Karate Việt Nam

Nuôi mộng ở châu lục

Tại SEA Games 32 trên đất Campuchia, đội tuyển karate Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xếp nhất toàn đoàn và vượt chỉ tiêu đề ra, khép lại kỳ đại hội thành công trên đất Campuchia. Đây chính là điểm tựa quan trọng để karate Việt Nam thêm phần tự tin hướng tới đấu trường ASIAD 19 sắp tới.
0:00 / 0:00
0:00
Các võ sĩ Việt Nam giành HCV nội dung kata đồng đội nữ tại SEA Games 32. Ảnh: MINH QUYẾT
Các võ sĩ Việt Nam giành HCV nội dung kata đồng đội nữ tại SEA Games 32. Ảnh: MINH QUYẾT

SEA Games 31 ở Việt Nam, đội tuyển karate đã giành 7 HCV và xếp nhất toàn đoàn. Thành tích này giúp karate nước nhà gượng dậy sau màn sa sút ở Philippines năm 2019 khi chỉ có đúng 2 HCV. Đến Đại hội lần thứ 32, với việc chủ nhà Campuchia giới hạn các quốc gia khác chỉ được đăng ký tối đa 70% nội dung thi đấu ở các môn đối kháng võ thuật, chưa kể số bộ huy chương bị cắt giảm, dẫn tới việc ganh đua khốc liệt hơn, cơ hội tranh chấp huy chương cho karate Việt Nam bị thu hẹp đáng kể.

Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm cao, các võ sĩ của chúng ta đã cống hiến những màn thi đấu đầy ấn tượng, qua đó xuất sắc bảo vệ thành công vị trí số 1 khu vực với 6 HCV, 1 HCB, 6 HCĐ. Điểm nổi bật của karate Việt Nam tại Đại hội lần này là sự thống trị ở nội dung đồng đội. Việt Nam đã giành trọn 4 HCV đồng đội nam và đồng đội nữ ở cả quyền biểu diễn (kata) và thi đấu đối kháng (kumite). Cùng với 2 HCV đến từ kumite cá nhân của Hoàng Thị Mỹ Tâm (dưới 55 kg nữ) và Đinh Thị Hương (dưới 68 kg nữ). Sau khi mang về chiến thắng chung cuộc, võ sĩ Chu Văn Đức chia sẻ trong niềm hân hoan: “Đối thủ Malaysia rất mạnh nhưng toàn đội ai cũng cố gắng. Khi thi đấu, em luôn nghĩ về đất nước Việt Nam, nghĩ về Tổ quốc. Đó chính là động lực giúp em chiến thắng”.

Để chuẩn bị cho SEA Games 32 và các đấu trường lớn hơn, ngay từ đầu năm đội tuyển karate Việt Nam đã tập trung với nhiều cách thức thay đổi huấn luyện. Sự thay đổi rõ thấy nhất diễn ra ở đội tuyển kumite, khi riêng đội kumite nữ được chuyển vào tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TP Hồ Chí Minh dưới sự dẫn dắt của HLV kỳ cựu Phạm Hồng Hà, còn đội kumite nam do HLV Nguyễn Hoàng Long đảm trách vẫn ở lại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội như trước. Các tổ kata nam và nữ cũng tập luyện tại Hà Nội để bảo đảm chuyên môn tốt nhất.

Dù có nhiều biến động trong công tác nhân sự sau khi một số tuyển thủ nòng cốt rút lui khỏi đội tuyển như Hồ Thị Thu Hiền, Trang Cẩm Lành, Văn Hải, Thanh Duy... nhưng với thành tích đạt được tại SEA Games 32 vừa qua, karate Việt Nam vẫn cho thấy nhiều tín hiệu tích cực cho hành trình đầy chông gai sắp tới. Lực lượng đội tuyển hiện tại là sự kết hợp giữa những tuyển thủ thành danh có nhiều kinh nghiệm như Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Thị Ngoan, Đỗ Thành Nhân, Hoàng Thị Mỹ Tâm... cùng với sức trẻ đầy triển vọng của Diệu Ly, Huỳnh Hương, Chu Văn Đức, Ngọc Nhi, Trương Thị Phương, Tấn Đạt...

Sau SEA Games 32, dự kiến đội tuyển karate Việt Nam sẽ thi đấu giải Vô địch châu Á 2023 trong tháng 6 ở Malaysia, tiếp tới là Đại hội thể thao bãi biển thế giới 2023 ở Indonesia tháng 8, giải Vô địch thế giới trong tháng 10 tại Hungary và quan trọng nhất là ASIAD 19 diễn ra từ 23/9 đến 8/10 tại Hàng Châu (Trung Quốc).

Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 đáng lẽ được tổ chức từ năm 2022 nhưng bị hoãn lại 1 năm do thành phố Hàng Châu và thành phố láng giềng Thượng Hải khi đó dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại. Như vậy, các VĐV không chỉ của Việt Nam mà cả toàn châu lục đều có thêm thời gian chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội. Tại đây, karate từng mang về 4 HCV cho thể thao Việt Nam vào các năm 2002, 2006, 2010. Đến ASIAD 2014, karate không đạt thành tích cao khi lứa VĐV như Bích Phương, Nguyệt Ánh không còn thi đấu và lớp trẻ không kịp kế thừa. Và ở ASIAD gần nhất năm 2018 cũng chỉ có được HCB kumite nam của võ sĩ Nguyễn Minh Phụng hạng 84 kg. Và thành công ở SEA Games 32 vừa qua chính là bước đệm quan trọng để tuyển karate nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung nuôi mộng HCV châu lục và xa hơn là có bước chuẩn bị dài hơi để tìm kiếm tấm vé tham dự Olympic Paris 2026.