Đất hát

Trời bàng bạc mầu ghi xám, ầng ậc nước. Tiếng mưa dội vào mái tôn nghe lộp bộp. Bà ngồi vắt vẻo trên võng, đung đưa từng nhịp. Hai vợ chồng già về xóm nhỏ ngoằn ngoèo này sau hồi giải phóng. Ông người gốc Phú Cường. Bà theo gia đình từ miền Tây ngược lên Vàm Cỏ rồi về Lò Gò. Gặp nhau. Lửa gần rơm rồi bén. Mùa bông ngoắt nghẻo năm đó, giữa rừng khộp một chiều biên giới, ông hái chùm hoa vàng rồi ngỏ ý.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Bà có với ông một trai một gái, dù ngày đó đất Thủ sau giải phóng còn nhiều khó khăn. Bà làm y tế huyện, rồi học chính quy xong lại về bệnh viện tỉnh. Ông quay về xóm nghèo là đất bên nội dựng lại căn nhà làm chỗ tá túc rồi nối nghiệp gia đình. Có những thứ đã là máu thịt của chính mình, như từ trong mỗi tế bào, mỗi hơi thở ông đều có đất. Thứ đất dẻo kẹo đủ độ cao lanh để tạo ra những hình thù ngộ nghĩnh. Người làng này sinh ra từ đất, chết đi rồi ai cũng về với đất mà thôi. Ông nói vậy rồi hằng ngày làm khuôn, đi thu mua đất. Những ngày sau giải phóng, cái ăn còn thiếu khó chứ nói chi đến chuyện làm nghề. Những mẻ hàng đầu tiên vỡ thành từng miếng, ông lại đắp phía sau con rạch. Đắp lên như bồi thêm cái mớ ký ức cũ càng cùng nghề.

Nhưng có một đêm, ông đập bể tất cả những khuôn đất vừa nung, cặp mắt đỏ hoe nhìn trời đêm thâm u. Khói bay vòng tròn tạo những đốm trắng trên nền đen kịt. Bà nhìn ông rồi thở dài thườn thượt, thắp cây nhang lên bàn thờ. Nhang cháy thành đốm đỏ rực. Nhang tàn không rụng. Nhang uốn cong thành vòng tròn. Vòng tròn bay lấp lửng trong giấc mơ của ông đêm đó. Trong chập choạng cơn tỉnh mê. Ông thấy cha mình lưng trần trùng trục ngồi giữa cái nắng gắt nung đất. Ông thấy má mình cặm cụi từng nét vẽ khai quang. Ông thấy lửa chín cơn và nắng bảy bữa nhún nhảy theo đôi tay của cha. Từ đất những con heo biết cười. Tiếng cười thong dong quyện gió phả lên thinh không nghe chừng réo rắt và lảnh lót.

Ông choàng mình thức dậy, bắt đầu lại những mẻ đất sét mới. Những con heo tượng hình vẹn nguyên lần lượt ra đời. Ông pha mầu và phết cọ. Từ lừng khừng cho tới lả lướt. Cả tháng trời bầy heo bắt đầu lúng liếng. Chục con rồi trăm con. Ông chất bầy heo, xuôi con rạch nhỏ theo luồng lạch ra dòng cái, rồi men theo nhánh sông Sài Gòn chạy về phía kinh Tàu Hủ chào hàng thương lái Bình Đông. Có bận ông chất bầy heo kỹ càng vào thúng rồi ràng dây chắc chắn, gò lưng trên chiếc xe đạp chạy lên chợ Thủ Dầu Một. Hôm nào giao hàng về sớm, bầy heo còn chút ít, ông chạy ra chợ Búng bày bán. Cứ vậy bầy heo thủ công lan đi khắp nẻo. Mảnh đất nhỏ lại cơi thành xưởng. Ông gọi về những người thợ cũ. Những người xưa bươn chải theo cái nghèo cái đói nay quần tụ nơi xóm nhỏ dựng lại nghề. Nhà này làm khuôn, nhà kia nặn đất. Gia đình chú Năm phơi, thì gia đình chú Tám nung. Ai có hoa tay thì vẽ. Người nào việc đó. Xóm làm heo lại rộn ràng như cái thời xưa xa cũ càng. Những mẻ hàng nối đuôi nhau đi miền Tây, ra miền trung. Xóm làm heo chết cái hỗn danh từ đó.

