở đây. Nên lúc này xóm im ắng lắm, có chăng chỉ vài đứa trẻ tha thẩn chơi với những chú cún hiền lành, hoặc là một vài người già khó ngủ, lầm lụi như một bức tranh ngược với sự sầm uất, nhộn nhịp bên kia phố.

Cơn gió nhẹ thổi từ mặt sông chạy lên ập vào tôi và đám cải vàng cùng lũ trẻ, tôi bỗng nặng lòng với những ánh mắt ngây thơ ấy, những ánh mắt chưa có giấy khai sinh, chưa được đi học ở nơi này. Tôi hỏi bà Tết nhất thì sẽ thế nào, bỗng khuôn mặt bà bừng sáng với nụ cười nhưng hiền hậu, vẫn ánh mắt như gió sông man mác. Có lẽ với người đàn bà ấy thì ngày nào cũng là Tết, chỉ cần có sức khỏe để mỗi đêm kiếm được vài trăm nghìn đồng, sáng sáng trở về thấy các cháu được ăn no, vui cười và được đi học thì lúc nào với bà cũng là Tết rồi.

Phía mắt tôi là lênh đênh những con thuyền chòng chành bé nhỏ, là nhấp nhô những căn nhà tạm, là chiếc cầu chứng nhân của thời gian, chiếc cầu với một gam mầu trầm ắng ngày ngày nằm nghe những mảnh đời trôi, những bộn bề thăng trầm, những lần tàu chia ly và hội ngộ...

Bên sông, bông cải cuối mùa vàng lên mặt trời, vài cây đào đã bung nụ trổ hoa.