Bên kia, mấy con ngựa lững thững gặm cỏ non sau cơn mưa tưới mát, bóng ngựa hắt xuống mặt hồ bình yên. Lạ một nỗi, bên mép hồ, sát mặt nước là ngọn cây lá um tùm của một cây vối rừng. Cảnh quan ấy chỉ xuất hiện khi thảo nguyên Đồng Lâm, thuộc xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn, đang vào mùa nước nổi.
“Vừa mưa cả tuần trước nên nước ngập, cô đến đây là vào mùa đẹp nhất trong năm”, ông Mát, người chèo bè tre, chỉ cho chúng tôi những chỗ nước ngập sâu lút cả ngọn cây sung, trâm, si, vối... Cây sung ngày thường dễ cao phải vài mét nay “thất thế”, ông Mát chèo bè qua rồi từ đó nhẹ nhàng đu phắt lên ngọn cây, thoăn thoắt hái từng chùm sung non giòn sật.
Mới được biết đến nhiều hơn từ khoảng năm 2020 trở lại đây, Đồng Lâm đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn, mùa nước cạn phù hợp cắm trại, thăm thú, cưỡi ngựa trên thảo nguyên. Mùa nước nổi, du khách có nhiều hoạt động hơn để lựa chọn, như tắm thác, đi bè tre, chèo kayak…
Hằng năm, người dân Hữu Liên đều tận hưởng cái thú nước nổi này mấy tháng mùa mưa. “Bình thường chỗ này có một con suối chảy qua. Chỉ cần trận mưa, nước trên thung, cả nước suối ngầm trong hang trên núi nên nhanh lắm. Chỗ sâu phải ngập đến 5-6 m!”, ông bảo. Khắp một vùng thảo nguyên trước đây nằm lọt giữa những ngọn núi hình chiếc bát úp ngược, giờ đang phủ mầu nước xanh ngọc bích. Bên dưới làn nước xanh ngọc bích ấy, lại là cả một thảm thực vật, những trảng cây bụi thấp mới tuần trước vốn chỉ quen với vó ngựa, nay có lẽ đang làm thức ăn, làm nơi trú ngụ trong vài ba tháng tới của bầy cá. Nước lên, cá to, cá nhỏ tự nhiên cũng từ đâu theo về. Có cả chim, cò, cốc… cũng theo đó mà tìm tới.
Ở Hữu Liên đặc biệt người ta nuôi nhiều ngựa bạch. Mùa nước về, buồn nhất có lẽ là lũ ngựa mất chỗ chạy nhảy, rong chơi. Chúng được đưa “về nhà”, về lại các trại ngựa và thay vì tự gặm cỏ non, thì giờ ăn cỏ voi cắt sẵn, trộn với ngô và đứng phẩy đuôi cùng đàn vịt gà. Một số hộ chăn thành đàn, ngày ngày dẫn ngựa ra chăn dắt ở các bãi cao ven vùng ngập nước.
Từ tháng 9 trở đi, nước rút dần, thảo nguyên lại hiện ra một cánh đồng bát ngát cỏ xanh, dân làng lùa ngựa ra chăn thả tự do. Họ dựng lên vài cái chòi làm nơi nghỉ trưa khi trông ngựa, chờ mùa nước nổi năm sau.