Những trái tim Việt rực lửa sưởi ấm Lục địa Đen

Tại đất nước Angola xa xôi, có những người Việt Nam đang cống hiến sức lực và tuổi xuân để giúp đỡ những người bạn châu Phi, từ lương thực, y tế đến giáo dục. Hành động ý nghĩa của họ đã góp phần tô thắm thêm truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Từ "quê lúa" Thái Bình, anh Đông cùng đồng đội mang ấm no đến cho người dân Angola. Ảnh: NVCC
Từ "quê lúa" Thái Bình, anh Đông cùng đồng đội mang ấm no đến cho người dân Angola. Ảnh: NVCC

Từ quê lúa Thái Bình đến bản làng Angola

Trong suy nghĩ của nhiều người, châu Phi là mảnh đất khô cằn với khí hậu khắc nghiệt. Vậy nên, cộng đồng mạng Việt Nam không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến những cánh đồng ngô xanh tốt tại Angola trên kênh YouTube "Đông PauLo Vlogs - Cuộc sống ở châu Phi". Đó là thành quả của anh Nguyễn Đông (quê Thái Bình) và những thành viên trong "Team châu Phi" gặt hái được sau khoảng thời gian "lăn lộn" cùng người dân bản địa.

Khi đi xuất khẩu lao động tại Angola, anh Nguyễn Đông đã gặp gỡ Quang Linh (một "trụ cột" khác của Team châu Phi) trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, và từ đó nảy sinh ý định thành lập một đội để giúp đỡ người dân Angola ở vùng hẻo lánh. Tại Bailundo - nơi anh Đông sinh sống, trình độ nông nghiệp của người dân rất hạn chế, năng suất cây trồng thấp. Anh và những người bạn áp dụng kỹ thuật canh tác của người Việt để cải tạo đất, hướng dẫn người dân gieo trồng đúng cách. Những giống rau ngắn ngày như dưa leo, cà chua, cải giống Việt Nam đã mang lại một sức sống mới cho những mảnh đất hoang.

Nguyễn Đông không được đào tạo bài bản về nông nghiệp. Nhưng vốn xuất phát từ "quê lúa", lại quen việc đồng áng từ nhỏ, anh không gặp nhiều khó khăn khi canh tác. Nhờ vậy, anh được nhiều người yêu mến vì sự "mát tay", khéo léo trong trồng trọt và chăn nuôi gà. Anh cũng "nhân tiện" giới thiệu ẩm thực Việt Nam với người dân Angola thông qua những món ăn từ chính những sản phẩm nông nghiệp của đội.

"Tôi là con nhà nông, quen với việc chăn trâu cắt cỏ nên có nhiều kinh nghiệm được học hỏi từ bố mẹ. Tôi trồng những loại cây đã biết. Những gì không biết thì tìm hiểu qua internet để áp dụng cho người dân. Nhờ Google, chúng tôi đã làm những "bóng điện mặt trời" từ chai nước để thắp sáng nhà cửa, phòng học", anh Đông chia sẻ.

Anh Đông còn huy động trí tuệ của nhiều người Việt Nam thông qua kênh YouTube cá nhân. Từ những bình luận đóng góp kiến thức của khán giả, anh ghi nhận lại để cải tiến cách thức canh tác. Bố Đông cũng nhiều lần gọi sang Angola góp ý khi thấy con trai làm sai kỹ thuật. Hành trình "ươm mầm xanh", nhờ đó, có sự đồng hành và góp sức từ chính những người Việt Nam ở quê nhà. Những kiến thức nông nghiệp tưởng chừng như rất bình thường, cũng mang đến sự thay đổi cho vùng đất bạn.

Thời tiết, giao thông chưa thuận lợi và nỗi nhớ gia đình, quê hương là những khó khăn mà anh Đông phải vượt qua khi ở Angola. Nhưng nhìn những cánh đồng ngô xanh tốt và cảm nhận sự tin tưởng của người dân địa phương, anh và đồng đội lại có thêm động lực để tiếp tục.

Anh tâm sự, các bậc "trưởng lão" ở Angola thường là những người xúc động nhất trước sự giúp đỡ của người Việt Nam. Bởi lẽ, họ đã trải qua hàng chục năm "sa lầy" trong cảnh thiếu thốn, qua đó càng trân trọng tình cảm từ dải đất hình chữ S. Với anh Đông, tình yêu thương anh dành cho người dân Angola cũng giống như dành cho cha mẹ, ông bà hay con cái. Ánh mắt tròn xoe, ngây ngô của những đứa trẻ châu Phi như xóa nhòa mọi ranh giới ngôn ngữ, chủng tộc, chỉ còn tình đồng loại đơn thuần nhất.

Những người hùng thầm lặng

Nhưng Angola không chỉ có "Team châu Phi", "Quang Linh Vlogs" hay Đông Paulo. Còn có rất nhiều người Việt Nam vẫn đang âm thầm giúp đỡ người dân đất nước nằm ở phía nam châu Phi này. Như anh Nguyễn Văn Hòa, một doanh nhân ở tỉnh Huambo, đã bỏ tiền túi xây trường học, xây nhà tình thương cho 64 trẻ mồ côi và ủng hộ thức ăn, quần áo, đồ dùng thiết yếu cho những nơi gặp khó khăn ở Angola.

