Ân nghĩa mãi còn

- Ông ơi. Thứ ba tuần sau giỗ ông Dạo thì vẫn làm như mọi năm phải không ông để chúng con chuẩn bị ạ? - cô con dâu hỏi ông Bản.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

- Ông chưa nói với các con. Năm nay giỗ ông Dạo, ông sẽ mời các ông là đồng đội cùng chiến đấu ở chiến trường miền nam. Tất cả còn khoảng hai mâm. Ông đã gọi điện mời và các ông ấy cũng đã nhận lời rồi con à - ông Bản nói với con dâu.

- Vậy ạ. Thế thì năm nay giỗ ông Dạo càng thêm ý nghĩa ông nhỉ?

- Đúng đấy con! Ông cũng muốn nhân dịp này để kể với các ông ấy về những kỷ niệm tuổi thơ của ông với ông Dạo con à…

*

Ngồi bên ấm trà, ông Bản bồi hồi nhớ về những kỷ niệm... Nhà ông Dạo ở đầu xóm cách nhà ông hai cái ngõ. Dạo hơn ông 5 tuổi. Bố Dạo làm xây dựng trên phố huyện nhưng không may bị bệnh hiểm nghèo, mẹ ông chạy chữa bệnh cho chồng hết cả số tiền tích lũy trong nhiều năm mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Ông về với tổ tiên vào năm Dạo 12 tuổi. Người mẹ mấy lần sẩy thai, sức lực không được khỏe nên cũng không chăm sóc con được chu đáo nên Dạo cứ lỏng khỏng lòng khòng, chỉ được cái dáng cao giống bố. Lúc chưa lâm bệnh, bố Dạo làm xây dựng nên cũng có tiền. Nhà Bản thì đông anh em, chỉ có bố mẹ là lao động chính làm nông nghiệp kéo theo một “đoàn tàu há mồm” lít nhít nên cái sự thiếu ăn thiếu mặc diễn ra quanh năm. Một năm khó khăn quá, bố mẹ Bản phải bán mảnh vườn tổ tiên để lại gần 100 m2 cạnh nhà cho bố của Dạo để lấy tiền nuôi các con ăn học. Lúc cần tiền chạy chữa cho chồng nhưng mẹ của Dạo đi vay mượn chứ không bán, cố giữ lại mảnh vườn chồng bà mua để cho con trai sau này.

Năm Dạo lên học cấp 2 thì Bản vào lớp 1. Ngoài giờ học, Bản dắt bò theo Dạo đi chăn ở bãi bồi cạnh bờ sông Hồng. Trước khi dắt bò về nhà, hai anh em xuống sông tắm và Bản được Dạo dạy bơi. Hôm đó, khi thấy mình đã bơi thạo, Bản mạnh dạn tự bơi ra cây cột của tổ cá hợp tác xã, chỗ chằng buộc vợt lưới, xem các anh lấy cá bột về nuôi làm cá giống thì gặp dòng nước mạnh xoáy đi. Bản chới với đập tay chân tung tóe nước rồi ú ớ kêu lên. Dạo nhanh chân lao theo dòng nước rồi đẩy cây sào dài cho Bản túm lấy và bơi mấy sải ra túm tóc Bản. May còn có vài người hỗ trợ cùng kéo Bản vào bờ. Bản mới chỉ uống vài ngụm nước chứ chưa bị sặc.

Nhóm chăn trâu, bò ở xóm trên có mấy đứa sàn sàn tuổi Bản nhưng hay gây sự, cậy số đông bắt nạt. Một lần, Bản bị ba đứa quây lại bắt cởi áo, rồi cởi quần, Bản không chịu liền bị chúng xúm vào định đấm đá thì Dạo ở đâu chạy đến làm bọn kia phải lùi lại. Dạo chỉ tay nói: Từ nay đứa nào bắt nạt em tao thì liệu hồn đấy! Kể từ đấy trở đi, bọn chúng không dám dọa dẫm Bản nữa. Buổi tối làm bài tập về nhà, gặp những bài toán khó, Bản lại lọ mọ sang nhà nhờ Dạo giải giúp. Dưới ánh đèn dầu tù mù, hai anh em nằm sấp trên chiếc phản gỗ và Dạo giảng lại cho Bản những phần cơ bản của lý thuyết, giúp Bản nắm chắc rồi mới hướng dẫn giải bài toán nên Bản đã vỡ ra nhiều điều. Từ khi bố Dạo mất, mẹ Dạo cứ ở vậy nên nhà chỉ có hai mẹ con. Có hôm mải học khuya, Dạo xin phép mẹ rồi rủ Bản ngủ lại và nhờ mẹ đến nói lại với bố mẹ của Bản.

