Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả cuốn “Đảo chìm” nổi tiếng, người ra công tác tại Trường Sa từ những năm 1975-1976, khi đất nước vừa thống nhất, đã phải cảm thán rằng hoàn cảnh sống ở đây vô cùng khắc nghiệt, gian khổ: “Không giống như các đảo khác, ở Trường Sa không hề có nước ngọt, cũng chẳng có đất, cát ở đây chủ yếu là do đá san hô tan ra tạo thành nên vô cùng mặn và sắc, nếu không đi giày sẽ bị tứa máu ở gót chân”. Khó khăn, vất vả là thế nhưng những chiến sĩ tại đây chưa từng một ngày từ bỏ nhiệm vụ Tổ quốc giao phó, qua lời kể của nhà thơ, những người chiến sĩ ở đây đã coi cá mập là những người bạn, người chiến hữu đồng hành với nỗi cô đơn.
Trong ký ức của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (tạp chí Văn nghệ quân đội), những người lính Trường Sa hiện lên với hình ảnh vai trần, chân đất, mang từng bao đất, từng cân xi-măng, từng vật liệu nhỏ để từng chút một bồi đắp nên Tổ quốc. Đối với anh, nước ở Trường Sa mặn hơn, không chỉ bởi vị biển, mà còn vì nước mắt của những người đã từng đặt chân đến, từng yêu, từng đau đáu trăn trở về mảnh đất này. Nhưng giữa những gian truân, Trường Sa trong mắt nhà văn vẫn hiện lên đẹp đến nao lòng: “Cá bay trên mặt biển như chim, cá heo tung mình chào đoàn, những vây cá lấp lánh xa xa tựa cánh buồm căng gió. Trong sắc xanh thẳm của biển, muôn vàn gam màu hiện lên, đơn điệu mà kỳ vĩ, lặng lẽ mà vô cùng bao la. Ở biển một ngày có thể cảm nhận 360 sắc độ trong các sắc xanh khác nhau. Biển vừa nguy hiểm và cũng thật bí ẩn”.
Nhà báo Mỹ Trà (VOV) chia sẻ về suy nghĩ làm nghề: “Tôi luôn nghĩ mình là người phụ nữ nhỏ bé nên sẽ tìm công việc dễ một chút và mình cũng sẽ mơ những ước mơ nhỏ. Nhưng trong buổi công tác đầu tiên tôi gặp được một nhà báo nổi tiếng chia sẻ về chuyến đi Trường Sa, nghe kể khiến tôi nhen nhóm một ước mơ Trường Sa, nhưng sau đó cũng dập tắt ngay vì nó quá vất vả”.
Nhưng những ước mơ về chuyến đi Trường Sa trong lòng nữ nhà báo chưa từng nguôi. Chị đã viết rất nhiều bài báo về Trường Sa và ngày chị được gọi đi Trường Sa cũng đã đến. Con đường đến được Trường Sa vô cùng vất vả, từ đất liền ra đảo phải mất đến hai ngày, cùng với đó là nỗi sợ say xe, say tàu: “Ngày lên đường phải hoãn vì bão, ngoài khơi sóng đánh trắng bờ cảng, không thể cập bến. Ai cũng mang nỗi sợ say sóng, sợ không đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ”, chị Mỹ Trà nhớ lại.
Ra đến Trường Sa, nữ nhà báo chụp hàng trăm bức ảnh, bất chấp say sóng đến mức ngất lịm. Chị đã leo lên cột cao giữa những con sóng chòng chành để ghi lại hình ảnh chân thực: “Đây không chỉ là chuyến đi cá nhân, mà là nhiệm vụ để lan tỏa câu chuyện Trường Sa”. Vì thế mà chị đã có thêm sự can đảm để hoàn thành bộ ảnh.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã bày tỏ sự thán phục: “Để chụp được tấm ảnh như này phải trèo lên rất cao, nếu không may rơi xuống biển… Nước chảy rất xiết về nhiều hướng khác nhau, sóng cũng rất dữ dội…”.
Các diễn giả đã gửi gắm nhiều thông điệp đến thế hệ tương lai, thế hệ toàn cầu với mong muốn lan tỏa tinh thần Trường Sa đến với bạn bè thế giới. Theo đó, Trường Sa không chỉ là một vùng biển xa xôi, mà còn là nơi chứa đựng những câu chuyện đáng nhớ, những hy sinh thầm lặng để bảo vệ chủ quyền đất nước.