Nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội)
![]() |
“Cảm xúc chân thật với lịch sử”
Các nhạc sĩ tiền bối như Văn Cao, Hoàng Vân, Trịnh Công Sơn… đã để lại một kho tàng âm nhạc vô giá, đặc biệt trong dòng nhạc cách mạng, trữ tình yêu nước. Điều tôi học được từ họ là sự chân thành trong cảm xúc, sự sâu sắc trong ca từ và giai điệu. Như nhạc sĩ Hoàng Vân với “Hò kéo pháo”, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu với “Bài ca không quên”… Tất cả đều phản ánh chân thực tinh thần của dân tộc qua từng giai điệu. Khi viết về người lính, quê hương, đất nước, tôi luôn muốn giữ được tinh thần ấy - viết bằng sự rung động thật sự của chính mình, để ca khúc không chỉ là lời hát mà còn là tâm hồn, là câu chuyện của những con người đã đi qua năm tháng hào hùng của lịch sử.
Trong thời đại bùng nổ thông tin và sự đa dạng của thị hiếu âm nhạc, để những sáng tác về đề tài cách mạng chạm đến trái tim công chúng, theo tôi, cần làm mới phong cách âm nhạc. Các ca khúc cách mạng không nhất thiết phải gắn liền với những giai điệu, hòa thanh quen thuộc của quá khứ. Kết hợp các thể loại âm nhạc hiện đại như pop, rock, rap, hoặc thậm chí là electronic, world music có thể giúp những ca khúc này đến gần hơn với khán giả trẻ mà vẫn giữ được tinh thần hào hùng. Thứ hai, những ca khúc cách mạng thế hệ trước mang đậm tính hùng tráng, nhưng thế hệ hôm nay cần một cách kể chuyện mới - một cách tiếp cận đời thường hơn, đi vào chiều sâu cảm xúc cá nhân, từ góc nhìn của những con người bình dị. Khi người nghe cảm nhận được câu chuyện của chính mình trong bài hát, họ sẽ dễ đồng cảm hơn. Thứ ba, ứng dụng công nghệ và truyền thông. Việc đưa âm nhạc cách mạng đến gần hơn với khán giả cần tận dụng nền tảng số như YouTube, TikTok, Spotify… bằng cách thực hiện các MV sáng tạo, series kể chuyện qua âm nhạc, hoặc những chiến dịch lan tỏa ý nghĩa lịch sử thông qua các bài hát.
Nhưng dù cách thể hiện có thay đổi thế nào, điều quan trọng nhất vẫn là cảm xúc chân thật. Khi người sáng tác thật sự rung động với đề tài này, khi họ kể một câu chuyện từ trái tim, khán giả sẽ cảm nhận được và đồng điệu với ca khúc.
Ca sĩ Hà Quỳnh Như (sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam):
![]() |
“Bền bỉ theo con đường khó”
Tôi là một ca sĩ trẻ đang theo đuổi dòng âm nhạc dân gian, những bài hát cách mạng, bài hát về quê hương, đất nước. Trước khi muốn mọi người có thể nghe được và yêu được dòng nhạc này thì trước tiên bản thân mình phải là một người yêu, say mê và đau đáu với nghệ thuật truyền thống. Trong quá trình theo đuổi, tôi luôn tìm tòi những bài hát hay, ý nghĩa, rồi làm mới lại bài hát đó để gửi tới đông đảo quý vị khán giả. Tôi cũng phải đọc và hiểu rõ nội dung cũng như ý nghĩa của bài hát, để thể hiện một cách cảm xúc nhất.
Trong thực tế hiện nay, lượng khán giả nghe dòng âm nhạc truyền thống chủ yếu là người trung tuổi và lớn tuổi, còn thế hệ trẻ thì khá ít người quan tâm. Bởi thế, trong tôi đau đáu tìm cách để mình có thể làm mới hơn nữa, giúp nhiều bạn trẻ biết đến hơn nữa về dòng nhạc truyền thống, âm nhạc cách mạng. Mấy năm qua, tôi tham gia nhiều chương trình, trong đó có cả chương trình ở nước ngoài, được kết hợp cùng một số ca sĩ, nghệ sĩ đã thành danh. Mỗi chương trình tôi đều làm tốt nhất có thể. Đó là những cơ hội để tôi lan tỏa, tôn bồi tình yêu quê hương, đất nước.
