Những ước mơ thầm lặng

NDO - Khó bút mực nào diễn tả hết tâm huyết những thầy thuốc, giáo viên, cán bộ trung tâm bảo trợ xã hội, nơi chăm sóc, nâng giấc từng bữa ăn, giấc ngủ, chắp cánh khát khao tri thức cho những đứa trẻ nhiễm HIV. Trái tim thương yêu và tấm lòng nhân hậu đã vượt lên nỗi lo hiểm nguy luôn rình rập, xua tan bóng đêm u tối của bệnh tật và cả nỗi cô đơn, giá lạnh trong lòng con trẻ.
Dù đã phải uống thuốc phơi nhiễm HIV, chị Nguyễn Thị Thái (người ngồi) vẫn gắn bó với các cháu bé có "H" ở Trung tâm bảo
Dù đã phải uống thuốc phơi nhiễm HIV, chị Nguyễn Thị Thái (người ngồi) vẫn gắn bó với các cháu bé có "H" ở Trung tâm bảo

Niềm vui chắp cánh

Trống trường vừa điểm, Lê Văn Tuấn cùng các bạn lớp 5B, Trường tiểu học Nghi Long (Nghi Lộc, Nghệ An) ùa ra sân, tay nắm tay chơi mèo đuổi chuột. Mang trong mình vi-rút tử thần, cậu bé gầy còm nhưng hiếu động. Chẳng có khoảng cách nào giữa những đứa trẻ, mặc dù chúng bạn biết rõ em đang mắc căn bệnh thế kỷ. Sự yêu thương, chan hòa khiến Tuấn tự tin, không mặc cảm. Nhà nghèo, thương mẹ tần tảo chạy ăn từng bữa, Tuấn rất chăm học. Ngày trở trời, đang học, em cũng bị chảy máu cam, nôn mửa, nhưng chỉ sau một lúc hồi tỉnh, cậu lại chăm chú nghe giảng. Tuấn hứa với cô sẽ ráng học trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mẹ, người phụ nữ bé nhỏ nhưng thương con vô bờ. Tuấn vẽ đẹp. Những bức tranh đơn sơ nhưng tươi sáng, chất chứa niềm lạc quan, dẫu em đang phải chống chọi định mệnh nghiệt ngã.

"Chị em con đi học vui lắm", bé Ngô Thị Trang và Ngô Thị Linh đưa tập vở toàn điểm 9, 10 hớn hở khoe. Trong căn nhà nhỏ tồi tàn ven đầm nước sình lầy, chị Nguyễn Thị Hòa ở phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) nghẹn lời kể lại hành trình xin học gian nan. Chồng chị vĩnh viễn ra đi bỏ lại ba mẹ con chống chếnh, cô đơn với căn bệnh AIDS. Năm hai đứa trẻ lên sáu tuổi, chị đôn đáo khắp nơi xin học nhưng không dám thú thật bệnh của con, sợ bị "tẩy chay". Thật may mắn, cô hiệu trưởng nhân ái biết chuyện vẫn đón nhận, miễn cả học phí dù trường đã tuyển thừa chỉ tiêu. Chuyện hé lộ khi Trang ốm, một phụ huynh đến thăm biết bệnh về dặn con tránh xa, không chơi với bạn. Nhưng không ai ngây thơ hơn bọn trẻ. Chúng nghĩ, bạn vẫn lành lặn như bao người, chẳng có gì phải xa lánh. Cô giáo luôn dạy, bạn bị bệnh, phải biết thương yêu, giúp đỡ. Rồi nỗi lo xa, hiểu lầm cũng dần được hóa giải khi trường tích cực tuyên truyền để phụ huynh thấu hiểu và sẻ chia "hãy đặt các cháu là con mình". Còn tình bạn giữa những đứa trẻ thì ngày càng bền chặt.

Chuyện bé Tuấn, Trang và Linh giờ không còn là "cổ tích" mà đã trở thành thường ngày ở nhiều trường. Nhưng vẫn còn không ít trẻ kém may mắn, đường đến trường gập ghềnh, dang dở ước mơ học chữ vì bị kỳ thị, hắt hủi. Những lời nói phũ phàng của người đời như nhát dao sắc lẹm cứa vào tâm hồn non nớt của các em. Lường trước chuyện không hay khi đưa trẻ học hòa nhập, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em nhiễm HIV Linh Xuân (TP Hồ Chí Minh), cùng nhà trường, chính quyền địa phương đã phải giữ kín tuyệt đối bệnh tình, các em phải đóng kịch, nói dối khi chẳng may bị bạn phát hiện sống ở Trung tâm và nói dối có bố, mẹ làm việc trong quận để xua tan nghi ngờ. Cô bảo mẫu đóng vai phụ huynh nghe ngóng phản ứng dư luận, báo lại Ban Giám đốc để có hướng xử lý. Còn Giám đốc trung tâm GDLÐXH số 2 (Hà Nội) Nguyễn Thị Phương bảy năm qua luôn đau đáu tìm cách hóa giải nỗi lo thất học của trẻ, dẫu nhiều phụ huynh "bao vây", cấm vận khi đưa các em ra học hòa nhập. Chị kiên trì "gõ cửa" khắp nơi. Tình hình dẫu sáng sủa hơn, nhưng con đường phía trước vẫn ẩn chứa những gập ghềnh. Chị bộc bạch: "Làm sao không trăn trở khi 14 em lớp 6, lớp 7 mới được ra trường cấp hai học tuần ba buổi, các em bậc tiểu học vẫn học lớp ghép ở Trung tâm".

