Những hướng đi của Kinh kịch Trung Quốc

Là loại hình nghệ thuật độc đáo, có lịch sử lâu đời, với ảnh hưởng rộng lớn ở Trung Quốc cũng như trên thế giới, Kinh kịch đã và đang được bảo tồn và phát huy các giá trị riêng; đồng thời không ngừng đổi mới, sáng tạo để thích ứng và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Những thay đổi trong cách dàn dựng đang thu hút ngày càng nhiều người trẻ tìm đến Kinh kịch.
Những thay đổi trong cách dàn dựng đang thu hút ngày càng nhiều người trẻ tìm đến Kinh kịch.

Trung Quốc, nhắc đến Kinh kịch là nhắc đến một trong những "quốc túy" - giá trị văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu của cả đất nước, được tập trung bảo tồn, phát huy, lan tỏa và quảng bá ra thế giới. Với lịch sử hơn 200 năm hình thành và phát triển, Kinh kịch là sự kết hợp hài hòa về đề tài, nội dung, tiết tấu, cách thức biểu diễn, đạo cụ... của nhiều loại hình kịch nghệ địa phương ở Trung Quốc. Trải qua tiến trình giao thoa, tiếp biến, Kinh kịch ngày nay là một tập hợp các hình thức biểu hiện nghệ thuật được chuẩn hóa trên nhiều phương diện như văn học, biểu diễn, âm nhạc và mỹ thuật sân khấu.

Nội dung biểu diễn chính của Kinh kịch là các câu chuyện, điển tích lịch sử, với hơn 1.300 vở truyền thống, trong đó có 300 đến 400 vở thường xuyên được biểu diễn. Các vai diễn trong Kinh kịch được chia làm bốn loại: Sinh, Đán, Tịnh, Sửu tương ứng với giới tính, tuổi tác, tính cách, địa vị xã hội khác nhau. Mỗi loại vai diễn đều có những hình thức biểu diễn riêng với bốn kỹ năng chính: hát, nói, diễn, đánh võ và cách hóa trang đặc biệt, nhất là khuôn mặt phản ánh tính cách của nhân vật.

Trong các loại kịch ở Trung Quốc, Kinh kịch được đánh giá là có tính đại diện và phạm vi ảnh hưởng lớn nhất, cuốn hút người xem bởi giọng điệu uyển chuyển du dương, cách thức biểu diễn tinh tế, phong phú, hóa trang đa dạng, độc đáo. Được coi là "quốc kịch", tiêu biểu cho văn hóa truyền thống Trung Hoa, nhiều yếu tố của nghệ thuật Kinh kịch đã trở thành biểu tượng, thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị Kinh kịch được coi là phương thức quan trọng để kế thừa và giáo dục văn hóa truyền thống trong xã hội Trung Quốc đương đại. Năm 2006, Kinh kịch được Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đợt đầu tiên; năm 2010, được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Một số địa phương như Cát Lâm, Tứ Xuyên đã đưa Kinh kịch vào danh mục các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu.

Để bảo tồn và kế thừa các giá trị của nghệ thuật Kinh kịch, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ như đẩy mạnh quản lý theo hướng chuyên môn hóa các kỹ năng biểu diễn Kinh kịch, hoàn thiện các kiến thức chuyên ngành để phục vụ việc giảng dạy và học tập; xây dựng các tiết mục Kinh kịch trên truyền hình, mạng xã hội để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của các nhóm người xem khác nhau; "hiện đại hóa" Kinh kịch thông qua việc đưa các yếu tố công nghệ hiện đại vào biểu diễn, đổi mới nội dung và hình thức thể hiện hướng tới giới trẻ. Đáng chú ý, các trung tâm bảo tồn di sản đã được xây dựng, gắn với việc sưu tầm, chỉnh lý tài liệu, hiện vật về Kinh kịch. Cùng với đó, nhiều dự án, công trình, nền tảng truyền bá văn hóa Kinh kịch đã được triển khai, nhằm lan tỏa các giá trị đến với công chúng trong nước và quốc tế.