*

Ngày ông đi về miền mây trắng. Bấc thổi qua tuổi mùa đã ngoài 70. Bầy heo vẫn xuất bến. Đất nở ra bầy heo nhưng đất cũng bắt đầu nảy lên những tòa cao ốc. Dân tình sốt rầm rầm. Làm heo đất ngày công chỉ trăm nghìn đồng nhưng đất đẻ ra vàng. Vàng lấp lánh. Bán miếng đất có mấy chục cây vàng. Cứ bám cái nghề heo đất chẳng thể giàu nhanh như bán đất. Có bán thì có cò. Mà cò đất tốn nước miếng là cầm chục triệu đồng. So cả năm ròng nung nặn hay tỉ mỉ vẽ vời thì nhiều hơn gấp bội. Đất sét hay đất vàng!? Đất điên hay người điên!?

Thời này người ta bỏ tiền vào ngân hàng ai thèm bỏ heo nữa ông ơi. Đó là câu nói khiến ông đốt thuốc ngày càng nhiều. Lái bắt đầu trả rẻ xuống. Con heo đất kỳ công ông tạo thành giờ chỉ còn bốn hay năm nghìn đồng gì đó. Mối lấy cũng ít đi. Thuốc với đêm cứ trắng dã tròng mắt ông. Ngay cả hai đứa con cũng chẳng đứa nào thèm bám nghề. Đứa nào rồi cũng thích công việc văn phòng máy lạnh. Bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Bán đời bấp bênh thì sao mà sống. Hai đứa con nói thế rồi đẩy xe ra khỏi căn nhà lao vào vòng xoay tám tiếng hành chính của công việc mình lựa chọn. Bầy heo đất chổng chơ nằm ở hiên nhà.

Mưa vẫn còn lộp độp mái tôn nơi cổng rào nhà thì bỗng nghe rộn ràng tiếng mấy ông già cười ì đùng. Mấy ông già lội mưa ướt sũng. Mưa dán cái áo mầu xanh cũ càng vào tấm thân cằn cỗi run lập cập. Bà mở cổng lùa mấy ông bạc trắng mái đầu phong sương tìm bạn. Bà thở phào nhẹ nhõm, ai cũng còn khỏe. Thắp nén nhang lên bàn thờ cho chồng. Bà thủ thỉ đám đàn em về giỗ rồi nè ông.

Ngồi mâm giỗ lẫn trong mấy ông già là thằng con trai của bà. Ngót chừng 40 tuổi vừa bị giảm biên chế trong cơn lốc suy thoái kinh tế sau dịch. Chạy cả tháng trời loay hoay cũng chẳng kiếm được nơi nhận. Giờ mà xin vào làm mấy khu công nghiệp với cái đám trẻ măng thì ngượng. Mà ngồi vào những chỗ cao thì trình độ đâu ra. Đám trẻ giờ du học nước ngoài về đầy. Tư duy mới, cộng với vốn ngoại ngữ như gió thì mấy đứa kiến thức cũ kỹ thập niên 90 cũng ra rìa mà thôi. Thằng con ngó qua ngó lại thì đăng ký chạy xe ôm công nghệ đắp đổi qua ngày. Chạy cực thấu trời, nhưng được cái làm chủ thời gian chính mình.

Mấy ông già chưng hửng nhìn nó. Phí cả của trời con ơi! Cha mày ngày đó cứ xa xăm khi nhìn đất tróc vảy thành lô thành lốc. Trong cơn say tiền người ta hay quên đi những tình xưa nghĩa cũ. Bầy heo đất nuôi tụi bây lớn khôn. Bầy heo đất cho tụi bây ấm no. Giờ năm nào quay lại nhìn cái lò nung rêu phong phủ kín thì mới hiểu cái nhìn xa xăm ngày trước của cha bây. Người trẻ như tụi bây chừng sống già đời mình, khi đã qua gieo neo dâu bể thì mới thấu đặng cái tình đất nó khảm vào tâm người như thế nào. Người có thể bạc với người nhưng đất thì đâu có bao giờ bạc với mình. Ông già đàn em nhấp ly rượu, thở ra cái khà, rồi nói mà như khóc.

