Làm quen, mỗi khi có hàng, là anh chị nhận được cuộc gọi, ra chở về đổ ra trước sân, tỉ mỉ phân loại, sắp xếp cẩn thận rồi mang đi cân. Siêng năng thì cũng đủ đắp đổi, có khi còn dư ra được chút đỉnh để dành. Năm nay, con gái chị Tam lên mạng tìm thông tin, buồn rầu thông báo rằng, tiền vé máy bay khứ hồi về quê của một người thôi cũng tiêu tốn bằng tiền chợ cả tháng của cả nhà! Loanh quanh suy tính mãi, cuối cùng gia đình chị Tam quyết định ở lại ăn Tết. Thôi kệ, ra Giêng thư thả hơn rồi mình về, chi phí sẽ đỡ hơn, đâu nhất thiết cứ phải ăn Tết quê mới được.
Thế nhưng, khi gió tháng Chạp rập rờn đâu đó trên mấy rổ kiệu đang phơi nắng trong hẻm, chị Tam len lén buồn. Cả năm, chị vẫn thường mường tượng về những ngày Tết giữa khung cảnh quen thuộc, với các món ăn xứ bắc đầy nhung nhớ. Chị thèm bầu không khí lành lạnh quê nhà, giữa bà con họ hàng quây quần, tí tách cút rượu trắng, dăm món ăn đơn sơ. Nhiều năm vào đây làm lụng, chị đếm thời gian bằng những chuyến hồi hương khi năm hết Tết đến. Thế mà...
Hòa là cô giúp việc theo giờ của mẹ tôi. Cô nhận vài mối chủ nhà, và theo lịch trình hẹn trước, Hòa sẽ đến dọn dẹp, nấu nướng. Có lần, tôi hỏi vui Hòa rằng, đều là các đầu việc nhà na ná nhau, ngày này tháng nọ như vậy có chán không? Hòa cười tươi trả lời, dạ em quen rồi, em chỉ mong luôn có sức khỏe để kiếm tiền, nuôi con, dành dụm cuối năm về thăm nhà. Thế mà mới đây Hòa hỏi xem mẹ tôi có cần cô ấy qua phụ vào mấy ngày Tết không. Hỏi sao không về quê, chưa mua được vé tàu à, Hòa tần ngần rồi kể, khoản tiết kiệm chưa được nhiều, giờ về quê dịp Tết rất nhiều thứ phải lo. Ngoài đi lại, ăn uống, còn quà cáp biếu xén, phong bao lì xì… Vợ chồng Hòa bàn nhau, nếu ở lại làm thêm mấy ngày này sẽ dư ra được số tiền không nhỏ, đủ cho con trai đóng học phí luyện thi vào đại học. Mẹ tôi nghe tới đây liền gọi ngay vài cuộc điện thoại, giới thiệu Hòa cho mấy gia đình đang lo lắng tìm người phụ đỡ khi trẻ con bắt đầu nghỉ học, loanh quanh ở nhà...
Một tối dự tất niên về trễ, tôi bắt taxi công nghệ, thấy anh lái xe cởi mở trò chuyện. Rằng anh đợi bọn trẻ được nghỉ Tết thì chở mấy mẹ con về nhà ngoại ở miền Tây tá túc. Riêng anh sẽ quay ngược lại thành phố, tranh thủ mấy ngày Tết ít cạnh tranh và giá cước tốt hơn, để cải thiện thu nhập. Hỏi sao không nghỉ ngơi sau cả năm ôm vô lăng rồi, anh hồ hởi bảo, cứ nghĩ tới sau Tết có một khoản để trang trải, thì thấy một mình mưu sinh ở thành phố cũng rất đáng. Chưa kể, vợ con về ngoại cũng vui vẻ sum vầy, còn có thể gọi điện thoại thấy hình cho nhau mỗi ngày, nên cũng gần gũi lắm. Tôi típ cho anh một khoản thơm thảo be bé, chúc anh “gặt được nhiều lúa” cho vợ con trong những ngày chăm chỉ tất bật này.
Những câu chuyện kiểu như trên thật không hiếm giữa mảnh đất phương nam năng động này, nơi mà người ta hay bảo: Chỉ cần bạn chịu khó, siêng năng thì chẳng sợ bị đói. Thế nhưng, đâu đó vẫn là ánh nhìn rười rượi cố giấu, như đôi mắt chị Tam lúc láng giềng vừa hỏi thăm vừa lặt lá mai, chờ đón những lộc nõn xanh um bật nở. Người ta có thể tất tả và lãng quên trong cả năm dài, nhưng đắm mình vào không khí tháng Chạp, dễ thấy lòng bao nhiêu niềm day dứt. Chính những cưu mang, lộc lá, rộng lòng với nhau, sẽ giúp cho mùa xuân vơi bớt những tiếng thở dài.