Ông tôi tuy cao tuổi vẫn giữ thói quen cắt tóc ba phân thời quân ngũ, trắng như sương muối, mặc áo lốm đốm bạc mầu. Dân bản quen gọi là ông Lò Biên Phòng. Sáng nay ông đeo lù cở nặng đỗ xanh, dắt tôi ra bờ suối. Nơi ông dựng một dãy dài chuồng bồ câu trắng. Ông cất lời:
- Cháu có biết ngày hôm nay là ngày gì không?
Tôi mải nhìn lên cây nêu cao, treo vòng tròn để tung còn. Cắm thêm lá cờ đỏ sao vàng reo trong gió xuân. Tôi hăm hở:
- Mự chiêng mà (ngày Tết).
- Vì thế ông đãi bồ câu ăn Tết đây.
Ừ Tết rồi. Chợt nhớ đến bố tôi, giờ chưa thấy về, tôi hỏi:
- Sao Tết đến rồi mà chưa thấy bố về?
- Bố cháu là lính biên phòng, mải nhiệm vụ không về được.
Chắc thương tôi, ông nhấc hẳn tôi lên ngồi trên vai. Đi xem dãy chuồng chim cho rõ. Rất nhiều chuồng và chim. Đặc biệt đến cuối dãy chuồng chim mầu xanh, cầu kỳ, khác biệt không lẫn vào các chuồng khác được. Tôi nhìn vào chỉ có mấy đôi bồ câu trắng. Chân con nào cũng có ống nhôm hồng xinh gắn dưới chân, trông như đôi giày của các nghệ sĩ ba-lê… Tôi giật mình, định hỏi thì ông trả lời:
- Ông nhớ biên phòng, nhớ nhiệm vụ ngày xưa… nên nuôi nhiều chim bồ câu. Con biết không?
Tôi ngơ ngác chưa hiểu gì. Ông xoa đầu, hôn tôi hồi lâu, nhìn vào mắt như gửi gắm:
- Con còn bé lắm nói ra chưa biết đâu - Nghĩ thế nào ông tiếp:
- Ông nội đi biên phòng. Bố đi biên phòng. Đến con cũng đi biên phòng chứ?
Chẳng hiểu sao, chắc thuận mồm, tôi nói:
- Thì cháu cũng đi biên phòng.
Vui quá, ông tôi hát một đoạn bài “Chung khúc quân hành”. Lần đầu và lần cuối tôi nghe ông nội tôi hát. Giọng ấm như suối nước nóng, vang vọng chẳng khác gì đám thanh niên nữ đang hát múa xòe ngoài kia.
*
Sáng mồng Một năm mới, thông lệ ông Lò Biên Phòng, tóc ngắn ba phân mặc áo lốm đốm bạc mầu. Ông đến thăm bạn biên phòng Vì Cương. Chỉ mấy con dao quăng đã đến bản Chiềng Khương. Nhà nào cũng trồng cây nêu cao, treo vòng tròn để tung còn. Cắm thêm lá cờ đỏ sao vàng reo trong gió xuân. Chỉ có điều khác bản Nà Ngần của tôi là khâu cút không có chim bồ câu trắng lập lòa sưởi nắng.
Hai ông già bản gặp nhau líu ríu. Níu vai nhau leo cầu thang lên nhà. Ăn Tết bản thú lắm, ăn chơi đủ ba ngày. Ngày mồng một “Tết lợn”. Ngày thứ hai “Tết gà”. Ngày thứ ba là “Tết dê”. Nghĩa là ngày ấy cúng lợn, gà, dê để cúng tổ tông. Bản này có lệ đẹp. Tất cả bản đều ăn Tết chung. Nên vui, đoàn kết, vô tư thương yêu như đàn chim chung tổ... Ông cháu tôi đến nơi đã thấy nhà ông Vì Cương trải lá chuối bày mười mâm cơm rượu. Khách đến chật nhà, rượu rót tràn lún cả cầu thang. Ông tôi tặng chủ nhà một lồng chim bồ câu làm quà năm mới. Còn lồng chim sơn son thếp vàng nhốt đôi bồ câu nghệ sĩ, ông cẩn trọng treo lên vách. Xong xuôi. Ông vuốt áo quần thẳng thớm, nhìn mọi người và ngồi vào mâm rượu:
Tiệc rượu đang cao trào. Ông Vì Cương nâng đĩa rượu hai chén đầy như mắt cá. Nói với ông Biên Phòng giọng tha thiết:
- Tết này chắc chắn tôi với ông, phải đến đồn cũ chúc Tết đây.
