Tôi cũng xem như yên tâm, tính im lặng rời khỏi cuộc trò chuyện. Cuối cùng nghĩ sao, tôi bấm thả tim vào tin nhắn cuối cùng của em ấy. Bởi tôi chợt nhớ rằng, nếu tôi không nói năng gì, em có thể suy đoán là tôi bực mình, tôi sẽ đánh giá xấu cho trang của em, từ nay em mất khách… Những lăn tăn ấy sẽ khiến cho cuộc sống của em thêm một phần nặng nề áp lực.
Mà tôi thì có mất gì đâu một cái thả tim…
Mới đây, chỉ vì bất đồng khi phối hợp, một em sinh viên thực tập gửi cho tôi vài tin nhắn ngang ngược, cùng thái độ khá gay gắt. Vừa đọc tôi vừa giận run tay, lập tức nghĩ đến việc sẽ trả em về cho giáo viên phụ trách, để em tự chịu trách nhiệm với những gì mình đã gây ra. Nhưng rồi tôi khựng lại khi nhớ ra, em ấy chỉ hơn con gái tôi vài tuổi. Em dĩ nhiên chưa hiểu sự đời, chưa nếm trải hết những khắc nghiệt của cuộc sống. Vậy thì tại sao tôi lại phải hơn thua với một người còn non nớt dại dột?
Tôi từng nghe bạn mình kể về trưởng nhóm của cô ấy - một người thường bất chợt nổi cáu, hay mắng mỏ cả phòng, chẳng cần biết là đầu tuần hay giờ cơm trưa. Bạn tôi thở dài rồi kết luận: “Hẳn là anh ấy đã phải sống khổ sở chịu đựng lắm, nên mới phát tiết ra như vậy”. Câu nói ấy làm tôi suy nghĩ mãi.
Tới một độ tuổi nào đó, người ta dễ nổi giận với đời. Dễ bực bội vì một câu nói thiếu cân nhắc, hay cảm thấy mình bị tổn thương bởi vài lời vô tình. Đoạn đường đã qua hẳn bạn cũng như tôi, từng bị khách hàng phàn nàn, gặp hàng xóm khó tính, bị sếp chỉnh sửa tới lui mỏi mòn, từng có những ngày áp lực đến mức muốn bỏ hết tất cả mà rời đi… Đại khái thế. Thì bạn bắt đầu có hai lựa chọn: Hoặc là giữ lại những uất ức ấy và trút lên người khác. Hoặc học cách hiểu đời, hiểu người, để mà bao dung hơn.
Tôi cố gắng tập chọn cách thứ hai. Nào có phải ai cũng muốn trở thành một người dễ cáu gắt, khó chịu với đời? Hay là vì những nỗi lo âu đè nặng, những khó khăn chồng chất, mà người ta quên mất cách dịu dàng với nhau?
Tôi nghĩ về mấy lần mình trên phố, thấy một thiếu niên phóng ẩu, suýt tông vào xe mình. Phản xạ đầu tiên là muốn quát mắng cho vơi đỡ sợ hãi. Nhưng rồi tôi lại nhớ đến con mình, cũng đang ở tuổi đó, cũng có những dịp vụng về, lơ đãng. Nếu tôi mở lòng bỏ qua cho một người xa lạ, thì biết đâu ngoài kia, sẽ có người kiên nhẫn với con tôi như vậy. Cuộc đời này, nếu mỗi người chịu lùi một bước, chịu nhìn nhau bằng ánh mắt bao dung hơn một chút, thì có lẽ mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Tôi gọi cho em sinh viên để trao đổi thêm, hy vọng em hiểu vấn đề và nhận ra sự cố chấp và vô lễ của mình. Đêm đó, em nhắn tin xin lỗi. Tôi chỉ đáp: “Sau này ra đời, sẽ còn rất nhiều chuyện khiến em cần bình tĩnh và kiên nhẫn hơn. Chị không để bụng đâu”. Khi gửi tin nhắn đó, lòng tôi bỗng nhẹ hẳn. Nếu như chiều nay tôi quyết trả em về, có thể em sẽ phải bị rớt học kỳ thực tập, ba mẹ em càng thêm gánh nặng. Tôi sẽ trút được nỗi tức giận lúc đó, nhưng thâm tâm không khỏi day dứt.
Người ta bảo, bàn tay cầm hoa thì cũng sẽ được vương vít thơm lây. Thay vì nắm giữ những tổn thương, ta có thể chọn cách bỏ qua để lòng mình bình yên hơn.