Ngày thơ bé, khi tôi theo chân ba mẹ chuyển nhà từ miền trung vào một miền đất mới lập nghiệp. Ngồi lom khom sau cửa bếp, ba cặm cụi mài mặt lon sữa đã khui xuống tảng đá. Chờ cho đến khi phần viền miệng lon mòn đi, chiếc nắp sữa rơi ra thì ba dùng búa để gõ cho gọn hết mảnh còn sót lại để không bị cứa vào tay. Quay qua ba lấy nước rửa sạch hết nhãn giấy bên ngoài và sữa bên trong rồi đem phơi cho khô hẳn.
Khi lắng nghe âm thanh của chiếc lon múc vào thạp gạo, mẹ cảm nhận được gạo còn nhiều hay ít. Tiếng thịch chắc nịch thể hiện gạo còn nhiều. Tiếng lách cách khi lon chạm đáy thạp rồi vang lên lộp cộp như một nhịp trống trầm, báo hiệu gạo đã gần hết. Thi thoảng tiếng xào xạc xen lẫn khi mẹ dùng một tay nghiêng thạp, một tay cố gắng vét những hạt gạo cuối cùng. Khi ấy tôi cảm nhận được tiếng thở dài của mẹ với những lo toan vì nhà hết gạo. Mẹ sẽ bảo tôi cầm cái tô qua nhà cô Út hàng xóm mượn đỡ hai lon gạo. Lạ một điều, chẳng ai hỏi ai mượn một hay hai ký gạo mà chỉ hỏi bằng đơn vị lon. Và một lon của người quê tôi cũng lạ lắm, múc cho thật đầy vun lên, chẳng hề tính toán, chỉ sao cho người kia được phần nhiều. Đến ngày trả gạo, mẹ cũng gắng múc cho đầy vun, sợ chừng chưa đủ, mẹ lại bốc thêm vài nắm vào rồi bảo tôi mang đi gửi lại. Những lần ấy, mẹ không quên dặn dò tôi nói lời cảm ơn cô Út.
Vào mùa tiêu, nhà nào trúng vụ sẽ hái tiêu vào, phơi khô rồi xúc mang biếu hàng xóm. Tôi nhớ cô Tư sẽ luôn nói với mẹ tôi “Năm nay nhà em thu tiêu cũng đỡ hơn năm rồi đó chị Hai. Em biếu nhà chị lon tiêu ăn lấy thảo”. Hoặc có khi ngoại tôi thu mè trong vườn, cũng dùng chiếc lon ấy đong một lon đầy mè rồi mang sang biếu bà con, láng giềng.
Cũng chính chiếc lon ấy chứng kiến những buổi ban trưa trời đổ nắng như lửa đốt. Bóng dáng bà cụ ăn xin lầm lũi cầm cây gậy gõ cốc cốc trước hiên nhà. Trong khi rót nước ra mời bà cụ, mẹ sẽ bảo tôi nhanh chân chạy vào thạp, xúc biếu bà mấy lon gạo nấu ăn đỡ đói qua ngày. Lần nào tôi đong gạo qua chiếc túi vải bà đeo bên hông thì bà cũng cúi đầu thật thấp thay lời cảm ơn. Khi ấy mẹ tôi sẽ đỡ tay, dắt bà ra phía lề đường để bà không bị vấp bậc thềm.
Bao năm qua, chiếc lon đong gạo nhà tôi mang trên mình rất nhiều những vết xước thời gian. Thân lon đã hơi móp méo, chung quanh còn lấm tấm bụi cám li ti. Chiếc lon đong gạo như một người bạn đồng hành, chứng kiến biết bao thăng trầm của gia đình. Từ lúc nhà phải chạy ăn từng bữa đến lúc thạp đầy vun gạo.
Tôi biết rằng, không chỉ riêng nhà tôi mà đâu đó vẫn luôn có người nhớ da diết về một miền hoài niệm. Nơi ấy có chiếc thạp gốm, có chiếc lon đong gạo đã mang mầu xám đen và chiếc đáy có khi đã lõm đi phần nhiều. Tiếng xoong nồi leng keng hòa cùng tiếng xào xạc mỗi lần mẹ xúc gạo chuẩn bị cho bữa cơm cho cả nhà từ căn bếp xưa lại ùa về.