Màu hoa ký ức

Về gần đến làng, Hoa bảo chồng cho ô-tô chạy chậm lại. Cô khẽ hạ cửa kính, hướng mắt nhìn ra cánh đồng. Những ngọn gió ướp hương thảo mộc thơm dìu dịu khẽ thoa lên mặt, Hoa tỉnh hẳn cơn buồn ngủ.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: HOÀNG NGUYÊN THẠCH
Minh họa: HOÀNG NGUYÊN THẠCH

“Đồng làng còn rộng mênh mông, thích thật! Giá mình ở gần đây, em tha hồ thử nghiệm những đề án của mình, người của gieo trồng nhỉ?!”. Chồng Hoa tươi cười khẽ liếc nhìn vợ. Anh vẫn thường gọi đùa cô là người của ruộng vườn, người của gieo trồng như thế. Hai mươi năm trong ngành trồng trọt, dấu chân của Hoa đã để lại trên hầu hết những cánh đồng lớn trong tỉnh này.

Chợt Hoa khẽ nhổm người dậy, thốt lên: “Ôi kìa, hoa sài đất đã nở vàng rồi!...”. Trước mắt cô hiện ra một khoảng không gian rạng rỡ hoa vàng giăng giăng trên khắp những lối đi qua những thửa ruộng, chỗ thì lúa đang lên xanh mướt, chỗ thì bỏ hoang cho cỏ dại tràn lan. Cánh đồng vắng huơ vắng hoắt. Làng bây giờ không còn nhà nào nuôi trâu nữa nên những bờ mương để mặc cho hoa cỏ sinh sôi. “Hoa này người ta gieo à mẹ?”, “À, không! Hoa dại.... chỉ là hoa dại thôi, con ạ!”. Thủ thỉ trả lời con gái, mắt Hoa vẫn như thôi miên về phía những bờ hoa vàng chạy tít tắp đến tận cuối tầm nhìn.

*

Trong số bạn cùng lứa, có Hải là gần nhà Hoa nhất. Tuổi thơ không phên dậu, không con gái con trai nên đôi bạn đi đâu cũng gọi nhau. Một buổi đi học còn một buổi khi thì vơ rong vớt bèo, mò cua bắt cá, lúc thì thả lờ cất vó, mót lúa mót khoai.

Mùa hè năm tốt nghiệp lớp 9, Hoa đã ra dáng thiếu nữ lắm rồi. Hải cũng đã thành chàng thanh niên da ngăm đen trông thật rắn rỏi. Một chiều, Hoa mang vó tôm ra thả dọc con mương như mọi bận. Nước phù sa về, làm trôi một chiếc vó ra giữa dòng. Cần vó ngắn nên với không tới, Hoa phải lội xuống mương để vớt vó lên. Dù đã xắn quần lên đùi nhưng Hoa vẫn cứ sợ ướt, nên cô loay hoay dưới nước mất một lúc. Khi với được chiếc vó cũng là lúc Hoa thấy có gì buồn buồn, ngứa ngứa ở bắp chân. Nhìn xuống thì trời ơi, một con đỉa hẹ bằng đầu đũa, dài chừng nửa gang tay đang bám lủng lẳng vào bắp chân. Hoảng quá, Hoa nhảy phắt lên bờ la hét thất thanh.

Hải đang thả trâu dọc bờ mương đằng xa, nghe thấy tiếng Hoa liền chạy đến. “Tưởng gì! Lớn thế còn sợ con đỉa bé tí này!”. Hải thò tay bắt con đỉa ra. Bất chợt, Hải ngồi lặng người, nhìn chăm chăm vào ngực áo của Hoa, thoáng chốc rồi lúng túng, vội vã quay đi. Hoa nhìn Hải như hờn trách, giọng mếu máo: “Tại Hải đấy!... Tớ bắt đền Hải đấy!”, “Nhưng mà... có phải tại tớ đâu! Mà tớ có... nhìn gì đâu!”, “Thôi Hải đi chỗ khác đi! Đúng là đồ... vô duyên!”. Nói thế nhưng Hoa chạy một mạch đến tít xa, ngồi thu lu lặng im bên bờ mương, để mặc Hải ngây người, như cây đứng giữa cánh đồng...

