Nghe người điếc kể chuyện bằng phim

Hai tác phẩm điện ảnh trong dự án “Nghe bằng mắt, nói bằng phim” do những người điếc thực hiện vừa được trình chiếu tối 25/3 tại Hà Nội đã khắc họa một bức tranh sống động về quá trình vượt qua rào cản, khẳng định giá trị bản thân và khám phá sức mạnh của nghệ thuật.
0:00 / 0:00
0:00
Một cảnh trong phim “Khoảng lặng yêu thương”.
Một cảnh trong phim “Khoảng lặng yêu thương”.

1/Được Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh TPD phối hợp cùng nhóm “Nghe bằng mắt” phát động, dự án là thành quả của chương trình “Kêu gọi đề xuất ý tưởng: Nghệ thuật bao hàm” do Goethe-Institut Hà Nội tổ chức. Với mục tiêu sử dụng nghệ thuật điện ảnh như một “ngôn ngữ chung”, dự án hướng tới việc mở rộng cánh cửa tiếp cận nghệ thuật cho cộng đồng người điếc, từ đó giúp họ kể lại những câu chuyện đời thường, những trải nghiệm cá nhân và chia sẻ niềm tin vào cuộc sống.

Dự án được triển khai trong khoảng thời gian từ tháng 10/2024 đến tháng 3/2025 với 3 mảng hoạt động chính gồm: Đào tạo làm phim cho người điếc; Trình chiếu phim; Giao lưu với nghệ sĩ nổi tiếng cùng các buổi trao đổi, thảo luận về điện ảnh dành cho người điếc và người nghe quan tâm tới cộng đồng. Chị Ngọc Anh, đại diện cho nhóm “Nghe bằng mắt” của cộng đồng người điếc cho biết, trong bối cảnh nghệ thuật luôn được xem là cầu nối của tâm hồn và cảm xúc, dự án “Nghe bằng mắt, nói bằng phim” đã và đang mở ra một chương mới đầy nhiệt huyết, nơi mà cộng đồng người điếc được trao cơ hội thể hiện tài năng qua ngôn ngữ hình ảnh.

Nhờ dự án “Nghe bằng mắt, nói bằng phim”, những tài năng ẩn giấu trong cộng đồng người điếc sẽ có cơ hội trải nghiệm một môi trường học tập bài bản, được hướng dẫn bởi các chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh, và từ đó tạo ra những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân.

Nghe người điếc kể chuyện bằng phim ảnh 1

Các học viên nhận chứng chỉ tốt nghiệp về sản xuất phim tại buổi tổng kết dự án.

2/Tại buổi tổng kết dự án, rạp Lotte Cinema kín chỗ, hành lang lên xuống cũng được lấp đầy bởi đông đảo khán giả từ cộng đồng người điếc và người bình thường. Hai bộ phim ngắn được trình chiếu “Đầu gấu bông” và “Khoảng lặng yêu thương” đã gây xúc động mạnh cho khán giả bằng những câu chuyện đậm chất nhân văn qua lăng kính của người điếc. Khi màn hình chạy những dòng chữ cuối cùng, cả rạp vẫn lặng im, nhưng có hàng trăm cánh tay cùng giơ lên vẫy thay cho tiếng vỗ tay. Đó là sự tán dương, thán phục và đồng cảm của tất cả mọi người dành cho những nhà làm phim điếc, những người rất trẻ.

