Tết cố hương

Gần Tết, chú Thành tôi từ trong nam ra, nằng nặc đòi về thăm quê cũ. Gọi là quê nhưng chẳng còn họ hàng máu mủ hay mồ mả tổ tiên gì trên ấy. Đất đai đã qua mấy tay chủ, hàng xóm láng giềng chẳng biết mất còn tứ tán thế nào nhưng hễ cứ nghe ai nhắc đến địa danh này tôi lại thấy xốn xang và thốt lên: Quê tôi đấy!
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC
Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC

Ngày ấy là những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, cũng cận Tết, sương mù có lẽ dày và đục hơn bây giờ. Sương phủ trắng những đỉnh núi, bạc những ngọn cây, đu bám trên dây leo như lũ quỷ nhỏ. Ba giờ sáng, bố gọi tôi dậy, gió đêm lạnh thấu xương, đi theo ánh đèn pin mờ mờ, qua các mỏm đá chon von để ra bến xe. Cửa xe không kính, mùi dầu máy xộc vào thẳng dạ dày khiến ruột gan như bị đầu độc.

Trên nóc xe, cha tôi đã cố gắng buộc cành đào thật chắc. Đó có lẽ là cành đào cuối cùng mà ông chặt từ vườn nhà và cũng là thứ duy nhất ông có thể mang theo đến vùng đất lạ. Nhưng gió và sự va đập chẳng những làm rụng hết hoa và lá mà còn khiến cành đào dập nát. Cha xót xa, đêm đến ông lấy giấy mầu phục sức cho cành đào. Hoa đào giấy nở trong gió xuân như một sự kiên gan, người gượng cười trong cái Tết nơi đất khách còn chân ướt, chân ráo đầy thiếu thốn…

Ra Giêng, chúng tôi đi nhặt gạch cũ, đẽo phần vôi vữa còn bám víu để cha tôi xây thêm căn bếp. Để một gia đình ngụ cư ổn định còn cần biết bao năm tháng. Có năm, 30 Tết điện đóm tối om, cha tôi phải nói khó với hàng xóm xin bắc dây câu điện sang kịp đón Giao thừa.

Tất cả những điều đó chú Thành biết hết. Lần này nghe tôi kể mọi chuyện, chú không bàn đúng sai, chỉ lặng lẽ đốt thuốc. Hút xong chú vỗ vai tôi mạnh như giáng: “Ngược Tây Bắc với chú. Đi để tìm lại gốc gác mình. Xem cái gì còn mất nhưng ông anh tôi không bao giờ sai đâu nhé!”.

Xe chạy mất cả ngày trời để ngược về ký ức. Chú Thành chốc chốc lại gọi to như thể tôi đang cách xa chú lắm: “Con ơi hoa đào”, “Hoa mận mày ơi”, “Lại được thấy lá dong”, “Ôi các chị tằng cẩu”…

Xe đang chạy bỗng chú bật xi nhan tấp xe vào lề đường, tắt máy nhảy xuống, ngó lơ ngơ:

- Ủa, nhà mình chỗ mô hả con?

Tôi giật mình nhìn chú - người đàn ông đã sống hơn 20 năm trên cái đảo nhỏ ở phương nam xa xôi, ngay cả từ ngữ của chú đã nhuốm màu sông nước. Tôi lại gần, khẽ nắm tay chú như lay gọi một người mộng du:

- Chú ơi, không phải đâu, còn đến hơn 40 cây số nữa mới đến quê mình, chú cháu mình lên xe đi thôi.

Ngồi lên xe, thắt dây an toàn, chú khẽ với ra ghế sau lấy cái túi da đeo chéo, lục tìm cái gì đó. Cuối năm, đường bắt đầu đông khi đến khu dân cư, chợ tạm. Mỗi lần chú sắp lần ra thứ gì đó, sắp chạm vào vật đó thì xe lại lắc, chú lại bị mất phương hướng. Nhưng rồi khi đã tìm thấy, mắt chú sáng lên, gọi tôi như thể một người đi săn đã hạ gục con mồi.

- Đây rồi cháu ơi, đã tìm thấy.

Ảnh đen trắng có răng cửa viền bên ngoài, nước ảnh đã ố chỉ còn thấy vài khuôn mặt mờ nhạt. Ảnh cũ quá, cảnh thì đã khác, mấy chục năm “vật đổi sao dời” những đôi mắt người xưa nhìn tôi như muốn nói: “Cậu bé, cậu có biết cậu đang đối diện với ai không?”.

