Anh là Hoa Đình Thức, sinh năm 1935, ở xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ. Hồi nhỏ, anh học rất giỏi và mơ thành thầy giáo. Tốt nghiệp Trường sư phạm Việt Bắc, tháng 9/1956 anh về dạy ở xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Năm 1958, anh được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường cấp I - II Đức Long. Đồng bào ở đây quý thầy giáo lắm. Năm nào không về Tết, ở lại trường, được đồng bào coi như con. Có năm về Tết 15 ngày, lên thấy khoai, sắn, bí đỏ dân mang cho để đầy ở cửa, cả mấy con gà treo trên mái là đã chết khô vì đói. Năm 1962 trở về quê hương, anh dạy học ở các Trường cấp II Yên Luật, Văn Lang rồi đảm nhiệm các chức vụ Bí thư Đoàn, Hiệu trưởng Trường cấp II Ấm Thượng; Hiệu trưởng Trường Bổ túc văn hóa cán bộ - huyện Hạ Hòa...
Anh xây dựng với chị Phẩm tôi năm 1964 - năm chị tôi 24 tuổi. Khác với chị cả “ngoan ngoãn” nghe lời mẹ lấy chồng từ năm 18 tuổi, 20 tuổi sinh con, chị Phẩm tôi hơn 20 tuổi vẫn ham làm công tác Đoàn, tham gia đội văn nghệ xã, ham phấn đấu vào Đảng... Tôi chứng kiến nhiều lần bầm rên rỉ, bắt chị bỏ ngay Đoàn đi để mà lấy chồng, kẻo ế, chị chỉ cười. Năm 1962, thầy Thức về làm Hiệu phó Trường Văn Lang, mợ Hà tôi, nhà ngay gần trường đã đứng ra mai mối cho anh lấy chị. Hồi đó tôi 10 tuổi, nghe bà mợ khen thầy Thức mà tôi đang ngồi “chầu rìa” không nén nổi, chen ngang: Bầm gả ngay chị cho thầy Thức đi!
Bố bầm tôi đồng ý cho chị Phẩm lấy anh Thức, nhưng với điều kiện: Anh phải ở rể vì nhà neo người, chị Thăng lấy anh Kiểm đã ra ở riêng từ lâu. Gia đình anh Thức đồng ý, vì nhà cụ Hoa Đình Đính rất đông con trai, bác cả Hoa Đình Hạ đã đảm nhiệm việc chăm sóc các cụ. Đám cưới anh chị Thức Phẩm tôi là đám cưới đầu tiên ở làng tổ chức theo “đời sống mới”, không ăn uống lu bù mà cưới ở hội trường ủy ban xã. Rất đông và vui. Chỉ hơi bị dài quá, vì hát nhiều đã đành, mà thầy giáo làm MC ở khâu giới thiệu tặng phẩm quá kỹ. Mặc dù thầy có cách nói hóm hỉnh, nhưng nghe mãi, sốt cả ruột.
Anh chị đã sinh ở Văn Lang 2 con, thì đùng cái năm 1967, bác Hoa Đình Hạ, vốn Tiểu đoàn trưởng chuyển ngành, được gọi tái ngũ để đi chiến trường B, làm đến Tham mưu phó sư đoàn thì hy sinh ở Quảng Trị, nên anh chị tôi phải xin phép bố bầm tôi đưa con về Vĩnh Chân, để chăm bố mẹ chồng.
Năm 1983, anh tôi xin nghỉ hưu sớm (48 tuổi). Tôi tiếc vì anh đang là hiệu trưởng có uy tín, là giáo viên dậy giỏi và rất yêu nghề . Nhưng anh bảo: thương chị cậu vất vả quá. Thương cái đoàn tàu đói quá. Người ta bảo: Tam nam bất phú, vậy mà, không những 3 mà anh chị tôi “trời cho” có 5 thằng con trai, rổ sắn bày ra, các cháu ăn một loáng đã hết. Năm đó đất nước đang ở đáy của khủng hoảng kinh tế xã hội, lương giáo viên, quân đội chưa cải cách như bây giờ, đang ở cái thời: “đầu đường đại tá bơm xe/giữa đường trung tá bán chè đỗ đen...” nên anh tôi phải bỏ nghề dạy học về đi quăng câu bắt cá khắp đồng Công, đồng Vĩnh để nuôi con.