Chứa đựng nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo, có giá trị cao về văn học và nghệ thuật, nhưng Kinh kịch cũng đối mặt với không ít trở ngại trong quá trình phát triển, nhất là xây dựng đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ và thu hút công chúng. Bởi lẽ, Kinh kịch sử dụng ngôn ngữ cổ trong các điển cố, điển tích; hình thức biểu diễn thiên về trừu tượng hóa, dẫn đến việc người xem khó có thể hiểu được nội dung câu chuyện nếu không tìm hiểu trước; hay việc luyện tập để trở thành một diễn viên Kinh kịch cần đầu tư thời gian, công sức rất lớn, nhưng lại thiếu "đất dụng võ", cơ hội lên sân khấu không nhiều…

Những năm gần đây, để Kinh kịch có thể "sống" được trong đời sống nghệ thuật đương đại, cơ quan quản lý văn hóa và giới nghệ thuật ở Trung Quốc đã có nhiều tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, như đưa Kinh kịch vào học đường… giúp cho ngày càng nhiều công chúng trẻ có thể hiểu được Kinh kịch, từ đó đưa nghệ thuật Kinh kịch đến gần hơn với người dân.

Theo Giáo sư, nghệ sĩ Kinh kịch Trương Nghiêu thuộc Học viện Hí kịch Trung Quốc, đối tượng cần hướng tới trong quảng bá, lan tỏa giá trị nghệ thuật Kinh kịch nói riêng, các loại kịch truyền thống nói chung chính là giới trẻ. Họ không hề từ chối văn hóa truyền thống, nhưng điều quan trọng là phải tạo ra các nền tảng, kênh kết nối giữa thanh niên, sinh viên, trí thức với Kinh kịch, để họ từ am hiểu đến yêu thích và gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Không chỉ sáng tác, dàn dựng các tác phẩm Kinh kịch mới mang hơi thở của thời đại, nhiều người trẻ ở Trung Quốc đã đầu tư công sức vào việc khai thác các giá trị riêng biệt của Kinh kịch để xây dựng những thương hiệu văn hóa. Từng làm người dẫn chương trình của kênh truyền hình Kịch thuộc Đài Truyền hình Trung ương (CCTV) Trung Quốc, chị Vương Anh Anh đã lựa chọn khởi nghiệp bằng việc xây dựng thương hiệu văn hóa Kinh kịch, đưa trang phục Kinh kịch lên sàn diễn thời trang, kết hợp âm nhạc Kinh kịch với âm nhạc phương Tây, kết hợp Kinh kịch với các loại hình nghệ thuật khác, xây dựng các "ngôi sao Kinh kịch", từ đó tạo dựng hệ sinh thái "Kinh kịch +" vừa phát huy giá trị nghệ thuật, vừa vận hành thương mại chuỗi nhà hát, cơ sở trải nghiệm, sản phẩm văn hóa, nhà hàng, địa điểm nhiếp ảnh dựa trên các yếu tố đặc sắc của Kinh kịch.

Thông qua những hướng đi sáng tạo đó, đông đảo người trẻ đã tìm đến với Kinh kịch, tỷ lệ lấp đầy sân khấu lên đến 80% với tuổi đời bình quân chưa tới 25 tuổi. Không chỉ vậy, các vở diễn Kinh kịch còn vươn ra thế giới, lưu diễn ở nhiều trung tâm điện ảnh, nghệ thuật lớn… Tại một hội thảo chuyên đề được tổ chức đầu năm 2014, các nhà nghiên cứu cũng đã bàn thảo về thực tiễn và khuynh hướng biểu diễn Kinh kịch về các đề tài nước ngoài. Đây có lẽ là một cách làm mới nhằm phát huy giá trị của Kinh kịch trong môi trường đa văn hóa, trên cơ sở tiếp thu văn hóa nước ngoài và giữ gìn nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật độc đáo này.