Niềm tự hào sâu sắc, bền vững

Những thông tin về nội dung cũng như quá trình đấu tranh để đi đến việc ký kết Hiệp định Geneva 1954 thu hút sự quan tâm của không ít bạn trẻ. Không chỉ trên góc độ ý nghĩa lịch sử, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, nhiều người trẻ còn xem đây là một bài học ngoại giao vô giá, về thách thức và cơ hội… trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân dân miền Bắc đón tiếp cán bộ, bộ đội và nhân dân miền nam tập kết ra Bắc tại bến Sầm Sơn (Thanh Hóa) ngày 25/9/1954. Ảnh: TƯ LIỆU
Nhân dân miền Bắc đón tiếp cán bộ, bộ đội và nhân dân miền nam tập kết ra Bắc tại bến Sầm Sơn (Thanh Hóa) ngày 25/9/1954. Ảnh: TƯ LIỆU
Niềm tự hào sâu sắc, bền vững ảnh 1

Trần Thủy Tiên, sinh viên Khoa Luật thương mại quốc tế, Học viện Ngoại giao

Trần Thủy Tiên, sinh viên Khoa Luật thương mại quốc tế, Học viện Ngoại giao

Hiệp định là kết quả tất yếu của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam và các nước Đông Dương, trong quá trình đấu tranh kháng chiến chống Pháp cũng như lật tẩy âm mưu chia cắt đất nước Việt Nam lâu dài.

Một mặt, chúng ta phải đàm phán bình thường hóa quan hệ các nước trên lĩnh vực ngoại giao và tiếp tục xây dựng xã hội chủ nghĩa, kiến thiết nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặt khác, chúng ta vẫn phải cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu với các thế lực trên mọi mặt trận. Tuy ta phải nhượng bộ một số điều khoản bất lợi, nhưng đó là điều dễ hiểu, bởi hoàn cảnh đó ta vẫn chưa có nhiều lợi thế trên bàn đàm phán, chưa kể các yếu tố bất lợi tác động như sự tham gia của các cường quốc, cũng như sự bất hợp tác của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Từ đó, cá nhân tôi và nhiều bạn sinh viên hiểu rõ: Ngoại giao phải đi đôi với quan điểm quốc phòng-an ninh, kinh tế, chính trị và xã hội. Bên cạnh đó, cũng luôn phải cảnh giác, đề phòng các thế lực thù địch, luôn sẵn sàng và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.

Niềm tự hào sâu sắc, bền vững ảnh 2

Hoàng Thành Long, học sinh lớp 12 Sử, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam

Hoàng Thành Long, học sinh lớp 12 Sử, thành viên CLB Lịch sử Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam

Cùng với Hiệp định Sơ bộ 1946 và Hiệp định Paris 1973, Hiệp định Geneva 1954 là mốc son chói lọi trong lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam. Với cá nhân tôi cũng như các bạn học, Hiệp định Geneva để lại nhiều bài học còn nguyên giá trị về nguyên tắc, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao trong Thời đại Hồ Chí Minh.

Trước hết, đó là bài học về kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc. Thứ hai, bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, gắn kết đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế để tạo nên “một sức mạnh vô địch”. Thứ ba, bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, sách lược của ta thì linh hoạt, trong đàm phán và thực thi Hiệp định Geneva, cái gốc “bất biến” là Việt Nam độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đến Hiệp định Paris 1973 sau này. Còn “vạn biến” là trong lúc chưa thể thực hiện được trọn vẹn mục tiêu cuối cùng, có thể linh hoạt và biến hóa trong sách lược để rồi từng bước tiến tới đạt được mục tiêu bất biến. Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh được kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta; đồng thời, thể hiện bản sắc “cây tre Việt Nam” của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, “gốc vững”, “thân chắc”, “cành uyển chuyển” hôm nay.

Thứ tư, bài học về coi trọng nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, “biết mình”, “biết người”, “biết thời”, “biết thế” để từ đó “biết tiến”, “biết thoái”, “biết cương”, “biết nhu”. Thứ năm, bài học về sử dụng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế. Thứ sáu, bài học bao trùm là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo đảm cao nhất lợi ích dân tộc.

Niềm tự hào sâu sắc, bền vững ảnh 3

Ngô Thị Quỳnh Giao (bên trái)

Ngô Thị Quỳnh Giao, TikToker Giao Cùn

Là một người tiếp xúc nhiều với mạng xã hội về khía cạnh lịch sử, Giao có những cảm nhận chung, cùng góc nhìn với các bạn trẻ về mốc son chói lọi này, là đầy tự hào và xúc động.

Tuy nhiên, đôi khi vẫn có một số ý kiến cho rằng: Chúng ta có thể thắng là nhờ có địa hình hiểm trở, vì khí hậu, vì tình hình chính trị thế giới... chứ nguyên nhân quan trọng nhất không phải đến từ chính những con người Việt Nam. Vậy thì phải nhắc lại vai trò quan trọng của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mang tên Điện Biên Phủ.

Trận chiến này là minh chứng rõ ràng về chuyện liệu chiến thắng của chúng ta có phải là may mắn hay không? Tất cả hành động và ý chí vào thời điểm đó, tất cả sự chênh lệch về vũ khí, quân trang đều là bằng chứng sắt thép cho ý chí, lòng quả cảm, sự quyết đoán và tầm nhìn chiến lược của quân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhờ vậy, Pháp bắt buộc phải chấp nhận các điều khoản của Hiệp định Geneva.

Đối với lớp trẻ chúng tôi hôm nay, Hội nghị này chính là một niềm tự hào sâu sắc, tiếp thêm dũng khí và hoài bão cho những hành trình tuổi trẻ đầy chông gai. Mỗi lần nhắc tới chiến thắng của cha ông cả trên mặt trận chính trị, ngoại giao và vũ trang đều là một lần nhắc nhớ rằng: Để có đất nước Việt Nam hòa bình và phồn vinh như ngày nay, các thế hệ đi trước đã hy sinh nhiều đến thế nào.

Khi đọc về Geneva 1954, Giao cảm nhận được 75 ngày đấu tranh ngoại giao kiên trì ấy gian nan đến mức nào, với tám phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp. Lần đầu trong lịch sử, dân tộc ta đường hoàng đứng ngang hàng với các cường quốc, rửa trôi bao tủi nhục, đặt nền móng vững chắc để khẳng định và phát triển quốc gia.