Năm 2021, công ty của anh Hòa được vinh danh là doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho xã hội ở Angola. Tuy nhiên, anh không muốn bản thân xuất hiện trên truyền thông vì từ thiện là "từ tâm", xuất phát từ tình cảm gắn bó, muốn tri ân vùng đất mà anh đã làm ăn và sinh sống hơn 20 năm.

Hay như câu chuyện về bác sĩ N.T.N.T. - người công tác tại Angola hơn 15 năm và đã giúp rất nhiều thai phụ, thai nhi qua cơn hiểm nghèo. Có lần, cô phải vượt hàng chục km giữa vùng núi hoang sơ hẻo lánh vào giữa đêm, để cứu người tài xế bị rơi xuống vực.

Điều từng khiến bác sĩ N.T.N.T. phải trăn trở đến mức ám ảnh là câu chuyện của một người phụ nữ Angola tên Yonetta. Nhiều năm trước, nữ bác sĩ và các đồng nghiệp đã cứu thành công cho con gái của Yonetta, dù cơ hội sống sót chỉ là 0,01%. Đó là lần mang thai thứ tám của Yonetta và cũng là lần thứ ba sản phụ 26 tuổi này phải trải qua phẫu thuật lấy thai.

Nando - con gái của Yonetta - sống sót là một kỳ tích. Thế nhưng, gánh nặng cơm áo cho năm đứa con khác khiến Yonetta không thể lo cho con gái út bé nhỏ. Cô bé lớn lên trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng, không biết nói. Bác sĩ N.T.N.T. nhiều lần gửi tặng thuốc men, sữa, bột, giới thiệu Yonetta làm việc ở nông trại nhưng vẫn không thể giúp cô thoát cảnh "rày đây, mai đó".

Bi kịch chưa dừng lại ở đó. Một thời gian sau, bác sĩ N.T.N.T. gặp lại Yonetta ở tuổi 30, với gương mặt nhăn nheo như một bà già. Cô và năm đứa con gầy còm ngồi quanh một nấm mộ nhỏ vừa mới đắp. Hình hài Nando - cô bé "0,01% kỳ tích" năm ấy - đã nằm yên trong lòng đất, sau một cơn co giật đau đớn.

Ở một quốc gia còn nhiều khó khăn như Angola, trẻ em nếu được may mắn sinh ra mạnh khỏe thì cũng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro bệnh tật, đói nghèo khi lớn lên. "Những thiên thần mang áo blouse trắng" đến từ Việt Nam được ví như vị cứu tinh của người dân địa phương. Nhưng bác sĩ N.T.N.T. rất khiêm tốn khi nói về bản thân, đề nghị người viết giấu tên, vì cô luôn tâm niệm mình chỉ góp phần nhỏ bé theo đúng trách nhiệm của người làm nghề y. Vì bệnh nhân, dù ở bất kỳ quốc gia hoặc mầu da nào, là những người khốn khổ nhất.

Lan tỏa giá trị Việt Nam

Trên kênh YouTube của anh Nguyễn Đông, không hiếm những bình luận trong và ngoài nước bày tỏ sự ngưỡng mộ hành động nhân ái và tinh thần quốc tế của chàng trai quê Thái Bình. Anh Đông, cũng như nhiều anh em khác, đều có xuất phát điểm là những người thanh niên quê yêu lao động. Nhưng vì sao, con người bình dị ấy có thể truyền tải một hình ảnh Việt Nam thân thiện, đầy trách nhiệm với cộng đồng quốc tế?

Đơn giản, điều này xuất phát từ phẩm giá con người Việt Nam. Trẻ em Việt Nam luôn sớm được giáo dục về tinh thần thế giới đại đồng, bình đẳng mầu da, thông qua những câu hát như "Vàng đen trắng nước da không chia tấm lòng" - (Thiếu nhi thế giới liên hoan của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước). Lớn lên, những chàng trai, cô gái cũng luôn được "tắm mình" trong tình làng, nghĩa xóm và những bài học về lòng nhân ái, sự sẻ chia.

Truyền thống nhân ái của dân tộc đã gieo vào mỗi công dân một "hạt giống" về sự tử tế, về trách nhiệm với cộng đồng. Để rồi những "hạt giống" ấy "đơm hoa kết trái", cho dù ở những nơi rất xa Việt Nam, với cả những con người không cùng dòng máu.

Nhìn từ quá khứ của dân tộc Việt Nam, việc xả thân gánh vác những trách nhiệm và đóng góp vào lợi ích chung đã là dòng chảy xuyên suốt trong tư tưởng. Và giờ đây, khi vận nước đang lên, thế và lực đã mạnh, chúng ta càng có thêm điều kiện để lan tỏa những giá trị tốt đẹp ra với cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự tiến bộ chung của nhân loại, nhất là tại những khu vực khó khăn trên thế giới - những nơi cần các bàn tay giúp đỡ chìa ra nhất.

Trên hành trình ấy, mỗi công dân ở nước ngoài chính là một đại sứ hình ảnh của Tổ quốc thân yêu.