Ở nơi này bao nhiêu năm, tưởng đã thuộc lòng từng ngõ ngách nhưng những khi trả khách rồi vòng về một mình Hải thấy mình như kẻ lạc đường. Phố đã chìm vào giấc khuya tĩnh mịch, chỉ những kẻ vì miếng cơm mới phải bươn bả ngoài đường giờ này.
Hải lái xe vòng về phòng trọ thì trời đã tang tảng sáng. Con hẻm dài ngoằng đẫm trong màn sương mờ đục, dưới ánh đèn lờ mờ y một mê cung. Sương làm ướt mi mắt của gã đàn ông vừa chạm bốn mươi. Hải bóp phanh, dừng xe trước thúng xôi của người đàn bà trùm khăn len kín mít chỉ lộ ra gương mặt khắc khổ. Bà ngồi co ro, chốc chốc lại áp đôi bàn tay trơ xương nổi đầy gân vào thúng xôi tìm hơi nóng. Đôi mắt bà thoáng chút vui khi nhìn thấy Hải.
- Chú lại chạy xe đêm à?
- Dạ. Chạy đêm cước cao hơn ban ngày á bà. Mấy nay lạnh bà nhỉ?
Người đàn bà đưa hộp xôi nóng cho Hải, gật đầu. Bà nhìn đôi mắt quầng thâm của Hải, tặc lưỡi bảo đừng làm cố sức quá, kẻo lại lăn ra ốm thì khổ. Mà trời lạnh thế này ốm dễ gì khỏi! Nghe giọng nói chân tình của người đàn bà Hải chợt mủi lòng. Lâu lắm rồi mới lại có người giữa thành phố rộng lớn mênh mông này quan tâm Hải ốm hay khỏe. Cách đây hai tháng, Hải ốm một trận lăn lóc. Chạy xe khuya về, thấy người mệt mệt, tưởng ngủ một giấc sẽ lại sức, ai ngờ dậy không nổi. Bình thường Hải khỏe như trâu, chủ quan nên trong phòng chẳng có lấy một viên hạ sốt hay thuốc cảm. Hải nằm vật vã từ sáng tới chiều trong dãy phòng trọ vắng hoe bởi người ta đã đi làm cả. Tới nhiều, nghe tiếng người í ới nói cười Hải gượng dậy mở chốt. Cửa vừa bật mở, Hải đổ sập ra sân trọ như cái cây bất ngờ bị gió quật. Hàng xóm hoảng hồn đưa Hải đi cấp cứu. Từ đợt ốm đó Hải đâm ra nghĩ ngợi nhiều. Chạy xe giữa đêm, cái lạnh tê tái khiến Hải chợt thèm một bếp lửa ấm, thèm một lời hỏi han.
Bây giờ về phòng, mở cái chốt cửa sắt lạnh ngắt ra, đợi chờ Hải cũng chỉ là sự trống trải. Nhìn người đàn bà ngồi một mình bên thúng xôi, đột nhiên Hải muốn ngồi nán lại với bà già này đôi chút. Hải đá chân chống xe, ngồi trên cái bậc rêu cạnh đó giở hộp xôi ra ăn. Những hạt xôi dẻo quánh quyện với nhau, mùi ruốc thịt thơm lừng cộng với vài lát giò thái mỏng, đơn giản vậy thôi mà ngon lạ lùng.
Nhai miếng xôi dẻo thơm, Hải nhớ những buổi sáng đã thành xa lắc xa lơ. Mẹ dậy sớm nhen bếp lửa rồi đặt lên nồi xôi sáng. Mẹ xới cho Hải cục xôi vào chén, rắc lên đó tí muối vừng giã nhuyễn. Mẹ bảo ăn cho no để mà còn đi học, trời lạnh là mau đói lắm! Mẹ cời mấy cây củi trong bếp, cười hiền nhìn Hải đưa bàn tay dính đầy xôi lên miệng gặm. Nghĩ đến đó, đột nhiên mắt Hải rưng rưng. Mới ngày nào còn xuýt xoa vì cục xôi nóng mẹ đưa mà giờ với Hải như một đoạn đời xa xăm. Mẹ mất sớm vì bệnh, ba cưới vợ khác rồi Hải bị quăng ra đường kiếm cơm sớm khi chỉ mười lăm tuổi. Hải vẫn nhớ đôi môi người đàn bà cong cớn bảo lớn rồi thì tự kiếm cơm đổ vào mồm, ai mà nuôi mãi được! Hải quay qua tìm ba bấu víu. Đôi mắt ba đụng mắt Hải rồi quay vội đi chỗ khác. Sau lưng ba, ánh mắt người đàn nhọn hoắt như mũi dao. Hải biết từ giờ phút đó phải tự lo cho cuộc đời mình.
