Những khát vọng đầu xuân

Sau hiệu ứng của kỳ SEA Games 31, bóng rổ đã trở thành môn thể thao mang tính xu hướng với thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để vươn mình và tiến xa trên con đường chuyên nghiệp với trái bóng cam này, không thể chỉ có đam mê hay ham thích cảm tính ban đầu.
0:00 / 0:00
0:00
Bóng rổ chuyên nghiệp chưa được xem như một nghề thật sự.
Bóng rổ chuyên nghiệp chưa được xem như một nghề thật sự.

Năm 2022 được xem như khoảng thời gian thành công đối với bóng rổ Việt Nam. Bên cạnh hai tấm Huy chương bạc nội dung 3x3 tại SEA Games 31, chúng ta đã tham dự nhiều sân chơi lớn trong khu vực như ABL 3x3 International Champions Cup 2022 (Bali, Indonesia), FIBA 3x3 Asia Cup 2022 (Singapore), hay mới nhất là FIBA 5x5 Asia Cup (Ulaanbaatar, Mông Cổ). Việc góp mặt tại các giải đấu quốc tế không chỉ mang đến cơ hội cọ xát và trau dồi kinh nghiệm mà còn giúp chúng ta cải thiện đáng kể thành tích. Hiện tại, Đội tuyển bóng rổ nam đã tăng bảy bậc, đứng thứ 132 thế giới trên bảng xếp hạng của FIBA (Liên đoàn Bóng rổ quốc tế).

Tiếp nối thuận lợi ấy, Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA), với mô hình thể thao giải trí, đã tạo ra sân chơi chất lượng và thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ trên cả nước. Điều này được thể hiện rõ qua bầu không khí thực tế trên các sân thi đấu suốt mùa giải năm 2022. Sau gần ba tháng tranh tài, VBA đã tiếp đón hàng trăm nghìn lượt khán giả đến sân và hàng triệu lượt theo dõi qua các phương tiện truyền thông. Ngay từ vòng bảng, nhiều trận đấu ở khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện tình trạng "cháy vé".

Theo Giám đốc điều hành VBA Trần Chu Sa, bước sang năm mới 2023, VBA và các đội bóng sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng và chuẩn hóa tất cả các sân thi đấu. Bên cạnh đó, giải đấu sẽ tiếp tục cập nhật và áp dụng luật mới của FIBA để mang đến nhiều thay đổi hấp dẫn hơn. Công tác đào tạo, nâng cao trình độ các nhân sự chuyên môn cũng sẽ được chú trọng. Đặc biệt, VBA đang gấp rút triển khai các quy trình tổ chức đã được xây dựng từ năm 2019 nhưng chưa thể áp dụng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong hai năm 2020, 2021 và thời gian tổ chức quá gấp gáp (năm 2022).

Trong nỗ lực xây dựng nền tảng vững chắc hơn, VBA đã vạch ra và thực hiện nhiều chiến lược nhằm tối ưu toàn bộ chi phí tổ chức và tìm kiếm các nguồn doanh thu ổn định, lâu dài. Với cộng đồng người hâm mộ địa phương, giải đấu cố gắng thu hút sự chú ý và khuyến khích khán giả đến sân theo dõi với tinh thần giải trí, từ đó hình thành nhu cầu mua vé vào sân cổ vũ cho đội bóng địa phương hoặc đội mà họ yêu thích. Quan trọng hơn, để tận dụng thế mạnh là bộ môn được yêu thích nhất với giới trẻ dưới 18 tuổi tại các trường học, VBA sẽ tăng cường và đa dạng hóa hoạt động nhằm thu hút, tạo sự gắn kết và yêu thích lâu dài với bóng rổ của học sinh cả nước. Đây chính là lực lượng khán giả của tương lai cho hệ thống các giải thi đấu bóng rổ trong nước.

Nhìn lại chặng đường bảy năm từ thời điểm VBA được thành lập, bóng rổ Việt Nam vẫn đang trong những bước phát triển đầu tiên và thực tế, còn rất non trẻ nếu so sánh với một số cường quốc trong khu vực. Phần lớn các cầu thủ chưa thể sống hoàn toàn bằng nguồn thu nhập đến từ việc chơi thể thao, do mức lương không quá cao và thời gian thi đấu được gói gọn trong vài tháng. Rõ ràng, để tương xứng với khái niệm chuyên nghiệp, cần xác định những hướng phát triển và lộ trình cụ thể hơn nữa cho các vận động viên.

Giám đốc điều hành Câu lạc bộ Hanoi Buffaloes Hoàng Mai Anh nhận định: Đội bóng có những bước phát triển không quá nhanh nhưng thật sự chắc chắn. Điển hình như việc thành lập Học viện Bóng rổ Hà Nội là chiến lược không chỉ phục vụ yêu cầu tìm kiếm, tuyển chọn và đào tạo lứa vận động viên trẻ tài năng, mà còn là hoạt động có tính chất cộng đồng, giúp thương hiệu và hệ sinh thái Hanoi Buffaloes đi sâu hơn vào giới học đường - cơ sở để xây dựng cộng đồng người hâm mộ. Chính nền tảng huấn luyện và đào tạo theo hướng chuyên nghiệp về cả chuyên môn, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, và đặc biệt chú trọng cải thiện tâm lý thi đấu cùng ý chí vượt qua khó khăn... sẽ là hành trang cần thiết giúp mỗi cá nhân hòa nhập tốt hơn trong môi trường thể thao nhà nghề.

Bên cạnh đó, nhiều đội bóng (điển hình như Saigon Heat), đang ngày càng chú trọng hỗ trợ các cầu thủ xây dựng hình ảnh bản thân. Sự chuyên nghiệp được thể hiện từ khâu xây dựng chiến lược để nâng cao giá trị, đứng ra làm trung gian kết nối và ký kết các hợp đồng dài hạn với các thương hiệu. Nỗ lực này giúp mang lại doanh thu cho câu lạc bộ và thu nhập lớn cho vận động viên bên cạnh tiền lương thi đấu, giúp các cầu thủ phần nào ổn định cuộc sống cũng như gia tăng giá trị bản thân.

Hành trình đưa bóng rổ Việt Nam vươn mình đòi hỏi chặng đường dài, nơi mà năng lực của từng cá nhân cần được xây dựng dần dần và sự chuyên nghiệp phải đi lên từ đường cong kinh nghiệm thực tế. Khi ấy, đam mê cống hiến cùng trái bóng cam sẽ trở thành một nghề đúng nghĩa.