*

Chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ lan ra khắp miền bắc và phong trào thanh niên xung phong ra mặt trận chiến đấu sôi nổi khắp các làng xã, thành phố. Đang học cấp ba phổ thông, Dạo rất háo hức và cứ nằng nặc đòi mẹ cho đi bộ đội dù theo chính sách chế độ thì Dạo thuộc vào diện miễn hoãn. Dạo viết đơn tình nguyện đi bộ đội rồi nhờ mẹ cùng đến Ủy ban hành chính xã trình bày nguyện vọng. Thương con và rất hiểu con nên người mẹ cũng tha thiết mong Ủy ban giúp con mình thực hiện nguyện vọng. Dạo vào bộ đội lúc vừa tròn 18 tuổi. Trước hôm tiễn Dạo ở sân đình, Bản được Dạo tặng cho mấy bộ sách giáo khoa phổ thông và dặn dò cố gắng học tập thật tốt.

Dạo đi bộ đội được 5 năm thì Bản cũng xung phong nhập ngũ vào chiến đấu ở chiến trường miền nam. Nhưng ngay năm sau, Bản nhận được thư của bố báo tin Dạo đã hy sinh. Bố của Bản cũng cho biết, sau một thời gian Ủy ban xã làm lễ truy điệu liệt sĩ cho Dạo, mẹ của Dạo đã ra Ủy ban xã làm thủ tục tự nguyện “nhượng” lại mảnh vườn bố Dạo mua ngày trước nhưng không lấy tiền và có nguyện vọng dành mảnh vườn đó cho Bản sau này làm nhà ở. Đọc thư bố đến đó, Bản rớm nước mắt. Trong thâm tâm, Bản mong sau khi trở về sẽ thay Dạo để phụng dưỡng người mẹ những ngày cuối đời. Viết thư gửi về nhà, tâm nguyện của Bản được bố mẹ đồng tình. Hết chiến tranh, Bản ra quân chuyển ngành về địa phương. Ngay hôm sau, Bản đến thăm mẹ của Dạo và xin được làm con trai thay Dạo chăm sóc mẹ. Bà mẹ từ bất ngờ đến xúc động, rồi những giọt nước mắt của mẹ thấm ướt vai áo đứa con trai mới nhận. Bản đỡ mẹ ngồi xuống ghế, thủ thỉ trò chuyện với mẹ sau nhiều năm mẹ phải đơn côi lủi thủi bóng chiều...

Được mẹ giới thiệu, Bản đã cưới được cô gái làng dịu hiền nết na làm vợ. Thấy ngôi nhà cấp bốn của mẹ sau nhiều năm đã dột nát, Bản bàn với vợ rồi xin phép mẹ xây lại, dành một gian riêng để bàn thờ tổ tiên và di ảnh chân dung của Dạo trong bộ quân phục. Vợ chồng Bản làm nhà ở trên mảnh vườn mẹ “nhượng” lại cho nhưng ngày ngày, hai vợ chồng, rồi sau này đến các con đều qua lại thăm nom, cơm nước chăm sóc mẹ chu đáo. Ngày giỗ Dạo hằng năm, vợ chồng Bản đều nấu nướng món ăn, sắm sửa lễ cúng ông Dạo tại nhà của mẹ. Cả nhà phụng dưỡng mẹ với mong ước cuộc sống bình yên của mẹ được lâu dài. Nhưng cũng chỉ sau hơn 10 năm thì mẹ đã bỏ hai vợ chồng và các cháu về với tiên tổ sau một cơn bạo bệnh.

*

Dẫn các đồng đội vào nhà uống nước, trò chuyện, ông Bản mới nói rõ hôm nay là ngày giỗ của ông Dạo rồi ông mời các đồng đội ra bàn thờ dâng nén hương thơm tưởng nhớ vong hồn người anh-người đồng đội đã hy sinh nơi chiến trường. Ông chậm rãi kể với đồng đội về mối quan hệ giữa ông với ông Dạo, kể về thuở ấu thơ được ông Dạo che chở, bảo ban học hành, kể về người mẹ có tấm lòng nhân hậu đã giúp đỡ gia đình ông trong những năm tháng khó khăn, thiếu thốn...