- Đồn cũ không rủ vẫn đến, ông Vì Cương ớ. Vuốt mái tóc bạc ba phân lưa thưa ông tôi tiếp: Xa đồn Mường On hai mươi năm còn gì, thời gian như ngựa lồng ông nhỉ?
- Vậy là Tết lợn, Tết gà ăn ở nhà tôi, Tết dê là ta lên thăm đồn cũ, tức là ngày 3 Tết ông ớ.
Ông Biên Phòng còn chút lăn tăn:
- Thế thì tôi phải báo tin cho gia đình tôi biết. Chứ không ngày Tết, ngày nhất gia đình trách móc ông cháu tôi mất.
Ông Vì Cương đập vai quả quyết:
- Không lo, để tôi cho cháu tôi đến nhà chơi Tết và báo tin luôn.
- Không cần, tôi có cách.
Nói rồi ông Biên Cương rút giấy bút trong túi. Biên mấy chữ: “Ăn Tết dê xong mới về”.
Ngay đấy, ông đứng lên với lồng chim. Dắt hai lá thư dưới mỗi chân chim trong ống nhôm hồng. Ông phòng sa xảy chim này còn chim khác. Rồi thả đôi chim bay lên trời xuân thắm. Ở nhà, mẹ tôi thấy bồ câu về, đọc thư bà hiểu và vui lắm.
*
Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Ba ngày thăm bản Chiềng Khương, đặc biệt được thăm đồn cũ Mường On nhanh như thác đổ. Ấn tượng ban đầu như đóng đinh trong não. “Đồn là nhà biên giới là quê hương” ghim trong tuổi ấu thơ của tôi… Khi mặt trời sắp lặn vào dãy núi Chèo Bẻo sát biên giới thì “đoàn” chúng tôi chia tay đồn ra về.
Đó là chuyện cũ của đồn Mường On mười lăm năm trước.
Giờ thì tôi đã là chiến sĩ đồn biên phòng.
Học xong phổ thông, tôi theo học trung cấp biên phòng Bắc Giang và tốt nghiệp, được điều lên vùng cao công tác. Thú vị hơn là nơi chôn nhau cắt rốn bản Nà Ngần.
Nhớ lại ba năm trước, khi làm hồ sơ chuẩn bị chọn ngành. Ông nội đang ốm nặng. Bố tôi thì công tác đồn biên phòng xa tít chưa về. Ông nắm chặt tay tôi phào phào. Dặn tôi đừng quên hai điều.
- Một là, ông tâm mong lòng ước lớn lên cháu đi bộ đội biên phòng, vì đất quê mình, mình yêu lấy.
Tôi nghẹn ngào vâng.
- Hai là… đàn chim bồ câu, đặc biệt là đàn chim ông vẫn gọi là chim bồ câu nghệ sĩ. Đừng quên - Nghỉ một chút để thở. Ông tiếp:
- Chim bồ câu là ân nhân của ông và đồng đội thời tiễu phỉ bên Lào. Nhờ huấn luyện chim bồ câu đưa thư mà ta đánh thắng bọn phỉ cháu à. Phải thương chim, chim không phụ lòng người!
*
Hôm tôi đến đồn Mường On. Anh Đồn trưởng và cậu liên lạc vừa đi chốt về, lá xanh còn vướng vai áo. Gặp tôi vui vẻ nói luôn:
- Anh xem hồ sơ học tập của Lò Tuấn rồi - Lò Tuấn là tên tôi. Anh cười khà khà. Loại Khá. Khá nhất là Khoa quản lý biên giới.
- Vâng.
- Liên lạc dẫn Lò Tuấn đi nhận phòng, tư trang. Tuần sau đến bản Nà Ngần mở lớp xóa mù chữ.
- Tuân lệnh!
Đầu tuần. Tôi nhận nhiệm vụ mới. Lớp xóa mù chữ bản Nà Ngần của tôi đứng lớp rất đông và học đều như vắt chanh.
Ngày ngày đến lớp, tôi đều mang lồng chim nghệ sĩ đi theo. Khi đưa chim về đồn đã có cậu liên lạc sốt sắng cho ăn và xem hòm thư dưới chân chim rất thích thú.
Một ngày như mọi ngày tôi đến lớp xóa mù chữ. Trời âm u mà nóng như lò hỏa thiêu. Cậu lớp trưởng ôm đầu đòi cho cả lớp nghỉ. Tôi đồng tình. Nhưng không về mà xách lồng chim lê bước “trinh sát” quanh đồi cao. Chợt tôi rùng mình. Đất dưới chân lún tụt rồi tách làm đôi như miệng con cá sấu khổng lồ đòi ăn. Và còn nhiều đoạn nữa đất rung rinh như động kinh... Động rừng, động bản, động núi, động suối gì đây? Trong phút chốc, đất trời như ngả nghiêng. Mất điện, sóng điện thoại mất luôn. Sắp có biến lớn gì đây? Phải chạy, chạy khỏi nơi đây… Bỗng dưng tôi rút giấy bút viết bốn chữ:
“Lở đất, sập bản!”.
Chẳng kịp nhân bản, chỉ nguệch ngoạc một thư. Tôi cho vào hòm thư dưới chân chim. Rồi thả cả hai con bồ câu trắng bay cao theo hướng đồn biên phòng Mường On. Chắc chắn dăm phút sau cậu liên lạc sẽ được nhận thư báo lãnh đạo đồn cứu hộ.
Tôi chẳng kịp nghĩ gì, lao mình về bản Nà Ngần. Sức khỏe như nhân đôi. Dọc đường bắt gặp ai tôi cũng tru lên. Địa chỉ đầu tiên là cậu lớp trưởng tôi cũng tru lên báo cho dân biết. Tất cả tập trung tại nhà văn hóa. Chạy lên núi Chèo Bẻo. Nà Ngần sắp bị núi lở chôn vùi. Văn văn (nhanh nhanh) tôi phát cả tiếng Thái, tiếng Kinh. Không nhanh thì chết vùi, chết sặc. Bỏ của chạy lấy người. Theo tôi. Theo tôi!
Cả bản đều rùng rùng theo tôi chạy lên núi Chèo Bẻo. Núi Chèo Chẻo cao ráo vững chắc an toàn. Bản này gặp đại họa đều rủ nhau lên đây lánh nạn.
Chợt tiếng nổ chói tai, hoa mắt. Ngày đại họa đến rồi chăng. Cơn lũ ống kinh hoàng nửa thế kỷ nay mới thấy. Khói bụi bốc cao lên trời xám. Sau tiếng nổ như động đất là mưa gió gào thét. Ngọn đồi cao dựng lớp học có hoa píp píp đỏ bầm máu chó sập tan tành. Chôn vùi bản Nà Ngần dưới hàng tầng tầng bùn đất.
May. Đoàn người từ già đến trẻ, trong đó có mẹ tôi đã kịp đến đỉnh núi Chèo Bẻo. Cả bản xanh mắt. Kinh hãi. Không có thầy giáo áo xanh biên phòng Lò Tuấn thì…
Trong đồn Mường Ón may mắn không kém.
Cậu liên lạc ngóng chim. Chợt thấy chim bồ câu về tổ. Cậu ta đón chim gỡ thư. Mặt cũng tái dại, gặp đồn trưởng nói không ra hơi:
- Lở đất, sập bản!
Thư ngắn, họa to. Đồn trưởng hình dung mọi việc như trận đánh máu lửa.
Còi báo động vang lên!
Bốn mươi chiến sĩ biên phòng gộp cùng hai mươi thanh niên xung phong xã. Đoàn quân vội vã mang theo lều bạt, cuốc xẻng, lương thực, thuốc men… đến núi Chèo Bẻo cứu dân và cứu nhà, cứu của cho đồng bào. Anh đồn trưởng, lính biên phòng đã nắm địa hình địa vật. Chỉ có núi Chèo Bẻo là nơi dân bản Nà Ngần tìm đến.
Trên núi Chèo Bẻo. Ánh nắng hừng lên như chiếc khăn piêu rực rỡ rải khắp núi rừng. Hai con bồ câu trắng như hai chùm nắng chập chờn đôi cánh. Mồm kêu líu lo “cúc cúc, cù cu” không ngớt. Chúng vui mừng vì dân Mường thoát cơn đại hồng thủy vừa qua.