Từ sau hôm đó, Hoa thường tránh mặt Hải, dù hai người vẫn học cấp 3 chung lớp. Càng ngày, Hải càng bộc lộ khả năng với môn Toán. Anh thường xếp đầu lớp, luôn được thầy khen và được các bạn ngưỡng mộ, trong đó có Hoa. Dẫu vậy, suốt gần ba năm học, cả Hải và Hoa hầu như không nói chuyện với nhau. Những lần ngoại khóa hay học nhóm mà có Hải, cô đều tìm lý do vắng mặt hoặc xin đổi sang nhóm khác. Hằng ngày, lúc đi đến trường hoặc tan học về, hễ thấy Hải đi đằng trước là Hoa đạp xe chậm lại, còn nếu anh đi sau là cô lại đi nhanh hơn. Có lần, Hải từ đằng sau, bỗng phóng xe vèo lên chặn trước mặt Hoa, phanh cái kít, cười nhăn nhở: “Có tránh mãi được không?!”. Cô chỉ kịp liếc xéo anh một cái, buông một câu tỏ vẻ đầy bực tức: “Vô duyên!...”, rồi vùng vằng cho xe tránh ra hướng khác.

Càng gần đến ngày thi tốt nghiệp, Hoa càng bồn chồn, lo âu xen lẫn luyến tiếc điều gì đó. Một lần trong giờ ra chơi, Hải đang mải miết với đề Toán thầy vừa giao, thì bất chợt có viên giấy rơi bộp trên mặt bàn. Anh ngẩng lên thì bắt gặp ánh mắt Hoa đang nhìn xuống như thúc giục anh mở ra xem. “Đằng ấy thi gì đấy?”, “Hải thích đại dương nên thi trường Hàng hải. Thế còn đằng ấy?”, “Chưa biết!...”, “Hỏi người ta rồi mà không thèm nói ý mình. Vô duyên!...”. Hoa chợt mỉm cười ra vẻ đắc ý vì đã biết được dự định của Hải và còn trêu tức được anh. Cô khẽ xoay người nhìn ra ngoài cửa sổ, chợt thấy lòng vui vui...

Buổi liên hoan chia tay dù chỉ bánh kẹo và nước ngọt được kéo dài đến cuối chiều. Một hai ngày tới, lớp sẽ có một số bạn lên đường nhập học sớm, trong đó có Hải. Đoạn đường về từ ngã tư trung tâm xã đến làng phải qua một quãng đồng. Các bạn đã tỏa về những hướng khác nên lúc đó chỉ còn Hoa và Hải. Cô đạp xe thật chậm, cố ý để Hải đi trước. Nhưng đến giữa quãng đồng, chợt Hải dừng lại, đứng chờ. Hoa thoáng lúng túng, rồi dắt xe rẽ vội xuống bờ mương, định theo lối tắt về làng. Thấy vậy, Hải bốc vội đầu xe quay ngoắt lại, với theo: “Dừng lại đi Hoa! Mình muốn nói chuyện!...”.

Tiếng Hải gọi càng khiến Hoa thêm luống cuống. Những dây sài đất quấn vào xích líp khiến cô đành phải để xe lại gần đường lớn, rồi vội vã bước dọc bờ mương vào sâu trong cánh đồng. Được chừng ba trăm mét thì Hải đuổi kịp. Hai người ngồi im lặng hồi lâu trên thảm sài đất đan dày, xanh mướt. Không biết bao nhiêu bông hoa vàng được tỉa ra từng cánh nhỏ, rơi lặng lẽ nhuộm vàng lòng mương gần chỗ họ ngồi. Bất chợt, Hải đặt tay lên vai Hoa, hướng gần về cô, ngập ngừng: “Hoa!... Mình rất mến Hoa!”, rồi không đợi phản ứng, anh ghì cô vào lòng, đặt lên đôi môi người bạn gái nụ hôn vụng về, say đắm. Hương sài đất thơm nồng dìu dịu và mát ngọt tỏa ra vây bọc lấy hai người. Hoa bỗng thấy trời đất chao đảo. Cô như người không trọng lượng, nằm trôi bồng bềnh trên thảm hoa vàng đang trải ra tít tắp đến tận chân trời...

Chợt nhớ ra điều gì, Hoa vội vùng ngồi dậy, xốc lại cổ áo và lấy tay phủi những cánh hoa vàng còn bết dính, giọng run rẩy: “Không được đâu... Hải ơi! Mình hiểu nhưng... giờ muộn rồi, Hoa phải về thôi!...”. Nói đoạn, cô bước đi như chạy trên bờ mương.

Năm ngày sau, Hoa cũng khăn gói theo giấy báo trúng tuyển lên Trường đại học Nông nghiệp. Tết năm đó, Hoa về nghỉ nhưng không gặp được Hải. Do thành tích học tập tốt, Hải được nhà trường cử đi du học ở Đại học Hàng hải Tô-ky-ô vào hè tới, để sau này về làm giảng viên chính của trường. Bởi vậy, tranh thủ những ngày nghỉ Tết, anh phải ở lại

Hải Phòng để học thêm tiếng Nhật.

