Được khai mạc tại lầu Kiến Trung, một công trình kiến trúc tuyệt đẹp bên trong Hoàng cung Huế, mượn tứ thơ “Dừng chân đứng lại trời non nước/Một mảnh tình riêng ta với ta” của Bà Huyện Thanh Quan để đặt cho tên triển lãm là “Trời, non, nước”, ở đó, người xem đắm chìm trong bữa tiệc nghệ thuật với hành trình ngược dòng lịch sử kể về câu chuyện trắc trở, nỗi nhớ quê hương da diết và tình yêu thiên nhiên của vị vua nước Việt vì thời cuộc mà bị lưu đày.
Trong không gian tầng 2 của lầu Kiến Trung, 21 tác phẩm của vị vua lần đầu tiên được trở về cố hương theo cách riêng. Người xem bắt gặp được câu chuyện qua tác phẩm “Vue de la résidence d’El Biar” (Quang cảnh dinh thự ở El Biar) khắc họa nơi ông từng sống tại Alger, hay như “Phong cảnh với cây bách” (Menthon-Saint-Bernard) (1906) là hình ảnh một vùng quê nước Pháp, nơi ông tìm đến trong những chuyến du ngoạn với nỗi nhớ quê nhà… Ban tổ chức triển lãm nhận định, tranh Hàm Nghi là sự kết hợp độc đáo giữa tài năng mỹ thuật và tình yêu đất nước, nơi ông gửi gắm nỗi nhớ quê hương và ẩn chứa cả sự phản kháng ngầm trước những áp bức trong thời gian bị lưu đày.
Triển lãm như lời tri ân sâu lắng gửi đến vị vua bị lưu đày nhưng không lạc mất hồn quê. TS Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của Vua Hàm Nghi chia sẻ, 21 bức tranh khi xâu chuỗi lại cho thấy đức vua là một nghệ sĩ thực thụ. Khi còn sống, ngài tránh không công khai rộng rãi về thực hành nghệ thuật của mình, tuy vậy luôn được những bằng hữu đương thời, các nghệ sĩ Pháp công nhận và chào đón vào cộng đồng. Có thể nói, Hàm Nghi là người đã thành công trong việc kế thừa kỹ thuật hàn lâm phương Tây mà vẫn xây dựng được bản sắc độc đáo riêng.