Về hưu nửa non, nửa già, vẫn nhớ nghề, anh rể tôi là người khởi xướng, động viên dân cư tại xóm Dốc Nai thành lập hội khuyến học. Để động viên học sinh trong xóm nỗ lực học tập, anh đã mở nhiều lớp dạy Toán miễn phí cho các cháu học sinh của xóm. Ngoài ra anh tích cực vận động mọi người thành lập tổ liên gia với tiêu chí thật đơn giản: Đoàn kết giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Anh còn vận động người dân trong xóm chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước… nên khu dân cư nơi anh chị tôi cư trú là điểm sáng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” của xã Vĩnh Chân.
Mang bệnh trọng trong người đã lâu, đáng lẽ ở tuổi nghỉ hưu, nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già nhưng anh vẫn cố gắng truyền đạt các kiến thức môn Toán cho các thế hệ học sinh trong xóm. Hơn 30 năm nghỉ hưu tại quê nhà, nhiều thế hệ học trò được học các lớp miễn phí của thầy Thức giờ đã trưởng thành, có cháu đạt giải cao trong kỳ thi Olympic Toán của tỉnh. Nhiều cháu giữ cương vị cao vẫn luôn nhớ về người thầy giáo dáng nhỏ bé tận tụy giảng cho lũ học trò cấp 1, 2 hiểu được các công thức toán học.
*
Anh Nguyễn Ngọc Kiểm sinh năm 1937. Hai lần đi bộ đội. Năm 1958, anh là lớp lính nghĩa vụ đầu tiên. Anh được huấn luyện trinh sát pháo binh. Ba năm xuất ngũ với quân hàm Hạ sĩ.
Năm 1968, anh được gọi tái ngũ, năm ấy anh đã 30 tuổi, anh chị đã có 5 cháu. Với cái vốn hạ sĩ quan hồi lính nghĩa vụ, anh được giao huấn luyện quân đi B. Cứ từ 3 đến 5 tháng, đơn vị huấn luyện của anh ở Thái Nguyên đưa một đợt tân binh giao cho chiến trường. Ở hậu phương huấn luyện quân 2 năm, đầu năm 1970, anh làm đơn tình nguyện đi chiến đấu. Mấy ông chỉ huy thương anh lính lớn tuổi, động viên: Đồng chí đông con, đang làm khung huấn luyện tốt, không phải làm đơn tình nguyện. Anh không chịu, làm đơn đến lần thứ 3. Lần này cấp trên giao cho anh đưa quân vào Tây Nguyên và ở lại đơn vị chiến đấu.
Năm 1969, từ ngoài bắc, anh đã được phong hàm Trung sĩ. Năm 1970, đưa quân đi B với chức vụ Trung đội trưởng. Về đơn vị chiến đấu, ban đầu sợ anh chưa quen chỉ huy thực tế chiến trường, nên đơn vị xếp anh làm Trung đội phó. Qua 2 trận đánh, người ta lại đưa anh lên Trung đội trưởng. Có quyết định phong quân hàm hẳn hoi: Cấp bậc Trung đội bậc trưởng (tức Chuẩn úy), vượt một cấp bỏ qua Thượng sĩ.
