Đứa con để lại

Phải đến 15 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, đơn vị chúng tôi mới vào tới trung tâm Sài Gòn. Lúc này tiểu đội tôi chỉ còn bảy tay súng. Trên đường tiến vào Sài Gòn, tiểu đội đã hy sinh bốn đồng chí và một bị thương nặng phải đưa về tuyến sau điều trị.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: LÊ ANH VÂN
Minh họa: LÊ ANH VÂN

Trong bốn người hy sinh có Nhân là bạn thân của tôi, người dân tộc Tày ở Hàm Yên, Tuyên Quang, cùng nhập ngũ với tôi một ngày và cùng được biên chế về Tiểu đội 6, Đại đội 9, Tiểu đoàn 3B, Trung đoàn 246, Quân khu Việt Bắc. Hồi đó đơn vị chúng tôi đóng quân tại xóm Bầu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Trong trận đánh địch phản kích ở Xuân Lộc (Đồng Nai) đầu năm 1975, sau khi dùng B40 bắn cháy chiếc xe tăng M41 của địch, Nhân bị thương rất nặng. Một mảnh đạn pháo đã làm đứt động mạch chủ ở cổ bên trái, máu chảy ướt đẫm ngực áo. Tôi đã nhanh chóng băng ba cuộn băng, y tá đại đội đã tiêm một mũi cầm máu nhưng máu vẫn xối ra. Biết mình khó qua, Nhân vít đầu tôi xuống, rồi ghé vào tai tôi thều thào: “Nhớ về tìm mẹ con Thoa…”. Tôi nói với Nhân trong nước mắt nghẹn ngào: “Không sao đâu”. Lát sau, Nhân ngừng thở trên tay tôi.

Sau giải phóng, mỗi người lính có bao nhiêu việc phải làm. Mãi đến tháng 5 năm 1976, tôi mới trở lại xóm Bầu tìm Thoa.

Câu chuyện là thế này: Tháng 3 năm 1972, chúng tôi đóng quân ở xóm Bầu huấn luyện để sau đó tăng cường cho chiến trường miền nam. Cách xóm chừng 600 mét là nơi ở của Hạt giao thông huyện Đại Từ. Hạt khi đó có hơn chục người phần lớn là nữ, trong đó có cô Thoa, một cô gái chừng 19, 20 tuổi. Có thể nói Thoa khá xinh, cán bộ, chiến sĩ đơn vị gọi vui là “hoa hậu” của núi rừng. Hằng tháng, chi đoàn thanh niên của đại đội chúng tôi thường tổ chức giao lưu văn nghệ với chi đoàn thanh niên địa phương, trong đó có các cô ở Hạt giao thông.

Là một chiến sĩ có dáng vóc như một vận động viên thể thao, nước da trắng, mái tóc xoăn, đặc biệt là có giọng hát rất hay nên Nhân đã lọt vào mắt xanh của bao cô gái nơi thôn dã, trong đó có Thoa. Theo thời gian, Thoa và Nhân thật sự có tình cảm với nhau. Chẳng thế mà mỗi lần mấy anh em trong tiểu đội được đơn vị cử lên Đại Từ lấy gạo, để anh em đỡ phải đeo nặng, Nhân đã ra Hạt giao thông nhờ Thoa mượn xe cải tiến, phương tiện không thể thiếu hằng ngày đối với Hạt, để đem đi chở gạo. Tiểu đội tôi luôn được Thoa gửi quà đến, nào là chè, thuốc lá, phong bì thư, rồi đến bưởi, cam, hồng… Thoa trở thành “người nhà” của tiểu đội.

Chỉ vài ngày nữa là chúng tôi sẽ rời xóm Bầu vào chiến trường. Để bảo đảm tuyệt đối bí mật, đơn vị thực hiện cấm trại. Ấy vậy, không hiểu bằng cách nào mà Nhân vẫn đến được với Thoa.

Đêm ấy, mãi đến 21 giờ hơn, cậu ta mới về. Đêm đã khuya, chung quanh mọi người ngủ ngon lành nhưng Nhân vẫn trằn trọc, thi thoảng lại thở dài thườn thượt. Tôi hỏi: “Có chuyện gì không?”, Nhân trả lời giật cục: “Không!”.

Đơn vị hành quân bằng ô-tô suốt ngày đêm. Ngày thứ ba thì vào đến Quảng Bình. Đại đội trú quân trong một khu rừng ven bờ sông Son. Thấy Nhân làm việc gì cũng thiếu tập trung, sợ cậu ta có tư tưởng tiêu cực, nên là bạn thân tôi hỏi: “Nhân, mày có chuyện gì phải không, nói cho tao nghe nào!”.

Suy nghĩ một lát, nhìn quanh, Nhân ghé sát tai tôi thì thào: “Tôi chỉ nói riêng với ông điều này: Thoa có chửa với tôi được bốn tháng rồi. Tôi đang lo cô ấy sẽ bị kỷ luật, hơn nữa sinh nở sẽ “vượt cạn” một mình. Tôi lo cho cô ấy quá ông ạ!”.

- Trời đất, sao mày liều thế! Việc tày đình như thế, chỉ huy đại đội mà biết thì mày sẽ bị kỷ luật nặng mất!

