Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Câu hỏi cho bảo tồn Văn bia Ma nhai

Đà Nẵng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới cho Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Trước đó, năm 2022, Văn bia Ma nhai tại Ngũ Hành Sơn đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tìm hiểu về di sản tư liệu Văn bia Ma nhai tại Ngũ Hành Sơn.
Du khách tìm hiểu về di sản tư liệu Văn bia Ma nhai tại Ngũ Hành Sơn.

Kho tàng thư pháp trên vách núi

Ngũ Hành Sơn là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Đại Việt trên đường Nam tiến của dân tộc, với sự hình thành những ngôi quốc tự nổi tiếng: Tam Thai, Linh Ứng và lưu dấu bước chân hành hóa của bao bậc cao tăng đạo hạnh trong nhiều thế kỷ. Hình bóng Phật giáo trong Văn bia Ma nhai tại Ngũ Hành Sơn rất rõ nét. Những di sản tư liệu này đã trở thành nguồn sử liệu quý về Phật giáo ở vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Văn bia Ma nhai tại Ngũ Hành Sơn gồm 78 văn bản Hán Nôm được khắc trên vách đá và hang động bởi các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học khác nhau, đây là nguồn di sản quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm với các giá trị về lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục.

Ngày 17/3 vừa qua, Sở Văn hóa, thể thao thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học: “Ảnh hưởng của Phật giáo trong di sản tư liệu Văn bia Ma Nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng”, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, phục vụ cho việc hoạch định các chính sách, xây dựng đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Văn bia Ma nhai. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao Hà Vỹ, tọa đàm các văn bia này không chỉ ghi lại các sự kiện lịch sử, mà còn phản ánh tôn giáo, đạo đức, triết lý sống, cũng như sự hòa quyện giữa tín ngưỡng Phật giáo và văn hóa địa phương.

TS Nguyễn Hoàng Thân, giảng viên Trường đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, đánh giá: Hệ thống tư liệu Ma nhai khắc trên vách đá Ngũ Hành Sơn được hình thành dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn cùng với một số văn bản có niên đại nửa đầu thế kỷ XX, tồn tại đến nay ngót 4 thế kỷ, đa dạng về thể tài, phong phú về nội dung bao gồm văn bản ngự bút, bi ký, thơ đề, đề danh, bài vị, câu đối... Thể loại và hình thức văn tự của văn bản Ma nhai Ngũ Hành Sơn cũng phong phú đa dạng, bao gồm văn bản thuần chữ Hán, thuần chữ Nôm hoặc tổng hợp cả chữ Hán lẫn chữ Nôm; kiểu chữ khải (chân), hành, thảo và phối cách giữa các kiểu chữ chân đá Hành, hành pha thảo... Những điều này cùng với kích cỡ chữ to nhỏ khác nhau tạo nên các bức thư pháp đẹp mắt.

Bảo tồn nhanh trước nguy cơ hao mòn, biến dạng

Theo Thạc sĩ Võ Văn Thắng, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, việc bảo tồn và phát huy giá trị của Ngũ Hành Sơn hiện có những thuận lợi rất cơ bản. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 822/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, là cơ sở pháp lý quan trọng để chính quyền thành phố và cấp cơ sở tiến hành các biện pháp bảo tồn và phát huy các giá trị danh thắng. Trong quá trình triển khai quy hoạch cần chú ý hạn chế những tác động tiêu cực khi khai thác phục vụ dân sinh, thương mại, du lịch. “Chúng tôi nghĩ rằng, việc triển khai lập hồ sơ đăng ký với UNESCO là dịp để tiến hành nghiên cứu về các giá trị của danh thắng Ngũ Hành Sơn, trong đó đặc biệt là các giá trị liên quan đến địa chất học, khảo cổ học, mà lâu nay chưa có điều kiện và cơ sở pháp lý để triển khai. Quá trình lập hồ sơ sẽ có ý nghĩa tạo cơ hội để các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý cùng quan tâm, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, góp phần bảo tồn Ngũ Hành Sơn, một di sản có tính chất hỗn hợp, đa giá trị”, ông Thắng, bày tỏ.

Bà Phan Thị Xuân Mai, Bảo tàng Đà Nẵng cho biết: Trong các loại hình di sản văn hóa, di sản tư liệu là một bộ phận đặc biệt, vì nó tồn tại trên cả 2 dạng thức: Vật thể và phi vật thể, bởi các vật mang tin khác nhau như giấy, gỗ, đá, âm thanh, tiếng nói, lá, vải, phim ảnh… Tuy nhiên, di sản tư liệu vẫn là vấn đề mới tại Việt Nam và chỉ mới được thiết lập hành lang pháp lý để bảo vệ trong Luật Di sản văn hóa năm 2024. Bà Mai phân tích, giống như các di sản văn hóa khác, di sản tư liệu vốn rất mong manh và nhạy cảm dưới những tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội. Đặc biệt, đối với nước ta, bởi khí hậu nhiệt đới gió mùa, thường xuyên diễn ra thiên tai, trải qua các cuộc chiến tranh, loạn lạc và sự thiếu hiểu biết của con người mà rất nhiều di sản tư liệu đã bị mất đi, thất lạc hoặc đang đối mặt với sự hủy hoại, xâm hại.

Chính vì vậy, công tác kiểm kê, nhận diện, bảo vệ và lập hồ sơ công nhận di sản tư liệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều này càng cấp bách hơn khi theo thực trạng mà TS Nguyễn Hoàng Thân phản ánh thì: “Hiện trạng văn bia Ma nhai Ngũ Hành Sơn đang gặp một vấn đề bất cập. Đó là sự không toàn vẹn văn bản. Có một số Ma nhai đã bị mờ, không rõ nội dung do phong hóa tự nhiên. Một số bị đục chữ, bị bôi lấp xi-măng, bị viết vẽ đè lên do ý thức kém của con người.

Đặc biệt, Bia Ma nhai tại đây là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động.