Chạm phải Sa Pa

Tháng 7, chúng tôi trở lại thị xã Sa Pa - nơi gặp gỡ đất trời, nơi tinh hoa đất trời hội tụ. Nơi có thể đứng trên đỉnh núi cao nhất - đỉnh Fansipan và nhìn trọn một góc đất nước Việt Nam phồn thịnh và tươi đẹp.
0:00 / 0:00
0:00
Chạm phải Sa Pa

Buổi sáng, thị xã trong sương đón chúng tôi bằng những cơn mưa đặc trưng của nơi này. Tôi gọi chiếc xe điện đang đậu ven đường. Cậu lái xe điện tên Cường, dáng người nhỏ nhưng lanh lẹ và suốt chuyến dạo thăm thị xã nhỏ trong lòng tay này, cậu luôn cười. Chiếc xe điện chầm chậm trôi trong sương, Cường luôn miệng giới thiệu vắn tắt về những danh lam, thắng cảnh. Cậu giới thiệu ngắn gọn và nhớ vanh vách các con phố, các công trình kiến trúc di sản và cả những công trình thuộc về người dân nay đã được nhượng quyền sử dụng cho một doanh nghiệp lớn để phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch mới. Cậu bảo, em sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh rồi về quê, học thêm bằng lái xe và bắt đầu làm lái xe kiêm hướng dẫn viên du lịch. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng được giới thiệu cho du khách bốn phương về quê hương mình “em tự hào quá chị à. Mai này em sẽ mở công ty du lịch nhỏ, chắc chắn thế”.

Buổi tối, trời bắt đầu lạnh. Nơi này, có cả bốn mùa. Sáng mới nắng rực lên, trưa trời lại trở lạnh kèm vài cơn mưa và chiều tối sương xuống dày hạt, phủ kín cả những cung đường. Đi qua nhà thờ đá, khu nhà cổ, phố đèn lồng, những con dốc và gặp rất nhiều đồng bào dân tộc nơi đây trên đường đi mưu sinh hoặc trở về nhà sau một ngày bán buôn trên chợ. Món ăn đường phố hấp dẫn là bánh hạt dẻ nướng thủ công, hạt dẻ hấp, rang, bắp, khoai và trứng nướng. Trong cái lạnh thấp xuống 17-18 độ C, ngồi quán cóc trên đầu con dốc, thưởng thức những món ăn này, quá thi vị cho những lãng khách.

Chút lặng yên nghe sương rơi trên tóc. Mùa này, nơi tận cùng của sông là mây trời trắng muốt, nơi tận cùng của sương là những hạt nắng hiếm hoi xuyên qua màu hoa mỏng. Cái lạnh trên đỉnh Fansipan không ngăn nổi hàng nghìn bước chân đi ngược mưa để lên tới đỉnh núi có độ cao 3.143 m được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”.

Tôi lang thang ở Bản Mây, kịp nghe gió thoảng qua nhiều giai điệu đẹp của đồng bào H’Mông, Tày, Giáy, Xa Phó và Dao đỏ ở Sa Pa. Tôi ngắm mãi những ngôi nhà cổ của đồng bào được đưa về nguyên vẹn từ các bản làng với những người dân bản làng đang ngồi thêu, đan, dệt. Thổ cẩm của đồng bào là những mảng màu sắc được kết tinh từ sự nhọc nhằn, kiên nhẫn và điêu luyện từ những đôi bàn tay và khối óc. Nụ cười luôn ở trên môi họ - du khách, dù không biết nói tiếng dân tộc, vẫn có thể chào và thăm hỏi thân tình.

Không gian này là hội tụ của mây trời, sắc hoa và tiếng nói cười quá đỗi thân thương. Tôi gặp lại người anh, người đồng nghiệp rất quý và cũng kịp thời gian lưu lại cái bắt tay nơi đầu nguồn sông Hồng. Trong bước đi chậm lại của mình, tôi nhận ra nơi này mỗi lần đến là mỗi lần đất trời chiết tỏa một mùi hương. Dẫu bốn mùa đầy những sắc hoa, đầy những mùi hương diệu vợi, bạn, có thể thấm được vị hương của đất trời ngay trong phút tĩnh lặng đầu tiên. Đứng lại và hít thật sâu, đó là phút giây tôi có thể chạm được tầng cao nhất - nơi gặp gỡ đất trời.

Chạm phải Sa Pa, như cách của một mùi hương quyến rũ nhất trên cuộc đời này đã vướng vào áo tôi trong ngày trở lại. Mùi sương trong.