Những tư liệu quý, trung thực và đặc biệt
Tên cuốn sách được trích từ một câu trong ca khúc “Tiến về Hà Nội” tràn đầy cảm hứng lạc quan, hùng tráng, tự hào được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1948 giữa những ngày kháng chiến còn đang quyết liệt, gian khổ. Cảm xúc thăng hoa từ cả giai điệu và ca từ trong bài hát của người nhạc sĩ tài danh đã vượt trước thời gian để rồi hiện hữu tràn ngập trong ngày 10-10-1954 trên khắp các phố phường nội đô và cả vùng ven Hà Nội. Cuốn tư liệu ảnh chuyển tải những cảm xúc đó.
Cuốn sách “Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về” có nội dung bao quát và nhiều điểm đặc biệt. Câu chuyện được kể bằng 158 bức ảnh không bó hẹp trong thời khắc giải phóng Hà Nội mà được bắt đầu từ trước đó, từ bức tranh của họa sĩ Lê Văn Xương (1917 - 1988) vẽ bìa cho tạp chí Tia sáng, đặc san Xuân Giáp Ngọ (1954). Bức tranh có tính biểu tượng đầy ẩn ý trong điều kiện thực dân Pháp vẫn kiểm soát Hà Nội, vẽ người Anh hùng áo vải Quang Trung cưỡi ngựa, đạp lên quân thù ngã rạp, hướng về kinh thành Thăng Long với Cột cờ Hà Nội phía xa trong sương khói. Những chi tiết “không bình thường” đã được người xem hiểu và âm thầm tán thưởng: Vua Quang Trung không cưỡi voi (như thường thấy) mà cưỡi ngựa - ứng với năm Giáp Ngọ và dù thuyết minh là tranh vẽ kỷ niệm 165 năm Quang Trung đại phá quân Thanh trong mùa xuân Kỷ Dậu (1789) nhưng chi tiết “Cột cờ” lại nói rằng đó là thành Hà Nội - vì Cột cờ chỉ được xây sau này vào thời nhà Nguyễn. Và thông điệp bức tranh đưa lại cho người xem đã dần sáng tỏ: Năm Giáp Ngọ, Thăng Long sẽ được giải phóng. Câu chuyện được tuần tự kể tiếp theo: Hà Nội khi quân Pháp rút; Không khí chuẩn bị và thời khắc tiếp quản; Lễ chào cờ lịch sử. Nhưng không dừng lại ở đó mà câu chuyện ngày giải phóng còn tiếp tục và mở rộng với những hình ảnh về các chủ đề Ủy ban quốc tế; Báo chí và Sau tiếp quản.
Một điều đặc biệt khác là tác giả những bức ảnh tư liệu quý giá trong cuốn sách phần lớn là người Hà Nội “cũ”. Đó là những nhà nhiếp ảnh “tay chơi” nhưng đã khá nổi danh thời đó: Ông Nguyễn Duy Kiên - nhà nhiếp ảnh tài tử bậc thầy, ông Phan Xuân Thúy - chủ hiệu ảnh Quốc tế nổi tiếng, ông Hữu Cấy - sau này thành danh là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, ông Đoàn Ngọ ở phố Huế, ông Đặng Trần Phát - kiến trúc sư ở phố Hàng Gai, ông Trịnh Đình Tiến - con trai chủ hãng thủy tinh Thanh Đức ở phố Hàng Bồ, ông Vũ Văn Mỹ (Cự Đạt) ở phố Hàng Bông, ông Lê Sửu ở phố Hàng Đào, nhà giáo Thân Trọng Ninh - khi đó còn đang là sinh viên, nhà khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải, ông Nguyễn Văn Lâm… Những bức ảnh được họ tự đi, tự chụp khắp mọi nơi trong thời gian tiếp quản Hà Nội với cảm xúc tươi rói và tràn đầy nay đã trở thành những tư liệu vô giá. Qua thời gian, bộ sưu tập ảnh về Ngày giải phóng Thủ đô được bổ sung phong phú hơn từ những phóng viên nước ngoài (từ Life, Getty-images) hay các nhà sưu tập (Mạnh Hải). Những tư liệu mới đó cũng đã được bổ sung vào cuốn sách.
Truyền lại cảm xúc lịch sử mạnh mẽ
Hình ảnh là nguồn tư liệu để bảo tồn trung thực nhất quá khứ lịch sử và hình ảnh tư liệu cũng truyền lại cảm xúc lịch sử mạnh mẽ cho nhiều thế hệ. Tại sự kiện ra mắt cuốn sách ảnh, nhiều thế hệ tham dự đã có nhiều cung bậc cảm xúc khi được xem những hình ảnh tư liệu quý giá.
Đại tá Nguyễn Huy Du, 87 tuổi, nhà ở số 172 phố Quan Nhân (Nhân Chính, Hà Nội) xúc động nói: “Trong những năm kháng chiến gian khó, khi rời xa Thủ đô chúng tôi đã có lời thề “nhất định sẽ có ngày trở về”. Ở Điện Biên Phủ tôi là Đại đội trưởng chỉ huy pháo binh. Và khi trở về Hà Nội, lá cờ Tổ quốc đã được treo, tung bay phấp phới, hiên ngang trên đỉnh Cột cờ. Hôm nay, được tái hiện không khí của lễ thượng cờ năm đó và còn được gặp lại các đồng chí đồng đội năm xưa, tôi cảm thấy vô cùng xúc động, như được sống lại trong ngày lễ lớn của dân tộc năm 1954. Nhìn những bức ảnh trong cuốn sách, tôi như lại được thấy tận mắt những gì đã diễn ra ngày hôm ấy. Xúc động lắm, không thể kiềm chế được…”.
Cảm xúc của nhiều em học sinh lại hướng đến tương lai, với việc học môn Lịch sử. Em Nguyễn Huy Sáng, học sinh lớp 6 Trường THCS Giảng Võ nói: “Hôm nay, em được đến đây cùng ba mẹ nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô 10-10 và được xem quyển sách ảnh tư liệu “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về”. Lần đầu em được xem những bức ảnh chân thực về thời điểm lịch sử giải phóng Thủ đô, thời ông bà của em. Em rất thích được học sử như thế này”. Em Ngô Mỹ Uyên, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Phan Chu Trinh thì nói: “Con đã được học ở trường và nghe nhiều thông tin về ngày 10-10 qua lời kể của bố mẹ và các thầy, cô giáo. Nhưng đến đây thì con đã gặp được rất nhiều các bác cựu chiến binh và được nghe các câu chuyện về cuộc chiến hào hùng của dân tộc. Con thấy thích những sự kiện được tổ chức trong dịp trọng đại như thế này”.