Tuy vậy, với người ra trận, không ai nỡ làm cho họ phải phân tâm. Vì thế, câu chuyện của Nhân chỉ có vài anh em trong tiểu đội biết cho đến khi cậu ấy hy sinh.

*

Trở lại xóm Bầu lần này, chủ yếu tôi tìm Thoa. Hạt giao thông không còn ở xóm Bầu mà chuyển về huyện lỵ. Qua câu chuyện của những cô bạn làm ở Hạt, chúng tôi được biết Thoa bị kỷ luật vì tội chửa hoang. Không chịu nổi miệng lưỡi của người đời, cô bỏ về quê sống với bố mẹ tại một xã thuộc huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Theo chỉ dẫn của anh chị em ở Hạt giao thông huyện Đại Từ, chúng tôi về quê Thoa. Gặp lại sau bốn năm xa cách, lại là những người thân của Nhân nên Thoa rất cảm động. Thằng bé hơn bốn tuổi, khoanh tay trước ngực bẽn lẽn chào chúng tôi. Nó có nước da trắng, trán hơi dô, đặc biệt mái tóc xoăn trông giống Nhân như đúc. Vừa rót nước vào chén mời chúng tôi, Thoa tâm sự:

- Đã hai năm rồi đất nước thống nhất, các anh đã về cả, vậy mà không thấy anh Nhân đâu. Chắc anh bận việc gì hay quên mẹ con em rồi cũng nên.

Câu nói của Thoa khiến tôi xót xa vô cùng. Thì ra, Thoa vẫn chưa biết Nhân đã hy sinh. Tôi buộc phải lựa lời nói cho Thoa nghe về Nhân. Thoa chăm chú nhìn tôi rồi mặt cô tái nhợt và ngã vật ra trên nền nhà. Được người thân động viên, an ủi, Thoa dần tỉnh lại. Cô kéo đứa con trai vào lòng sụt sùi khóc. Một lát sau, khi tĩnh tâm lại Thoa mới nói:

- Đã đôi lần em và cháu Nghĩa định hỏi đường về quê anh Nhân nhưng ngặt nỗi không biết quê anh ở xã nào của huyện Hàm Yên. Thứ nữa tự nhiên mình là người lạ đến nhận làm con cháu thì không ổn, em đành chờ anh ấy trở về…

Chúng tôi tìm mọi cách liên hệ với Tỉnh đội Tuyên Quang và báo về trường hợp này. Một tháng sau, Tỉnh đội Tuyên Quang đã cho xe đưa chúng tôi về Hải Dương rồi đón mẹ con Thoa lên nhà Nhân.

*

Chiếc xe bò trên con đường nhỏ hẹp, qua hai quả đồi mới đến được nhà Nhân. Bác chủ nhà còn khỏe. Chỉ mới nhìn đã biết ông là bố của Nhân. Biết chúng tôi là bạn chiến đấu của con trai mình nên ông hỏi rất kỹ về trường hợp hy sinh của Nhân. Nói đoạn, tôi đưa tay về phía góc nhà nơi mẹ con Thoa đang ngồi, rồi nói với mọi người:

- Thưa bác và cả nhà, đây là chị Thoa, vợ chưa cưới của Nhân và cháu bé đây là con của Nhân, cháu Nghĩa!

Sự việc bất ngờ khiến ông ngơ ngác đến mấy phút. Ông nhìn về phía mẹ con Thoa:

- Vậy sao! Là vợ con thằng Nhân à! Cháu lại đây với ông nào!

Hình như có một mối liên hệ máu thịt nào đó giữa ông và thằng bé, nó chạy lại sà vào lòng ông:

- Cháu ơi! Thế là nhà ta vẫn có người nối dõi tông đường rồi! Giọng ông bệu bạo trong nước mắt.

Được biết, gia đình chỉ có một mình Nhân là con trai. Rồi ông quay về phía Thoa: Con à! Lâu nay mẹ con con chắc là vất vả lắm phải không? Như vậy con phải chịu thiệt thòi nhiều quá! Bố mẹ đây cảm ơn con và gia đình con.

Ngừng một lát ông nói: Ít ngày nữa chọn ngày lành tháng tốt, bố mẹ sẽ sắm lễ về Hải Dương thưa chuyện với ông bà dưới đó, đồng thời làm các thủ tục pháp lý, để xin cho con về làm dâu nhà này con ạ!

Thoa khóc nấc lên. Bao nhiêu tủi hờn, cơ cực, cay đắng bấy lâu nay dồn nén giờ được giải tỏa, chia sẻ. Cô nói trong giàn giụa nước mắt: Mẹ con con cảm ơn bố mẹ ạ!

Đồng chí cán bộ chính sách của Tỉnh đội Tuyên Quang đi cùng hứa với mọi người khi về sẽ làm thủ tục để đề nghị Nhà nước xem xét công nhận Đào Thị Thoa là vợ liệt sĩ và cháu Hà Văn Nghĩa là con liệt sĩ.

Cuốn vào công việc nên từ ngày đưa mẹ con Thoa về gia đình của Nhân tôi cũng ít liên lạc với gia đình. Tuy nhiên, qua cơ quan Tỉnh đội Tuyên Quang tôi được biết, cháu Nghĩa sau khi học hết phổ thông được gửi sang Cộng hòa Liên bang Đức đào tạo. Năm 1999, cháu về nước rồi trở thành cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel).