Thuở nhỏ, đêm đêm được nghe bà đọc cho những bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa, dù không nhớ rõ đầy đủ tên của từng bài thơ, nhưng cứ nói đến “Góc sân và khoảng trời” là tôi nhớ đến ngay nhà thơ xứ Đông này.
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ, thế mà nhà tôi lúc bấy giờ không nhỏ tí nào, đó là ngôi nhà với khoảng sân rất rộng. Vào những năm 80, nhà tôi được xếp vào loại to nhất nhì xóm. Chưa kể, trong sân có hai cây khế theo lời kể của mẹ tôi, lúc tôi sinh ra cây khế đã ngoài 50 tuổi, to và cao, tán rộng che nửa khoảng sân nhà. Bởi thế, sân nhà tôi lúc nào cũng là nơi tụ tập vui đùa của lũ trẻ con trong xóm lúc bấy giờ.
Sân nhà tôi, nói đúng ra không chỉ gắn với tuổi thơ tôi, mà là ký ức đẹp đẽ với những niềm vui ngập tràn của những đứa trẻ con trong xóm. Những đêm rằm, trăng nhô cao, tròn vành vạnh, chúng tôi chạy quanh sân, thi nhau xem trăng có chạy đuổi theo mình không, rồi chỉ trỏ, cười nắc nẻ, thấy ông trăng cũng như trẻ con, như nhìn xuống, khoe khuôn mặt tròn và cười cùng lũ trẻ.
Trước sân nhà tôi, từ cổng đi vào, chiều dài khoảng sân bằng chiều dài của 4 cái nhà trước mặt sân. Mỗi nhà đều có cửa sổ mở ra nhìn vào nhà tôi. Còn phía sau nhà lại là cửa sổ nhà tôi mở nhìn ra 2 nhà khác. Bởi thế mà, chỉ cần mở cửa, thò đầu ra cái là chúng tôi đã í ới nhau ríu rít. Góc sân tuổi thơ với vòm trời rộng lớn, nơi hoa khế vẫn lặng lẽ rơi như mưa sao, nơi những cây mít, cây bưởi, cây xoan đào hoa tím vẫn xào xạc tươi vui đón gió… yên bình, gần gũi.
Thuở đấy, trò gì chúng tôi cũng có thể nghĩ ra và chơi hằng giờ với nhau được, nào là nấu ăn với bếp củi bằng những viên gạch vỡ xếp lại 3 góc, với những chiếc nồi bằng vỏ ngao, những chiếc đũa là củi khô và thức ăn, gạo là những hạt xoan đào, hạt mồng tơi. Còn chơi đuổi bắt, trốn tìm ư, thì khỏi phải nói, tha hồ chạy nhảy khắp nơi. Đó là chưa kể đến hai cây khế mà bây giờ mỗi khi nhắc lại, lũ chúng tôi vẫn gọi là cây khế tuổi thơ. Bởi nó dường như là nơi không chỉ để chơi mà còn là nơi để ăn, để ngủ và cả để… dỗi hờn mỗi khi bị “ăn” đòn roi của bố, mẹ.
Gốc khế to bằng hai vòng tay ôm của một đứa trẻ 6 tuổi là tôi lúc đó, nhưng lên cao khoảng hơn 1 m thôi cây khế tách ra thêm một nhánh mới, cũng to bằng một vòng ôm của tôi. Vì thế mà chỉ cần để một chiếc ghế nhỏ dưới gốc là chúng tôi có thể dễ dàng trèo lên cây và chơi đủ thứ trò chơi trên đó. Khi thì chúng tôi chơi thi nhau nhảy xuống từ vị trí chia nhánh của cây khế. Cái cảm giác tiếp đất mà nền đất là cát dày mịn như ở ngoài bãi biển thật sung sướng, có khi không bị ngã nhưng lũ chúng tôi cũng nằm xoài ra đất vẫy vùng. Còn ở trên cây khế thì như ngôi nhà thu nhỏ của lũ chúng tôi, nào là võng này, nào là búp bê này, nào là đồ nấu ăn này, rồi cả chăn, gối chúng tôi cũng mang lên cây nốt, mỗi đứa tự xí phần một nhánh cây, coi đó là “nhà” của mình và tự chăm chút, trang hoàng cho nó.
Đôi khi nhớ lại, cái khung cảnh êm đềm đó tôi thấy nó tựa như trong truyện cổ tích.