Một ngày đầu năm 1971, đồng chí đại đội trưởng pháo binh cùng anh dẫn 2 khẩu đội cối 82 đi pháo kích cứ điểm địch ở Kon Tum, trên quốc lộ 14. Với kinh nghiệm đào tạo bài bản pháo binh từ hồi lính nghĩa vụ, anh trực tiếp lấy phần tử và chỉ huy bắn. Ngay loạt đạn đầu, 2 khẩu cối của trung đội anh đã nã trúng căn cứ địch, đồng thời bắn trúng cả đoàn xe địch đang đỗ ở cổng đồn. Song địch phản pháo rất nhanh và chính xác bởi đã lấy phần tử sẵn mọi tọa độ chung quanh căn cứ. Hai khẩu đội của anh chưa bắn hết 5 loạt để di chuyển, thì đã bị pháo cối địch khắp nơi dội tới. Bản thân anh tôi bị một miếng pháo gọt gọn 3 ngón chân và bị mảnh nhỏ khắp người. Vậy mà, anh vẫn cố bò đi kiểm tra từng khẩu đội. Tất cả đã hy sinh, riêng đồng chí đại đội trưởng bị gãy chân. Anh tôi tự băng bó cho mình, cho đại đội trưởng rồi cố giấu nòng pháo, sau đó vừa dìu, vừa lôi đồng chí đại đội trưởng rút khỏi trận địa. Lần mò trong rừng suốt đêm, may sáng hôm sau gặp các đồng đội từ phía sau lên tìm, khiêng cáng cả hai người về Trạm phẫu.
Bị thương như thế nên cuối năm 1971, anh tôi được đi bắc, được xếp hạng thương binh và được trao Huân chương Chiến công. Thời gian anh tôi bị thương rồi được cho ra bắc, tự nhiên con gà nhà chị tôi gáy giữa ban ngày. Quê tôi gọi là gà gáy dở. Mẹ tôi sợ, đi hỏi cụ Côn Điếm. Cụ ung dung reo quẻ, bấm đốt tay tính toán, rồi nói: “Quẻ này điềm lành, tôi nghĩ bác ấy sắp được về”. Cả nhả tôi mừng, nhưng vẫn bán tín, bán nghi chẳng dám khoe với ai.
Căn cứ giấy chuyển viện là Trung đội bậc trưởng, đường dây giao liên đưa anh tôi về Đoàn 235 Vĩnh Phú an dưỡng và khám để xếp hạng thương tật. Được một tháng, Ban cán bộ yêu cầu anh nộp quyết định phong quân hàm. Anh chẳng có, vì từ khi bị thương anh không về đơn vị cũ, quân trang và các giấy tờ riêng mất hết, đơn vị chỉ làm giấy chuyển sinh hoạt Đảng cho anh. Không có giấy tờ chứng minh là sĩ quan, vì người ta không công nhận cấp bậc ghi trên giấy chuyển viện - anh chuyển về Đoàn 232, là đoàn an dưỡng dành cho chiến sĩ. Anh vui vẻ chẳng thắc mắc gì.
*
Tháng 11/1972, tôi về phép để đi B. Vừa lúc anh được phục viên. Anh và em Đàm lai tôi về tận thị xã Phú Thọ để trả phép. Anh về, tôi yên tâm đi chiến đấu, vì tin có anh chị ở nhà, thay tôi việc chăm lo bố mẹ. Khi tiễn tôi, anh tặng tôi chiếc hộp đựng thuốc đánh răng anh tự chế từ hộp liều phóng đạn. Tôi giữ chiếc hộp này suốt 3 năm ở chiến trường, vừa là kỷ niệm của anh, vừa như “chiếc bùa” may mắn.
Anh về, chị có thêm cháu thứ 6. Đông con, nheo nhóc nên anh cảm ơn Huyện ủy Hạ Hòa, không nhận chức cán bộ Ban Tổ chức huyện ủy. Thời ấy, đảng viên như anh từ chiến trường trở về, quý lắm, nên dù anh không muốn, xã vẫn cứ khoác việc vào vai anh. Thế là cho đến năm nghỉ hưu, anh phải lần lượt đảm nhiệm đủ chức vụ: Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán, Ủy viên Thư ký Ủy ban, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng công an xã… Nhưng như tôi biết, trong bấy nhiêu chức, điều làm anh tâm đắc nhất là khi làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp toàn xã, anh đã kiên quyết huy động mọi nguồn lực để đắp bằng được con đập thủy lợi, bảo đảm nguồn nước tưới, tiêu dồi dào cho mấy trăm mẫu ruộng 3 vụ của xã.
Bao tháng năm, có anh chị và các cháu ở nhà, mỗi lần vợ chồng, con cái tôi về quê, vẫn thấy ấm lòng như còn bố mẹ.