Bà giờ đã 80, lẩn thẩn nhớ quên, kể chuyện xóm heo đất chỉ còn sót lại mấy nóc nhà ráng bám nghề. Nhưng, chỉ là nhận heo đã nung về vẽ chứ kỳ thực cũng chẳng còn ai đủ công sức để đặt tâm mình vào từng mẻ hàng như hồi xưa. Trước cha bây mất có để lại hai con heo đất. Hai con heo to còn y thinh đất nung chưa một lần được vẽ gì hết. Con đực hay con nái thì chỉ cần nhìn vào điểm chỉ đã khai quang ngay trán heo là biết. Điểm chỉ tròn nhỏ như đầu kim là heo đực. Điểm chỉ to bự nằm giữa ấn đường là heo nái. Đó là cách người làm nghề truyền lại heo giống cho những đứa con muốn nối nghiệp. Hai con heo đất đó nằm ngay hộc tủ dưới bàn thờ.

Hai đứa con ngồi lặng lẽ ngó nhau. Trời vẫn mưa lộp bộp.

*

Thiên hạ nháo nhác chạy đến đầu xóm heo đất. Dân xóm ngơ ngác hỏi sự tình ra sao. Mấy gương mặt lạ hoắc bảo trên các mạng xã hội đang rộn ràng câu chuyện ông chú trung niên có cái biệt danh “Chú heo đất” hằng ngày quay clip nhào đất, nặn, rồi nung và tỉ mỉ ngồi vẽ lên những con heo đất. Cứ vậy nhẩn nha từ công đoạn đầu cho đến công đoạn cuối. Bầy heo đất to nhỏ đực nái bày khắp mảnh vườn xinh xắn. Heo thủ công làm tay giá rẻ mà vẽ đẹp quá trời. Thiên hạ đi tìm “Chú heo đất” để tự làm ra con heo đất mình muốn. Các clip ngắn mà lan truyền quá trời.

“Chú heo đất” chạy tới chạy lui chỉ hết người này tới người kia. Heo thiên hạ làm khắc luôn tên mình. Có đôi yêu nhau làm hai con heo giống nhau. Cũng có mấy ông ngoại quốc nghe theo trên mạng mò tới tìm. Một ngày theo các công đoạn làm heo đất mệt rã rời thì mấy ông ngoại quốc giơ ngón tay lên chào thua. Mấy ổng xí xô xí xào gì đó. Người ta dịch ra cho thằng con trai bà biết là mấy ổng nói nó nghệ nhân. Bà phủi tay lia lịa nghệ nhân gì, là công việc bình thường mà.

Chưa hạ nhiệt vụ thiên hạ tìm “Chú heo đất”, thì một bữa đẹp trời con gái bà chạy ùa về nói trên tỉnh họ khôi phục làng nghề để làm du lịch bảo tồn nét văn hóa xưa cũ của tỉnh. Người ta chọn cái lò nung của cha để lại. Bà chưng hửng nhưng cũng gật đầu. Chắc là trời thấu lòng ông. Hay cũng có thể là khi đã say sưa no nê với cái thượng thời thì thiên hạ đâm ra thèm thuồng những thứ quê kiểng.

Chiều vàng nhuộm mùa lên đám bông ngoắt nghẻo đương thì. Đám bông ông đem về trồng nơi rào nhà, như đánh dấu tình yêu cùng bà. Từ mảnh vườn có cái lò nung nhìn ra, trong lem nhem của giao thời, bà thấy như bóng ông hì hục nung lửa. Bà như nghe lại câu ca cũ mà ngày trước mỗi lần phụ canh lò, ông hay hát. Nhưng, có một điều mà bà không thể biết. Hai đứa con bà trong đêm trăng tròn đó đã quay trở lại phía dưới tủ thờ mà lôi ra hai con heo đất. Hai con heo trong những ngày cuối cùng trước khi đóng lò ông đã làm. Giữa trăng vằng vặc. Hai đứa con thấy dưới bụng heo có khắc câu ca xưa cũ:

“Nắng bảy bữa

Lửa chín cơn

Cao lanh năm

Rằm khai quang

Nghề xưa đất Thủ buộc ràng

Người thương xin chớ phũ phàng bỏ đi”.

Đó cũng là cái bí quyết cả đời ông chắt chiu được. Đất nở ra câu hát trong bát ngát thinh không.