Hai chú cháu đi bộ men theo con suối vơi nước, sỏi cuội lạo xạo dưới chân. Đến một chỗ như linh cảm thấy điều gì, chú ngước lên nhìn mỏm núi phía xa và reo lên: “Đây rồi. Ngày xưa ông cố đến ngủ nhờ đêm đầu tiên”. Tôi nhìn quanh thắc mắc: “Chú có nhầm không vậy, nơi đây thì làm gì có nhà ai?”.

Hai chú cháu bỗng im lặng chỉ có những đôi giày quen bén gót trên phố đạp lên đất xưa. Chú Thành vẫn tin đất phải có chủ, nước phải có nguồn, suối tầm này còn nước là nhờ rừng còn xanh tốt trên kia.

Hai chú cháu đi được một đoạn khá xa thì thấy một nhà sàn nhỏ. Cúi đầu bước vào gầm sàn, thấy một người đang mải mê khắc một cái tượng. Người đó giật mình ngước lên:

- Ôi, xin chào hai người ghé thăm.

- Vâng chúng tôi chỉ ghé qua. Khu này giờ là đất của nhà ai vậy anh?

- À thật ngại, tôi là Lò Ban, cháu nội của cụ Lò Sáng, người khai khẩn nơi này.

Chú Thành bước đến, nắm chặt tay người họa sĩ, nói gì đó rất khẽ. Người đó nghe đến đâu ánh mắt sáng lên đến đó rồi vội mở tủ lấy ra một quyển album khá cũ và tìm kiếm.

- Đây thưa ông, có đúng chỗ này không ạ?

Chú Thành giảng giải:

- Đó, 28 Tết, lúc đó còn đồn giặc trên đồi. Ông cố tôi lên đây thì trời đã nhá nhem tối. Không cho cái ăn, chốn ngủ, chẳng biết tiếng mà lội suối đến gặp cụ cố nhà ta. Chỉ nhìn vào cách nói chuyện, biết là người lương thiện, thế là gia chủ thịt gà, rót rượu thành tri kỷ.

- Vâng, thưa ông, thế rồi các cụ nhà mình còn ngược…

Như sực nhớ ra, chú Thành cúi đầu chào họa sĩ trước và không quên để lại câu nói:

- Vâng, chính cụ cố tôi đã dạy chữ quốc ngữ cho hai ông con cụ cố Lò Sáng đây.

Chúng tôi lên xe, để lại ánh mắt thảng thốt bất ngờ của ông Ban. Xe chạy trong sương mù dày đặc, tôi cho xe dò dẫm, lòng ưu tư. Chú Thành bảo tôi:

- Chuyến này, chú cháu mình sẽ không đi theo cách đi du lịch, ta cứ trở lại cái vai của các cụ mình, đi ăn nhờ cái Tết quê cháu ạ.

Chủ nhà thấy chúng tôi nói lý do chưa tìm thấy cây xăng và sương mù dày muốn được tá túc có vẻ e ngại. Tuyến đường này từng có đường dây vận chuyển ma túy, bắt cóc trẻ em, lừa đảo. Chú nói chỉ xin sưởi lửa dưới sàn, không có ý làm phiền thêm chủ nhà nữa. Bỗng ngước lên thấy cây đàn tính tẩu treo trên vách, chú liền ngỏ ý mượn chơi. Nhìn cách chú cầm đàn, nghe tiếng đàn vang lên, cả nhà đều bước ra quan sát và tỏ vẻ ngạc nhiên. Chú Thành ngừng chơi, cứ thế kể cái năm vừa rời ghế nhà trường lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi tổng động viên bảo vệ biên giới. Giao thừa năm đó, chú còn chơi đàn tính bên nhà cô bạn gái người Thái. Rồi tiếng súng vang lên, chiến tranh đã khiến họ thất lạc, giờ thấy đàn như còn thấy người xưa…

Bác chủ nhà đã mang bánh gù nhân đậu nho nhe và con cá nướng ra từ lúc nào.

- Tết sớm anh nhé, tôi bận cái xưởng chế biến nông sản, giờ mới chuẩn bị được có thế này.