*
Những tiếng chuông nhà thờ khuấy loãng bầu không khí đặc quánh sương đêm. Không cần nhìn đồng hồ, Hải cũng biết đã 5 giờ sáng. Các cụ ông, cụ bà trong lớp áo bông dày thả những bước chân chậm rãi về phía nhà thờ. Lễ đầu giờ sáng, đa phần người có tuổi. Có lẽ người già dậy sớm, hoặc có lẽ những trang nghiêm trong buổi lễ đầu ngày rất hợp với những người đã qua những sóng gió thăng trầm. Chốc lát nữa, khi tan lễ, một vài người sẽ dừng lại trước thúng xôi của bà mua quà sáng.
Ở quê Hải cũng có một nhà thờ nhỏ. Cây thập tự trên đỉnh nhà thờ ẩn mình dưới những hàng phi lao rì rào gió. Mẹ Hải mỗi lần bước chân qua nhà thờ đều ngước nhìn cây thánh giá ấy. Có khi mẹ đứng lại, nhìn những người dự lễ rì rầm đọc kinh. Mỗi khi không tìm thấy mẹ sau những trận đánh đấm tàn bạo của ba, Hải liền chạy đến nhà thờ. Mẹ không vào trong lễ đường vì nhà Hải chẳng ai theo đạo. Mẹ lặng lẽ quỳ dưới gốc phi lao già, chắp tay lên lẩm nhẩm trong miệng y như những người đàn bà vẫn hay cầu nguyện mỗi chiều chủ nhật. Hải đứng từ xa len lén nhìn mẹ. Mẹ gầy guộc như những cây phi lao suốt ngày liêu xiêu vì gió biển. Có lẽ mẹ tin rằng, nếu cầu nguyện thì biết đâu cuộc đời của mình đỡ khổ.
Những ngày tháng 12 năm ấy, nhà thờ treo những dây đèn lấp lánh, trang trí bên ngoài những bóng đèn đủ màu sắc. Giữa những đêm mùa đông tối hun hút, mấy chùm đèn rực rỡ khiến mấy đứa trẻ con nằng nặc đòi người lớn dẫn ra xem rồi mới chịu về chui vào chăn ngủ. Đêm Giáng sinh, cả xóm í ới gọi nhau đi xem người ta diễn hoạt cảnh. Hải nắm tay mẹ dắt đi dẫu mẹ lắc đầu bảo phải đợi ba về sau cuộc rượu với mấy người đàn ông kéo lưới. Mặc kệ, Hải vẫn kéo mẹ đi.
Mẹ háo hức ngước nhìn đèn, chảy nước mắt lúc người đàn bà diễn hoạt cảnh diễn tả Đức Mẹ sinh con. Hải chìa bàn tay nhỏ xíu để ông già Noel thả vào mấy viên kẹo sau buổi lễ. Hai mẹ con ríu rít cười dắt nhau về giữa con đường lạnh cóng như băng. Về tới nhà thì ba vẫn chưa về. Có lẽ ông đã ghé nhà người đàn bà sau này là mẹ kế của Hải ngủ lại. Mẹ thì chẳng quan tâm, bởi ba vẫn thường xuyên như thế! Sau này nghĩ lại, hình như đó là cái đêm duy nhất Hải thấy mắt mẹ lấp lánh niềm vui. Còn lại những chuỗi ngày của mẹ chỉ toàn run rẩy, sợ hãi, van lơn. Những ngày mẹ ôm ngực vì những cơn ho rũ rượi, ba càng đi nhiều hơn.
Hải lang bạt nhiều nơi nhưng không về nhà. Có năm Hải ngồi hai lượt xe đò, về thắp nhang lên mộ mẹ, ra gốc phi lao ngày xưa mẹ hay cầu nguyện ngồi ở đó thật lâu rồi lại quày quả đi. Những nơi Hải ở trọ đều chọn gần nhà thờ. Mỗi bận nghe tiếng chuông ngân lên, Hải nghe lòng mình dịu lại. Thỉnh thoảng, chạy xe về nhà trọ giữa trời đêm lạnh cóng, Hải dừng xe trước nhà thờ đốt thuốc trong lặng im. Những ngày tháng cũ lần lượt quay về trong tâm trí. Hải nhìn thấy mẹ và mình nắm tay nhau trong ríu rang cười nói.