Tôi đã từng nghĩ rằng mình phải làm giống theo cách của người này, người kia, nhưng cốt lõi vẫn là bản thân mình phải tìm được con đường đi riêng. Nhiều đàn anh, đàn chị đi trước đã rất thành công, đó cũng là điều tôi phải học và tạo động lực phát triển bản thân hơn nữa.
Họa sĩ Nguyễn Duy Quang (Tạp chí Văn nghệ quân đội)
![]() |
“Khuyến khích họa sĩ trẻ đọc về đề tài chiến tranh”
Tôi chịu trách nhiệm mỹ thuật của Văn nghệ Quân đội, là cầu nối giữa tạp chí với các họa sĩ minh họa. Để các họa sĩ minh họa chuyển tải được tinh thần của tác phẩm, trước tiên, tôi luôn gửi tác phẩm để họa sĩ đọc kỹ và cảm nhận đúng tinh thần, nội dung mà tác giả muốn truyền tải. Bên cạnh đó, sau một quá trình dài công tác chuyên môn, tôi cũng đã nắm rõ phong cách minh họa của từng họa sĩ. Có họa sĩ mạnh về mảng lịch sử, có người giỏi thể hiện tinh thần quân sự, chiến đấu, và cũng có những họa sĩ diễn tả tốt các chủ đề về cuộc sống đời thường. Từ đó, tôi phân loại tác phẩm để chọn họa sĩ thích hợp, nhằm bảo đảm minh họa không chỉ đẹp mắt mà còn đúng tinh thần và nội dung của tác phẩm.
Việc kết hợp hài hòa giữa tinh thần văn học và sức mạnh hình ảnh minh họa sẽ giúp người đọc dễ dàng hình dung và cảm nhận câu chuyện, đồng thời tạo sự hấp dẫn và lôi cuốn ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Hiện nay, đội ngũ họa sĩ cộng tác minh họa của Văn nghệ Quân đội không chỉ gồm những họa sĩ lão thành, có tên tuổi và kinh nghiệm lâu năm mà còn được bổ sung thêm những nhân tố mới với phong cách hiện đại. Điều này giúp làm phong phú diện mạo của tạp chí. Để khuyến khích họa sĩ trẻ, tôi thường khích lệ các bạn đọc nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh, từ đó tham khảo và học hỏi thêm những kinh nghiệm quý báu từ các họa sĩ đi trước, những người đã dày dặn kinh nghiệm trong việc thể hiện hình ảnh người lính và chiến tranh cách mạng.
Nhà văn Hồ Kiên Giang (Báo Quân khu 9):
![]() |
“Người lính vẫn chờ tác phẩm viết về mình”
Tôi đang sinh sống và làm việc ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có thể thấy, đội ngũ những người sáng tác văn học mặc áo lính trong lực lượng vũ trang Quân khu 9 càng về sau càng thiếu vắng. Có nhiều nguyên nhân nhưng điều dễ nhận thấy là do yêu cầu nhiệm vụ, do cuộc sống gia đình nên họ ít có thời gian tập trung sáng tác. Mặt khác, môi trường làm việc ít có điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm văn chương, thiếu chất xúc tác để người có khả năng hoặc đã từng sáng tác nuôi giữ nhiệt huyết.
Thực tế, trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ ngày đêm miệt mài trên thao trường với những bài huấn luyện nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu; vẫn chắc tay súng bảo vệ biên giới, biển đảo bình yên; vẫn sát cánh với nhân dân phòng chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo; vẫn đấu tranh với bản thân trước những cám dỗ nơi đô thị... Họ rất cần và luôn sẵn sàng tiếp đón các nhà văn tìm đến chia sẻ để mọi người thấu hiểu hơn nhiệm vụ của người lính hôm nay. Và họ luôn hy vọng được đọc những tác phẩm văn chương xúc động viết về họ, vì họ.