Khách ở quê lên

Ngà là cô em họ xa, cùng quê với tôi. Tôi từng gặp em vài lần, trong mấy dịp họa hoằn về thăm quê. Nghe em kể, cuối tuần sẽ lên Sài Gòn tham dự một sự kiện be bé trong giới văn nghệ, nên tôi ngỏ ý mời em về nhà mình ở tạm.
0:00 / 0:00
0:00

Ngà sẽ đi xe lên từ thị trấn Gành Hào và xuống ở Quận 6. Là một cửa biển nhỏ của Bạc Liêu, địa danh này được nhớ đến với bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Sao Biển “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”. Tôi bồi hồi nhớ ra, nhà xe cũng là chỗ quen, xưa tôi từng lưu số điện thoại để mỗi khi ba mình di chuyển giữa thành phố về quê, tôi có thể yên lòng. Lại tự hỏi, chừng đó năm, ba tôi bao nhiêu lần về quê? Thật tôi không nhớ hết. Trước, tôi vẫn tiện đường chở ba mình ra bến. Sau, thi thoảng mới đưa đón. Còn lại là ba tôi chủ động đi xe trung chuyển hoặc xe ôm, cho đỡ phiền con cái. Lý lẽ ấy, nghe thấy bình thường, nhưng lúc ba đột ngột rời đi, tôi đã rất nhiều lần day dứt, “giá mà”… Bởi hồi đó, mỗi lần ba tôi từ quê lên thường mang theo khá nhiều hành lý. Chủ yếu là thùng xốp chứa các loại cá tôm, hải sản, cả rau dưa này nọ, nên so với một ông già chân yếu thì vẫn coi như là lỉnh kỉnh.

Buổi sáng, tôi dọn dẹp nhà cửa, kiểu như chuẩn bị đón khách. Tôi châm thêm trái cây vào tủ lạnh, sắp xếp túi đồ ăn vặt. Cắm một bình hoa nhỏ xinh trên kệ bếp. Tôi làm tất cả những điều ấy một cách chậm rãi, giống đang tận hưởng thứ cảm xúc mong chờ quen thuộc, hoặc cố xoa dịu bản thân bằng nỗi niềm lừa dối “à thì mình đang vô thức chuộc lỗi đây mà”…

Từ đầu buổi chiều, tôi đã thấy mình thấp thỏm trông. Cảm giác lòng mình đan xen giữa mong ngóng, xót xa, nuối tiếc. Xưa, ngày còn ba, tôi vẫn đang đi làm giờ hành chính, hay dặn ba tự đón xe về nhà. Biết rằng ba cập rập, nhưng đành vin vào hai chữ “bận rộn” để tự bào chữa cho mình. Để cuối chiều tôi về tới nhà, đã thấy ba dọn dẹp xong những rau mọc bên đầu hồi nhà cũ, chuối vườn nhà, cá rô phi ao nhà, tôm khô ba khía chợ quê nhà… gọn gàng cả. Đồ cá nhân của ba được cất gọn vào một góc, theo kiểu “để đỡ chỗ đó, ba có ở đây luôn đâu”…

Ngà mang lên hộp “bánh khéo”, thứ đặc sản địa phương mà đã lâu tôi không có dịp nếm lại. Tần ngần cầm lên một chiếc bánh nhỏ xinh ấy, tôi như bắt gặp lại chính mình của ấu thơ xa lắc, của cái thuở chưa hiểu đâu là may mắn đời người, chưa biết trân quý tình thân, chưa rõ giá trị của cuộc sống chính là nằm ở những điều giản dị này.

Tôi ngồi cùng Ngà trong buổi tối muộn ở ban công nhà mình, trong câu chuyện nhắc tới người này người kia, cảm nhận rõ rành về “thời gian như bóng câu qua cửa”… Những tình thân rồi cũng phải tạm biệt nhau, đi về một cõi khác. Trong nhân gian này, ta sẽ có thêm nhiều mối quan hệ mới, những bận tâm lớn nhỏ khác. Chỉ là, ta của hôm nay đã nếm trải được mất, đã biết đâu là chốn bình yên quan trọng với mình, ai là người ta chọn ở bên cạnh, dành thời gian hữu hạn và quý báu của kiếp người để tiếp đãi. Còn lại, những phù hoa ngoài kia cũng như là thứ trang sức, vui đấy, đẹp đấy, lấp lánh đấy, nhưng không đủ ấm để vá víu lại trái tim đã bị tổn thương vì các cuộc chia lìa. Trưởng thành rồi, mới biết, chỉ có sự yêu thương gần gũi và bình dị mới là vững bền nhất.