*
- Hẳn chú là người ngoan đạo?
Hải lắc đầu. Bà già nói đã nhiều lần nhìn thấy Hải đứng lặng im trước nhà thờ. Có khi đứng đó cả tiếng đồng hồ giữa trời lạnh cóng. Mà những người đứng trước nhà thờ thật lâu như thế đều ngoan đạo cả. Hải lại cười. Bà già bảo sắp Giáng sinh rồi. Mỗi sáng người ta đến nhà thờ đọc kinh nhiều hơn, thúng xôi của bà cũng nhanh hết.
Nhìn dáng người gầy còm trong chiếc áo ấm cũ, Hải hỏi sao già cả bà không nghỉ ngơi lại ra đường buôn bán vào giờ khuya khoắt. Bà rơm rớm, nào có ai muốn ngồi giữa gió sương bao giờ. Bà có đến hai đứa con trai. Ông nhà mất sớm, với thúng xôi này bà nuôi chúng nó ăn học đàng hoàng rồi lập gia đình. Nhưng khi con có vợ, mẹ lại hóa người dưng. Bà chẳng ở được với đứa nào cả. Bà biết hết những cái liếc bén ngót, những câu nói tị nạnh của những đứa con dâu dành cho bà. Thôi thì để gia đình tụi nó yên ấm thì bà ra ngồi với thúng xôi. Bà còn mạnh tay mạnh chân cũng chẳng đến nỗi nào. Bà già kể xong thở dài cái sượt. Hải nghe như có cơn gió lạnh nào vừa thổi qua gan ruột mình.
*
Những buổi tinh sương, Hải đều dựng chiếc xe ngồi xuống với bà già. Ăn xôi chỉ là cái cớ, Hải muốn có người ngồi bên để thấy mình bớt lạnh lẽo sau một đêm chạy miệt mài giữa những cơn gió rét. Bà già cũng đợi Hải, miệng nở nụ cười khi thấy Hải dựng xe. Trời càng ngày càng lạnh, người này nhìn vào mắt người kia để thấy mình bớt cô độc. Những câu chuyện không đầu không cuối cho đến khi bất chợt vang lên tiếng chuông nhà thờ báo hiệu giờ lễ sáng.
Một bữa Hải sững sờ nghe bà già nói mình chưa từng đi đâu khỏi con phố này. Hồi còn trẻ, ông già từng chở lên phố chơi nhưng xưa lắc xưa lơ rồi. Bữa trước có tụi nhỏ ghé mua xôi, hồ hởi khoe trên phố người ta mắc đèn, trang trí đón Noel, mừng năm mới đẹp lắm. Giờ bà sắp về với đất, đột nhiên lại có mong ước bữa nào đó thong dong đi ngắm phố ngắm đèn. Đời mình bé nhỏ, cứ quẩn quanh mãi. Giờ muốn đi mà giờ cặp chân như sắp rụng khỏi chân mình!
Miếng xôi như mắc nghẹn trong miệng Hải. Sao mà có người lại mơ ước nhỏ xíu, giản đơn đến như thế? Hải nói, chuyện gì chứ chuyện đó dễ ẹc, tối nay sẽ chở bà đi ngắm phố đã đời. Bà già “thiệt hả?” mấy lần rồi nhìn Hải rơm rớm.
Buổi tối trời lạnh căm, Hải tắt app rồi chạy tới con hẻm. Bà già đứng đợi từ bao giờ. Hải đưa tay cài nón bảo hiểm cho bà chắc chắn. Hải chạy thật chậm vào xóm đạo, những con đường, những hẻm lớn, hẻm nhỏ giăng đầy những ánh đèn nhấp nháy. Bà già đưa mắt hấp háy nhìn, nói mấy chục năm rồi mới lại có người chở bà đi chơi. Niềm vui theo từng ánh đèn rơi vào đôi mắt từng đầy những vệt buồn. Hải nhìn qua kính xe, đôi mắt ấy giống y như mắt mẹ ngày nào! Chợt tiếng chuông nhà thờ vang lên trong trẻo. Phải rồi, đêm nay là đêm Giáng sinh...