- Thế là quá đủ rồi, tôi xa miền núi đã lâu, ngửi thấy hương mắc khén nướng than là thấy Tết.

Ngắm nhìn người đàn ông tóc hoa râm, đôi lông mày lưỡi mác đang trầm tư như tự đào xới ký ức của mình, ông chủ nhà tò mò:

- Từ ấy bác không đi tìm người xưa à?

- Không, biết đâu mà tìm. Ngày đó chỉ kịp đưa cho cô cái lược đồi mồi mà mẹ tôi vẫn dùng. Thời chiến, con dao, cái đòn gánh cũng phải sắc nhọn, lấy đâu ra dây chuyền hay nhẫn như bây giờ.

- Lược đồi mồi à, sao tôi chưa nghe thấy bao giờ? Nhưng có một cái lược này tôi thấy bà cụ nhà bên hay chải. Bà đã ngoài 60 mà ngày nào cũng chải tóc. Hồi bé tôi để ý mỗi lần chải xong, nhặt sợi tóc rụng, bà lại ngắm rất lâu rồi thở dài nhìn ra phía con đường phía ngã ba ngược lên biên giới.

Chú Thành đi theo anh chủ nhà, hai người vén bờ rào gai tre bước sang, nhà bên đó vẫn ngăn nắp nhưng vắng lặng. Anh gọi, người nào đó trả lời trong điện thoại rằng, bà cụ đã vào nam từ trước Tết. Bà đi tìm liệt sĩ? “Liệt sĩ ư? Chú Thành đứng sững sờ như người vừa đánh mất một thứ gì.

Trời gần về sáng, gió lạnh, mưa rét. Rồi tiếng gà gáy cũng cất lên, tôi biết chú Thành đâu mong tiếng gà ấy. Chúng tôi lại lên đường, theo định vị còn đúng 10 km nữa là đến khu xóm cũ. Tôi thấy trống đang đánh liên hồi trong ngực mình. Chú Thành lại lấy từ túi ra cuốn sổ nhỏ. Trong đó vẽ những đường nét bằng chì.

- Nhà cháu trước ở kia!

- Ủa, đâu có, phải dưới kia chứ?

Bất giác chú Thành châm thuốc rồi triết lý:

- Suy cho cùng chỉ có con người xây rồi phá tổ, chim chóc cứ ở xong bỏ đấy lại hay. Người có tự xây được tổ ấm đâu, thợ hồ xây ấy chứ, họ xây xong lại đi xây tiếp, ấm hay không là ở các vị cả.

Tôi giơ hai tay lên cao mà gào thật to:

- Hỡi mùa xuân, hỡi căn nhà gỗ ba gian nay đã về đâu?

Bỗng từ dưới dốc một tiếng nói đáp lại:

- Ở đây, có phải nhà ông Sơn trước kia không?

Tôi giật mình, một người đàn ông nhỏ thó chạy lên ôm chầm lấy tôi:

- Hưng còi đây, đã nhận ra chưa? Ta về lại căn nhà xưa thôi…

Hưng, tôi nhớ ra Hưng rồi, cái thằng bé con một nhà tít trong núi ra ở trọ nhà tôi để học cấp I. Có một cái Tết nó phải đón năm mới ở nhà tôi vì trận ốm vào những ngày cuối năm. Đêm 30 nó sốt, môi đỏ hồng, tôi lay nó dậy uống nước, nó hỏi: “Sang năm mới chưa?”, nói xong lại thiếp đi ngủ li bì. Đấy là lần cuối cùng tôi được đón mùa xuân ở đây…

Hưng dẫn hai chú cháu tôi vào một cái cổng, bật công tắc điện, các loại đèn bừng sáng, hắn chỉ tay: “Cậu thấy gì kia không?”. Ôi! Cả căn nhà gỗ của tôi hiện ra với cái bể phía trước, gian bếp, khoảng sân… tôi không mơ đấy chứ.

Hưng giờ là một người giàu có, anh giữ lại không gian ký ức ấy sau khi tìm cách mua lại từ người chủ mới căn nhà xưa về dựng trên đất này. Tôi và chú Thành lặng đi cho đến khi Hưng giục:

- Hai chú cháu ngồi xuống đây, ta uống ly rượu mừng năm mới. Mùa xuân luôn tặng cho chúng ta một món quà thú vị. Cháu đã đợi ngày này từ lâu lắm rồi…