Kỳ 1: Hơi thở di sản
Không khó để bắt gặp di sản Phật giáo trên khắp các cung đường qua tỉnh, thành phố, thị xã của Lào-đất nước thấm đẫm tinh thần tôn giáo. Tuy nhiên, Lào còn những khu phố mang dấu ấn kiến trúc, văn hoá của cuộc giao lưu từ lịch sử, đó là những đô thị, di sản thời thuộc Pháp mà hơi thở của nó còn vấn vít khắp nơi.
Những mái chùa và khu phố Pháp
Chúng tôi vào Thành cổ Quảng Trị viếng các anh hùng liệt sĩ trước khi sang nước bạn Lào. Bên bờ sông Thạch Hãn lịch sử, nâng ống kính lên, con đò máy chạy qua sông vẽ một đường sóng xao động ngang khuôn hình. Vọng lại câu thơ “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Tan buổi chiều về đò có vội/Xin đừng khuấy đục dòng trong”… Qua cửa khẩu Lao Bảo sang đất bạn, chúng tôi mang theo lòng biết ơn những tuổi hai mươi của Tổ quốc đã giữ yên bờ cõi cho những chuyến đi trong hòa bình hôm nay.
Điểm đầu tiên dừng chân là Savannakhet - thường được gọi là thành phố thiên đường (từ cái tên Savanh-Thiên đường theo tiếng Lào) với tỉnh lỵ mang tên nhà cách mạng Kaysone Phomvihane.
Nơi đây, thời kỳ thuộc địa tập trung các lớp cư dân: quan chức người Pháp, Hoa kiều, cư dân Annam (Trung kỳ) và người Lào bản xứ. Ngày nay, Savannakhet được xem là địa phương quan trọng trên trục hành lang kinh tế Đông-Tây. Một tuyến đường bộ 1.450 km, khởi từ cực tây ở thành phố cảng Mawlamyine (Myanmar) đến bang Kayin (Myanmar) nối với 7 tỉnh của Thailand rồi chạy tới Savannakhet của Lào, và qua Quảng Trị, Huế, rồi cực đông là thành phố Đà Nẵng của Việt Nam.
Khách sạn New Saensabai nằm bên dòng Mê Công vào 17 giờ 13 phút thấy hoàng hôn buông với mặt trời đỏ ối như thể ai đó đang chơi với bút lông và mầu nước. Xe bán tải trắng xếp hàng dài dưới một cái cây khẳng khiu như nét vẽ tranh thủy mặc. Khoảnh khắc đến bên dòng Mê Công trên đất Lào nhắc tôi về một trong những thôi thúc của hành trình trên đất bạn là cuốn sách “Những ngày cuối của dòng Mê Công hùng vĩ” của nhà nghiên cứu Brian Eyler.
“Khu phố Pháp (KPP) Savannakhet là một trong 5 khu phố thời Pháp thuộc tại Lào đã hình thành một hệ thống di sản (kiến trúc và đô thị) khá hoàn chỉnh và đa dạng… KPP này cũng được xây dựng tại thời điểm gắn với lịch sử hình thành và phát triển thành phố Savannakhet” - công trình luận án tiến sĩ “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc khu phố Pháp tại thành phố Savannakhet CHDCND Lào” năm 2019, tại Trường đại học Kiến trúc Hà Nội của Khamphoupht Vanivong (người Lào) đã khẳng định như vậy.
Trước khi đọc công trình này, chúng tôi tự do khám phá KPP Savannakhet. Trong đó, Viện bảo tàng lịch sử thành phố Savannakhet được xây dựng năm 1928 theo phong cách kiến trúc kết hợp Pháp - Lào. Cây bồ đề lớn trong sân bảo tàng sừng sững, dễ phải 3 người ôm. Thời tiết tuyệt đẹp và khung cảnh bình yên với một thảm lá vàng trên sân, và gió tiếp tục làm những cơn mưa lá đổ như một cảnh quay điện ảnh.
Một hiện hữu kiến trúc từ lịch sử hòa trộn với không gian đương đại mang đến quá nhiều cảm xúc. Nhưng để tiến vào vùng lõi và ký ức của di sản phải cần đến con mắt các nhà nghiên cứu. TS, KTS Lê Minh Sơn (Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng) trong một bài báo khoa học cho thấy, công trình viện bảo tàng kết hợp hài hòa giữa hệ mái nhà truyền thống Lào với các hệ cột kết cấu và chi tiết lan-can của kiến trúc tân cổ điển. Đây là kết quả về chính sách kiến trúc của Toàn quyền Albert Sarraut khi ông phản đối sự sao chép kiến trúc châu Âu tại Đông Dương mà không màng đến các yếu tố bản địa. Sau đó, các công trình xây dựng từ những năm 1921 trở đi đều phải là sự kết hợp hài hòa văn hóa Pháp - Á Đông và đặc biệt là sự thích nghi với điều kiện, thẩm mỹ địa phương. Cũng theo công bố của Lê Minh Sơn thì các hệ mái của công trình kiến trúc Lào không có ống khói lò sưởi như kiến trúc Pháp ở Việt Nam, do đặc điểm khí hậu nhiệt đới hai mùa rõ rệt (mùa khô và mùa mưa) tại Lào.
Một ấn tượng di sản không thể nào quên khác với tôi là buổi sớm tinh mơ đi qua những con phố ở Savannakhet bên bờ sông Mê Công, bắt gặp những bức vẽ rối bóng trên tường một rạp hát cũ. Thành phố lặng im như đang ngủ. Chỉ có một cụ già quét sân trước rạp. Nắng lại chiếu mở một đường sáng hình chữ A như đèn sân khấu rọi chiếu lên những bức vẽ rối bóng. Như thể các hình vẽ đang chuyển động và nơi đây luôn sẵn sàng cho một buổi biểu diễn. Không có bất cứ một thông tin nào cho chúng tôi, ngay cả khi bước vào rạp hát. Không có dấu hiệu của hoạt động. Mọi thứ giống cú dừng hình để lưu lại mãi mãi một khoảnh khắc đời sống của đô thị từng thuộc Pháp này.