Hơn cả tình thương

Dạy trẻ nhiễm HIV phải rất "đa năng", tận tình, hướng dẫn từng li từng tí. Trí nhớ suy giảm, thế giới bó hẹp giữa bốn bức tường trung tâm nên cô giảng rất cặn kẽ chúng mới hình dung được. Với những đứa trẻ mà cuộc đời đã thiếu đi phần may mắn, thì các cô giáo, những người "đặc biệt" đã vượt lên trên định kiến đời thường, dường như chính là một phần bù đắp lại cho chúng sự thiếu hụt. Nếu cô giáo Nguyễn Thị Liễu sau vài lần cãi nhau với người yêu lúc đang tìm hiểu đã đưa đến Trung tâm Linh Xuân để tìm sự cảm thông, cô Nguyễn Thị Bảo Châu tình nguyện chuyển về công tác, chấp nhận mang tiếng "hâm", thì cô Ðinh Thị Thủy và Phùng Thị Thúy Hà, Trường tiểu học Yên Bài B xung phong vào Trung tâm GDLÐXH số 2 dạy học, bù đắp thiệt thòi cho bọn trẻ bất chấp định kiến và can ngăn của mọi người. Bọn trẻ rất mến cô. Thấy cô mệt, chúng xúm lại hỏi thăm, đứa đấm lưng, đứa xoa bóp chân tay. Có lần bé Phan Thị Tính, lớp 2C ôm chầm cô Thủy nghẹn ngào thủ thỉ: "Con hát bài Gặp mẹ trong mơ, đúng là thấy mẹ. Cô giống mẹ con, nhưng mẹ mất rồi. Cô làm mẹ con nhé". Còn bé Nguyễn Mai Hương lo lắng hỏi cô Hà: "Bọn con sống được bao lâu nữa, có thuốc chữa chưa?" Cô trấn an: "Con yên tâm, rồi sẽ có. Phải uống ARV đều đặn mới nhanh khỏi" mà khóe mắt rưng rưng. Ðám trò học chăm, chỉ sợ cô buồn. Không chỉ đọc thông viết thạo, chúng chẳng kém trẻ ngoài trường, đi thi học sinh giỏi, vở sạch chữ đẹp cũng rinh giải về làm quà tặng cô.

Chữa trị, chăm sóc trẻ nhiễm HIV là công việc còn vất vả, gian nan, hiểm nguy bội phần. Nếu không có chuyên môn vững và nhiệt tâm, không thể giành giật sự sống từ tay tử thần. Hầu hết trẻ nhập viện đã ở giai đoạn cuối, cơ thể suy kiệt, lở loét, sốt cao, đủ bệnh nhiễm trùng cơ hội bùng phát. Có lần, một cháu mắc AIDS khó thở, suy tim vào khoa Nhi, Bệnh viện Ða khoa Sơn La cấp cứu. Trong lúc lấy máu xét nghiệm, máu rơi trúng vết xước trên cánh tay chị Lò Thị Mười. Sau lần uống thuốc phơi nhiễm HIV, nhiều người nghĩ chị sẽ chuyển khoa. Nhưng kiểu "giật mình thon thót" ấy đã quá quen với chị và đồng nghiệp, bởi không ít trường hợp bệnh nhân nguy kịch nhập viện, vội cấp cứu không kịp đi găng. Dẫu áp lực công việc quá bộn bề, mỗi tháng điều trị thêm 100 bệnh nhân HIV ngoại trú, nhưng chị vẫn gắn bó vì một lẽ giản đơn: chúng đang rất cần mình.

Chị Nguyễn Thị Thái, Trung tâm Bảo trợ xã hội Thái Nguyên cũng vậy. Hôm đó, chị bế bé Vân đi xét nghiệm. Bác sĩ vừa rút kim tiêm, máu loãng chảy ướt đẫm áo. Tai nạn nghề nghiệp ấy không làm chị chùn bước. Thấy người các bé lở loét, chị không dùng găng tay mà nhẹ nhàng tắm rửa; khi chúng nôn ọe, tiêu chảy, chị lại nhanh chóng dọn dẹp. Cái mùi tanh lòm khiến chị nhức đầu, nôn thốc tháo, đến bữa không nuốt nổi cơm nhưng riết mãi thành quen. Chị thở dài: "Chế độ cho tụi nhỏ quá eo hẹp, giá có thêm tiền mua thuốc bổ, sữa bồi dưỡng thì tốt biết bao"...

Những câu chuyện như thế còn nhiều lắm! Bởi thông thường, bệnh nhân mắc trọng bệnh trăm sự nhờ cậy bác sĩ cứu chữa, nhưng với nhiều trẻ em nhiễm HIV vùng sâu, vùng xa, các bác sĩ lại lặn lội vận động, thuyết phục, trị bệnh để rồi không gì hạnh phúc hơn khi chúng dần hồi phục, khỏe mạnh. Tất cả đều từ cái tâm với trẻ.

* Khi ta chia nụ cười, sẽ nhận về vô số niềm vui, chia vòng tay sẽ nhận về mình ấm áp tình yêu thương, và khi ta chia niềm yêu thương, sẽ có rất nhiều hạnh phúc. Ngày ngày, những con người, những tấm lòng bình dị mà cao cả như trong chuyện cổ tích vẫn lặng lẽ giữa đời thường trao gửi tâm nguyện ấy đến những đứa trẻ nhiễm HIV, sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh và thắp lên trong những tâm hồn non nớt ấy niềm hy vọng về hạnh phúc.