Tốt nghiệp đại học, Hoa về trung tâm giống cây trồng của tỉnh. Hai năm sau thì biết tin Hải đã lấy vợ, lập nghiệp ngoài Hải Phòng, rồi đưa cả bố mẹ và các em ra sống ngoài đó. Hoa buồn nhưng không đến nỗi suy sụp bởi cô đã dự cảm điều đó từ trước. Rồi Hoa lấy chồng. Chồng cô là chuyên viên sở giáo dục. Anh không thích cây cỏ lắm nhưng luôn tôn trọng công việc và niềm đam mê của Hoa.

*

Sau nhiều đêm suy tính, Hoa thủ thỉ với chồng:

- Anh ạ! Về quê mới thấy đất đồng làng còn rộng mà lại bỏ hoang, em thấy phí lắm! Lớp trẻ giờ ham đi làm công ty, người già thì chỉ quanh quẩn cây lúa cây ngô, hiệu quả không cao. Rau quả hàng ngày ăn thì cứ lo lo vì trà trộn rau không rõ nguồn gốc, còn tồn dư nhiều thuốc trừ sâu, thuốc kích thích. Vậy nên, em muốn đưa mô hình trồng rau sạch theo hướng nông nghiệp xanh về làng.

- Nghĩa là em phải thường xuyên ở dưới đó! Riêng chuyện này, có lẽ anh không đồng ý được, em ạ!

Hoa trìu mến nhìn chồng, tươi cười:

- Không! Em vẫn gần anh và các con! Từ đây về làng chỉ hơn ba mươi cây số. Hằng ngày, buổi sáng em sẽ phóng xe máy hoặc nhảy xe bus về. Chiều tối lại lên.

- Thế thì em vất vả quá! Hay là thế này, mỗi ngày anh sẽ bỏ ra hai giờ để đưa đón em. Có vậy thì anh mới yên tâm. Mà các con giờ cũng tự đi học được rồi!...

Ngay hôm sau, Hoa bắt tay vào lập dự án. Cô lên cơ quan xin nghỉ phép rồi về trình kế hoạch với chính quyền địa phương, xin giấy phép. Hoa rủ thêm Ngần, người bạn học cũ giờ đang bám làng, cùng đến vận động, trao đổi để bà con tham gia. Hoa kết nối nhà đầu tư vốn, các cơ sở cung cấp nhà lưới, hạt giống, phân bón vi sinh và đội ngũ chuyên môn... Rồi Hoa cất công đến từng siêu thị, bếp ăn các công ty, các trường học trong tỉnh để tham khảo và ký hợp đồng đơn hàng, để từ đó sẽ gieo trồng từng loại sản phẩm theo yêu cầu. Ban đầu nhiều người còn hoài nghi nhưng sau thấy Hoa bươn bả, xông xáo ngược xuôi theo bám công việc từng giờ từng phút và khi thấy dự án dần thành hiện thực thì ai cũng mừng.

Sau hai tháng dự án trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của Hoa được triển khai, bộ mặt làng quê nơi đây đã đổi thay đáng kể. Mầu xanh của su hào, cải bắp, dưa chuột, bí xanh, cà chua... bắt đầu phủ kín những thửa ruộng vốn hoang hóa trước kia. Lứa rau đầu tiên được Hoa tính toán lợi nhuận trên từng mét vuông. Dự kiến, sau một năm, cánh đồng rau sạch sẽ trả hết vốn vay đầu tư cơ sở vật chất ban đầu. Khi mọi việc đã vào guồng, Hoa mới yên tâm bàn giao các đầu mối cung ứng và tiêu thụ cho bà con nông dân.

- Chuyển giao tất cả cho mọi người, rồi Hoa sẽ vẫn thường xuyên về làng đấy chứ?

Câu hỏi của Ngần khiến Hoa bật cười. Cô ôm lấy vai bạn, hứng khởi:

- Đây là làng của mình, là tình yêu của mình mà! Mình sẽ về luôn luôn ấy chứ!

Chợt Hoa nhìn xa xăm, chậm rãi:

- Và mình tin những đứa con của làng, dù lập nghiệp nơi đâu cũng sẽ vẫn nhớ về chốn quê, vẫn giữ trọn tình yêu với nơi chôn nhau cắt rốn của mình...