Những phụ nữ lái tàu đầu tiên ở Ai Cập

Nằm trong kế hoạch nâng cấp và mở rộng hệ thống tàu điện ngầm tại Thủ đô Cairo để phục vụ dân số vượt quá mốc 20 triệu người, lần đầu các nhà chức trách Ai Cập đã tuyển dụng phụ nữ cho công việc lái tàu. Đây được coi là một bước tiến trong việc bình đẳng giới tại quốc gia nói trên, nơi phụ nữ từ trước tới nay thường không có việc làm chính thức.
0:00 / 0:00
0:00
Hind Omar trở thành phụ nữ tiên phong trong nghề lái tàu điện ngầm. Ảnh: AFP
Hind Omar trở thành phụ nữ tiên phong trong nghề lái tàu điện ngầm. Ảnh: AFP

Theo AFP, kể từ năm 1956, phụ nữ Ai Cập đã được trao quyền bầu cử. Dù vậy, việc bất bình đẳng giới, “trọng nam” trong xã hội đã hạn chế nghiêm trọng quyền cá nhân của phụ nữ, khiến họ ít có cơ hội làm việc. Vì vậy, việc chứng kiến hai phụ nữ trong cabin lái tàu điện ngầm từ tháng 4 vừa qua khiến nhiều người dân bất ngờ.

Hind Omar từng tốt nghiệp ngành kinh doanh trong trường đại học và hiện là mẹ của hai đứa con, chia sẻ rằng cô đã vội vã nộp đơn xin làm lái tàu với mong muốn trở thành người tiên phong ở một quốc gia chỉ có 14,3% phụ nữ làm việc chính thức, theo số liệu năm 2020. Hind là một trong hai phụ nữ được chấp nhận tham gia chương trình đào tạo do Cơ quan quốc gia về đường hầm của Ai Cập phối hợp nhà điều hành giao thông công cộng RATP-Dev tổ chức. “Bạn cần duy trì sự ổn định về cảm xúc và vượt qua tất cả các bài kiểm tra. Họ tạo áp lực cho bạn trong các bài kiểm tra để thấy được sức chịu đựng và sự ổn định của bạn. Bởi, lái tàu là một công việc rất nhạy cảm và cần những yêu cầu cụ thể, bạn phải cực kỳ tập trung trong toàn bộ thời gian làm việc là sáu ngày/tuần”. Hind cho biết.

Hind cũng thừa nhận cô rất may mắn khi có được sự ủng hộ của gia đình. Cô kể: “Ban đầu bố mẹ tôi thấy hoang mang và bất ngờ, nhưng cuối cùng họ vẫn ủng hộ. Còn chồng tôi ngay từ đầu đã nhiệt tình và luôn động viên tôi trong quá trình đào tạo”. Dù vậy, phụ nữ khi làm lái tàu sẽ được ưu tiên miễn giảm ca đêm.

Trong khi đó, Suzan Mohamed là một trong hai nữ lái tàu đầu tiên trên tàu điện ngầm Cairo. “Tôi có một cảm giác đan xen giữa hạnh phúc và trách nhiệm khi phải vận chuyển hàng nghìn lượt khách mỗi ngày. Đó là trách nhiệm lớn, tôi vừa vui nhưng cũng vừa cảm thấy áp lực”, Suzan bày tỏ. Nhớ lại lần đầu những người đi làm trên sân ga nhìn thấy cô trong cabin lái tàu, Suzan cho biết “họ đã rất ngạc nhiên bởi đây là một đất nước mà phụ nữ bị hạn chế tiếp cận với nhiều nghề nghiệp. Một số hành khách đã sợ hãi. Họ nghi ngờ kỹ năng của tôi và nói rằng họ không cảm thấy an toàn khi đặt tính mạng mình vào tay phụ nữ”, cô nói thêm. Đối mặt với ánh mắt hoài nghi của phần đông người dân, Suzan khẳng định sẽ tiếp tục cống hiến, làm việc để chứng minh năng lực của phụ nữ không hề thua kém nam giới trong lĩnh vực này.

Theo Arab News, được đưa vào hoạt động vào năm 1987, tàu điện ngầm Cairo được coi là một trong số những hệ thống tàu điện ngầm lâu đời nhất ở khu vực Arab. Tuy nhiên, thời gian qua, Ai Cập bị cho là tụt hậu so các quốc gia khác ở khu vực trong việc cung cấp cơ hội việc làm cho phụ nữ, đặc biệt trong lĩnh vực điều khiển các phương tiện giao thông công cộng. Năm 1999, Saida Abad (Morocco) trở thành nữ lái tàu đầu tiên ở châu Phi và thế giới Arab. Ngay cả ở Saudi Arabia, nơi mà cho đến gần đây phụ nữ vẫn bị cấm lái xe ô-tô, nhiều phụ nữ cũng được đào tạo để trở thành người lái tàu điện ngầm.

Giới chức Ai Cập cho biết, nước này đang triển khai kế hoạch bổ sung ba tuyến mới trong hệ thống tàu điện ngầm Cairo cũng như khánh thành tàu điện một ray đầu tiên của nước này. Do đó, nhà chức trách quốc gia châu Phi nói trên hy vọng Hind và Suzan sẽ là tấm gương cho nhiều phụ nữ Ai Cập, giúp mở đường cho những phụ nữ khác trở thành lái tàu cũng như dũng cảm tiếp cận những cơ hội việc làm khác trong tương lai.