Nỗ lực khôi phục chính quyền Bắc Ireland

Nhân kỷ niệm 25 năm ngày ký thỏa thuận “Ngày thứ sáu tốt lành” giúp chấm dứt xung đột kéo dài hàng chục năm trên đảo Ireland, Thủ tướng Anh Rishi Sunak kêu gọi tăng cường các nỗ lực “làm sống lại” chính quyền chia sẻ quyền lực ở Bắc Ireland.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: ADAM
Biếm họa: ADAM

Được ký vào ngày 10/4/1998, thỏa thuận hòa bình “Ngày thứ sáu tốt lành” giúp chấm dứt ba thập kỷ xung đột tại Bắc Ireland và thiết lập chính quyền chia sẻ quyền lực tại đây, bao gồm đại diện hai cộng đồng theo chủ nghĩa hợp nhất ủng hộ Bắc Ireland nằm trong Vương quốc Anh và theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ Bắc Ireland sáp nhập Cộng hòa Ireland. Chính quyền Mỹ tại thời điểm đó đóng vai trò then chốt trong các cuộc đàm phán để đạt được thỏa thuận.

Thỏa thuận đã mang lại bình yên cho đảo Ireland, kết thúc một trong những cuộc xung đột nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong thế kỷ 20 khiến hơn 3.600 người thiệt mạng. Tuy nhiên, tình hình trên đảo Ireland đã trở nên căng thẳng sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vào tháng 1/2020. Bắc Ireland không có chính quyền hoạt động kể từ tháng 2 vừa qua sau khi đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) lớn nhất ở Bắc Ireland đã tẩy chay việc chia sẻ quyền lực để phản đối các quy tắc thương mại thời hậu Brexit áp dụng với vùng lãnh thổ thuộc Anh này. Trong khi đó, London tuyên bố sẽ không đàm phán lại thỏa thuận Brexit, khiến tình hình tại Bắc Ireland trở nên căng thẳng.

Thủ tướng Sunak khẳng định, thỏa thuận mới Khuôn khổ Windsor (thỏa thuận mới giữa Anh và EU về các quy định thương mại liên quan Bắc Ireland hậu Brexit) đã giải quyết nhiều vấn đề, song DUP cho biết, vẫn cần những thay đổi để bảo vệ vị trí của Bắc Ireland trong Vương quốc Anh. Trong một tuyên bố ngày 10/4, Thủ tướng Sunak hoan nghênh những tiến bộ đã đạt được kể từ khi ký thỏa thuận, đồng thời kêu gọi các bên “tăng gấp đôi” các nỗ lực. Ông khẳng định, Anh sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Ireland và các đảng phái ở Bắc Ireland để bảo đảm các thể chế tại vùng lãnh thổ này sớm hoạt động trở lại. Trước đó, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cam kết tăng cường các nỗ lực phối hợp với người đồng cấp Anh nhằm khôi phục chính quyền chia sẻ quyền lực ở Bắc Ireland và hy vọng sẽ phá vỡ bế tắc chính trị ở đây “trong vòng vài tháng tới”.

Với mong muốn thúc đẩy thành lập chính quyền tại Bắc Ireland, Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện chuyến công du tới Belfast ngày 11 và 12/4, sau đó đến Dublin trong chuyến thăm Cộng hòa Ireland kéo dài bốn ngày. Ông Biden kêu gọi tập trung vào quyền tiếp cận của Bắc Ireland đối với cả thị trường Anh và EU sau Brexit. Các nhà lãnh đạo Anh và Mỹ mong muốn không chỉ đưa Bắc Ireland trở thành điểm đến kinh doanh hấp dẫn, mà còn mang lại nền hòa bình bền vững cho khu vực vẫn còn bất ổn này. Cơ quan cảnh sát Bắc Ireland đang đặt trong tình trạng báo động cao sau khi xảy ra các vụ tấn công bằng bom xăng nhằm vào lực lượng cảnh sát do những phần tử chống đối tiến hành ngày 10/4. Khoảng 20 quả bom xăng có liên quan tổ chức cực hữu Saoradh - cánh chính trị của tổ chức bán vũ trang Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) mới, đã được ném vào một chiếc xe cảnh sát tại Creggan, khu vực được coi là thủ phủ của phe bất đồng chính kiến ở Bắc Ireland. Vụ tấn công này đã bị các chính trị gia trên khắp Ireland lên án.

Có thể thấy, việc thúc đẩy thành lập chính quyền chia sẻ quyền lực ở Bắc Ireland đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ của Thủ tướng Sunak hiện nay. Chính phủ Anh dù tuyên bố lùi thời hạn chót để các đảng ở Bắc Ireland thành lập chính quyền đến ngày 18/1/2024, song cho biết vẫn sẽ bảo lưu quyền kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử vào bất cứ thời điểm nào trước thời hạn chót. Bộ trưởng phụ trách Bắc Ireland của Anh Chris Heaton-Harris cho biết, quyết định gia hạn được đưa ra nhằm giúp cho các bên của Bắc Ireland có thêm thời gian đàm phán và quay trở lại tiến trình thành lập chính quyền.