Những khoảng đất như vậy thường là nơi tụ tập vui chơi của một làng, một xã hoặc cả huyện. Chiều hè bọn trẻ con rủ nhau đá bóng, đánh cầu, thả diều, dạo vòng quanh. Tối đến, vài ba chiếc ghế đẩu được xếp cách nhau, đặt chiếc đèn dầu khoảng tối khoảng sáng, mấy bà mấy cô bán hột vịt lộn cho đám thanh niên ngồi hóng mát tỉ tê chuyện trò. Có những bữa khu đất trở thành nơi diễn ra hội thao, thỉnh thoảng có đoàn ca múa nhạc từ phố đến. Mỗi khi đất trời vừa chớm Chạp, các xe hoa Tết từ muôn ngả nối đuôi nhau chuyển về, khuấy động làng quê.
Năm nào cha cũng thấp thỏm ngóng mùa hoa Tết, luôn là người đầu tiên đặt chân tới vườn, dựng tạm chiếc lều bạt đặng xin một chân làm mướn trông ngó hoa. Cha chắt mót chút tiền công ít ỏi đó, cốt thêm vào bữa cơm đầu năm chút thịt cá tươi ngon, sắm cho mấy đứa con bộ quần áo mới, dâng mời bàn thờ tổ tiên vài cặp bánh tét nhân thịt to tròn. Vườn thắp điện lung linh sáng đêm, cha cùng thương lái thức trắng canh hoa, canh cả gia tài phập phồng hy vọng. Giữa làn sương mờ sớm, cơn gió rét lạnh luồn qua lớp áo rát buốt da thịt, thổi khô bờ môi cha vẫn cố nở nụ cười.
Dưới vạt nắng hây hẩy cuối đông, vườn hoa rạng ngời thắp Tết. Bao nhiêu chậu mai vàng tươi cánh mỏng manh, cành uốn dáng cao sang mang may mắn, phát đạt cho người chưng hoa. Biết mấy hàng quất cảnh lúc lỉu trái xanh trái vàng, tròn vo ước vọng sung túc đủ đầy của người dân quê. Kìa những chậu cúc vàng rực hoan hỉ về một mùa xuân viên mãn, cầu mong mạnh khỏe, trường thọ. Từng hàng thược dược khoe đủ sắc mầu rực rỡ như những nàng xuân đỏng đảnh xúng xính váy áo, nào hồng, nào cam, nào vàng, nào trắng. Bao bó hoa ly thơm phưng phức thỏa sức tỏa hương quyến dụ lòng người. Và thêm nữa những chậu hoa mào gà, hướng dương, đồng tiền, sống đời, vạn thọ,…
Hiển nhiên người nhà nông quen việc sẽ biết cách kiểm soát nhiệt độ, canh tháng tính ngày bọc hoa, che lá để nụ hé nở đúng dịp. Nhưng vẫn có năm, đất trời trót lỡ tay rót nắng về sớm quá, ấm quá, hoa sẽ nở bung toe toét khi mùa còn chưa cạn Chạp. Cả người trồng lẫn thương lái đều đắng đót chấp nhận thua lỗ, ngậm ngùi xác định năm ấy mất Tết.
Chợ hoa tấp nập khách, người bán bội thu sẽ hân hoan phơi phới. Cũng có những vị khách chỉ dạo chơi, chọn lựa đã đời, buông lời ngã giá nhưng cuối cùng lại ngần ngừ chẳng mua. Hoặc họ đơn thuần là người đương còn phải cân nhắc dè sẻn từng đồng chi tiêu, chưa thể vung tay cho một thú chơi xa xỉ. Hoặc đôi khi chen vào vài kẻ luôn đợi người bán hoa hạ giá, chực chờ mua được món hời.
Chừng ấy năm qua đi, chợ hoa vẫn đều đặn tỏa hương khoe sắc làm dấu hiệu xác tín báo Tết về. Thấy hoa là thấy Tết. Ngày mấy đứa con trưởng thành, thuở gian khó cũng trôi xa, cha không còn phải nôn nao tranh chỗ, mỏi mắt trắng đêm giữa gió Chạp lạnh ngắt trông hoa cho thương lái hay chăm giùm bán phụ người ta. Bây chừ, cha đã có thể ung dung dạo quanh chợ hoa chở Tết về nhà. Thế nhưng, chưa bao giờ tôi dám quên một thời cha hy sinh từng giấc ngủ để gia đình có cái Tết no đủ tiếng cười.