![]() |
Một góc bảo tàng tỉnh Savannakhet. |
Phế tích chứa đựng tâm hồn
Buổi tối, tôi ôm máy tính chật vật mà không tìm được một thông tin nào về nhà hát, rạp chiếu phim hay đại khái cái gì đó có rối bóng ở Savannakhet. Thêm một cảm giác về tính không cột buộc và có gì đó rất “vô định” ở Lào. Không vội vàng! Đứng đó mà như không đứng đó. Như vô hình mà khiến người ta không thể quên.
Tôi đóng máy trong cảm giác không yên.
Sớm hôm sau, chúng tôi đi bộ dọc con đường ven sông Mê Công. Dòng sông trôi bình lặng và kiêu bạc. Mặt trời đang lên, bất giác nhìn sang phía bên kia đường, khu phố cổ và chợ đêm hôm qua vẫn còn say ngủ, nhưng nổi lên dòng chữ “Lao Chaleun”. Đây dường như là phế tích của một công trình nào đó ở mặt sau của khu vực nhà hát… Thật may mắn, những manh mối này dẫn tôi tới trang du lịch quốc tế, có bài viết về công trình: The Old Lao Chaleun Cinema In Savannakhet vào tháng 4/2020, tức là 4 năm trước, của Anabela Valente một independent traveller (du khách độc lập) thế hệ đầu của 7X.
Như thể một làn gió mát rượi thổi vào từ phía sông Mê Công, tôi hít một hơi dài thư thái. Bài viết của Anabela Valente khá chi tiết, trong đó có những đoạn: “Khu phố cổ Savannakhet là nơi tập trung ấn tượng của kiến trúc đầu thế kỷ XX…
Một trong những tòa nhà đã bị bỏ hoang và đang trong tình trạng xuống cấp nặng nề là Rạp chiếu phim Lào Chaleun, có lẽ được xây dựng vào những năm 1930. Những phế tích của nó, đặc biệt là mặt tiền, vẫn gợi nhớ về nơi từng là một công trình kiến trúc đẹp theo phong cách Art Deco. Bất chấp tình trạng đổ nát trầm trọng, chúng tôi vẫn tiến vào trong lòng nó, thận trọng khi đặt từng bước chân lên, vì ở một số nơi tại tầng trên, mặt sàn có vẻ như có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Điều đáng chú ý ở nhà hát này là nó dường như là khu vực trung tâm của một khu phố quanh đó… Thật không may, có vẻ như thành phố không có bất kỳ ý tưởng nào về việc bảo vệ tòa nhà di sản này. Chẳng bao lâu nữa phế tích sẽ không còn khả năng phục hồi và tất cả những gì còn lại phải làm là phá hủy nó và xóa đi một phần lịch sử của thành phố. Chúng tôi ước gì rạp chiếu phim xinh đẹp này sẽ có một niềm hy vọng khác…”.
Nơi người chiến sĩ Việt Nam hóa thân trên sóng nước
Buổi sáng cuối cùng trước khi rời thành phố, tôi lại đi qua Lao Chaleun Cinema. Bỗng dưng bấm một dòng tin cho bạn: “Tối nay, 20h ở Lao Chaleun Cinema. nhé!”.
Rời Savannakhet là tới thị xã Thakhek (tiếng Lào nghĩa là bến thuyền). Khu phố lịch sử 21/3/1946 với những công trình kiến trúc Pháp còn lưu dấu. Trong đó, tòa tháp lịch sử ở công viên kỷ niệm “Ngày toàn dân căm thù giặc Pháp” 21/3/1946 có cánh cửa vàng rực và lấp lánh vì phản chiếu ánh đèn khi Thakhek bước vào nền “kinh tế đêm”. Du khách nắm tay nhau trên con đường ẩm thực ven sông. Hàng đồ nướng khói lên náo nức, các món nhậu là sản vật địa phương: gà, cá thịt, nhái, các loại côn trùng, xúc xích kiểu Lào… xông khói. Thế nhưng, không gian bình yên suốt những con đường dọc sông Mê Công ấy lại cất giữ một câu chuyện lịch sử cảm động về tình hữu nghị Việt-Lào.
Gần 80 năm trước, dưới làn đạn giặc Pháp, ngày 21/3/1946, chiến sĩ người Việt Nam là Lê Thiệu Huy đã chiến đấu và hy sinh ngay trên con thuyền giữa dòng sông, khi lấy thân mình che chắn cho Hoàng thân Lào Suphanuvong. Con người trẻ tuổi ấy được đồng đội gửi lại Km 269 trên trục đường Ubon-Lakhon, cạnh bờ sông Khóng, một nhánh của sông Mê Công trên đất Thailand. Nhưng cuối cùng anh cũng đã hóa thân vào dòng Mê Công và theo con sông qua nhiều xứ sở khi những trận mưa lũ bên sông quãng năm 1950 cuốn trôi ngôi mộ. Cuộc đời của Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Thiệu Huy, một trí thức yêu nước trẻ tuổi, sinh ra trong một gia đình trí thức cách mạng (cha là GS Lê Thước, mẹ là hậu duệ của chí sĩ Phan Đình Phùng), thật sự lay động thế hệ sau.
Chợt nghĩ, có thể chăng, mấy chục năm qua người chiến sĩ ấy vẫn che chở cho người dân xứ sở này và người dân Việt dừng chân nơi đây.
(Còn nữa)