Ông Nguyễn Tuấn Linh, Chủ tịch Chi hội người điếc Hà Nội, Trưởng ban Vận động Hội người điếc Việt Nam đã chia sẻ cảm nhận của mình về những tác phẩm được trình chiếu. Các bộ phim là thông điệp về gia đình, sự đoàn kết và lòng kiên cường. Và tôi thấy mình trong đó, những tình huống trong phim rất chính xác với những tình huống của cuộc sống mà tôi đã từng trải qua. Sự hòa nhập của gia đình hay tình cảm gắn kết giữa bố mẹ và con cái trong bộ phim “Khoảng lặng yêu thương” không chỉ chạm đến trái tim của khán giả mà còn khơi dậy niềm tin rằng, bất kỳ ai, kể cả người khiếm thính, cũng có thể làm nên điều kỳ diệu. Đây là bước ngoặt quan trọng để chúng ta nhận ra rằng, nghệ thuật không biên giới, không ranh giới giữa người nghe và người không nghe.

Qua dự án, cộng đồng người điếc không chỉ được học hỏi và thực hành nghệ thuật mà còn có cơ hội để giao lưu, trao đổi và truyền cảm hứng cho nhau. Điều đó được thể hiện rõ qua những lời chia sẻ bằng ngôn ngữ ký hiệu từ Ngô Anh Dũng đạo diễn bộ phim “Khoảng lặng yêu thương” sau buổi công chiếu: Khi nhận được thông tin về dự án và quyết định tham gia, trở thành học viên chính thức, em cảm thấy rất vui và được học hỏi nhiều điều mới mẻ. Trong quá trình học tập, em hiểu được các vai trò trong làm phim, như thế nào là đạo diễn, ký hiệu của đạo diễn là gì. Em cảm thấy hứng thú và muốn thử sức với vai trò đạo diễn.

Bước ra từ phòng chiếu, Linh, cô sinh viên đến từ Đà Nẵng hiện đang học Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương bày tỏ về cảm xúc của mình: Tôi cũng là người điếc, bộ phim đã khiến tôi xúc động mạnh. Trước đây, tôi cũng đã từng gặp những khó khăn, trở ngại như vậy, những hoàn cảnh giống như các bạn trong bộ phim và tôi đã vượt qua được. Tôi mong có thêm nhiều bộ phim như thế này, những tác phẩm để nhiều người có thể đồng cảm và chia sẻ được cảm xúc của nhân vật, từ đó đồng hành với những hoàn cảnh bên ngoài như chúng tôi.

Chia sẻ với phóng viên, ông Oliver Brandt, Viện trưởng Goethe Hà Nội đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nghệ thuật bao hàm trong việc thúc đẩy sự phát triển của văn hóa và cộng đồng. Đội ngũ của Trung tâm TPD và Viện chúng tôi có cùng một quan điểm, đó chính là tiềm năng của nghệ thuật bao hàm. Chúng ta cần nhiều hơn những bộ phim về người khuyết tật. Cũng như rất nhiều bộ phim được làm bởi những người khuyết tật để từ đó khám phá những câu chuyện và được truyền cảm hứng từ chính các bạn. Tôi rất thích câu chuyện của ngày hôm nay, những tác phẩm đi sâu vào các mối quan hệ gia đình và khắc họa sức mạnh của văn hóa, của nghệ thuật. Tôi mong rằng, qua dự án này, cộng đồng người điếc sẽ tiếp tục phát triển và khẳng định vị thế của mình trong ngành nghệ thuật.

Linh Trang (Trung tâm TPD), người hỗ trợ dự án cho biết: Khi lần đầu tiên tham gia buổi học lý thuyết về điện ảnh, các bạn chưa hiểu rõ lắm. Nhưng đến những ngày cuối cùng, các bạn đã chủ động cầm máy quay và làm được tất cả mọi thứ, tôi rất ngạc nhiên và bất ngờ khi thấy sự tự tin đó. Tôi cũng biết rằng ở ngoài kia, đã có những nhà làm phim điếc sản xuất được các bộ phim đạt nhiều giải thưởng. Điều này càng làm tôi muốn những người điếc ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để thực hiện nhiều bộ phim cũng như các hoạt động nghệ thuật hơn nữa. Thế giới của mọi người điếc rất đa dạng và sống động và không ai có thể kể hết câu chuyện của người điếc hay bằng họ cả.