Những giai điệu dưới lòng đất

Dưới lòng đất ở Thủ đô Moscow của Nga, tiếng tàu điện ngầm luôn gây ồn ào và dòng người thì vội vã. Len lỏi giữa thứ tạp âm xô bồ, bằng một cách tài tình nào đó, những tiếng đàn, violin, tiếng sáo, guitar hay giọng ca của ca sĩ vẫn đủ sức kéo người ta dừng lại đôi chút, thoát khỏi vòng quay hối hả của cuộc sống để tận hưởng một thứ âm nhạc truyền cảm hứng.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Sergey Martemyanov chơi guitar trong ga tàu điện ngầm.
Ông Sergey Martemyanov chơi guitar trong ga tàu điện ngầm.

Không sân khấu

Paul August mặc áo dạ đen dài đến đầu gối, quàng khăn mầu xanh sát cổ, tóc để dài. Anh ngồi sát bên tường trong đường hầm chuyển từ bến tàu điện ngầm Turgenevskaya sang Chistye Prudy, mắt nhắm nghiền, tay lướt trên phím đàn. Trước mặt anh đặt túi đàn, một tấm bảng được dựng có tên Paul kèm số điện thoại. Paul chơi những bản nhạc nổi tiếng cả của Nga và của nước ngoài, ở một nơi đông người qua lại, không cánh gà, không sân khấu.

Sau hai năm tạm nghỉ do dịch Covid-19, Paul và các nghệ sĩ đường phố giờ đây lại hào hứng bước xuống “mê cung” dưới lòng đất, cất tiếng ca tại khoảng 30 điểm trong hệ thống tàu điện ngầm Moscow, nhờ dự án “Âm nhạc trong metro” được triển khai từ năm 2016. Để nhận giấy phép biểu diễn tại các hành lang ga tàu, họ phải gửi đơn đăng ký và vượt qua vòng thử giọng khắt khe, bỏ lại hàng trăm đối thủ.

Lọt tốp đẹp và tiện nghi nhất thế giới, hệ thống tàu điện ngầm Moscow luôn là niềm tự hào lớn của người dân thủ đô, phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi ngày. Từ khi tàu điện ngầm trở thành phương tiện giao thông chính của cư dân thành phố, các hành lang và đường hầm được các nghệ sĩ mới vào nghề chọn làm “bệ phóng”. Tuy nhiên, các buổi biểu diễn kiểu này bị cấm do tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những năm 2010, thành phố đưa ra kết luận: có thể không cấm, song phải điều chỉnh thủ tục xin giấy phép. Thông tin làm giới nghệ thuật phấn khích mạnh mẽ.

Paul nhớ lại ngày đầu ngồi đánh piano trong các hành lang tàu điện ngầm. Mới đầu, anh bỡ ngỡ khi dòng người ùn ùn bước qua, nhưng rồi Paul cũng học được cách tập trung vào bản nhạc. Mọi người dần dừng lại, lắng nghe hoặc rút điện thoại ra quay phim. Họ cúi xuống thả vào túi đàn của Paul một ít tiền. Một bà mẹ rút ra một tờ tiền giấy, đưa cho cậu con trai và thủ thỉ vào tai cậu một điều gì đó. Đứa bé chạy đến gần Paul và nhẹ nhàng đặt tiền vào túi đàn của chàng nghệ sĩ như một lời cảm ơn.

Không chỉ ở Moscow, các dự án về âm nhạc đường phố tương tự đã hoạt động tại các tuyến tàu điện ngầm ở London (Anh), New York (Mỹ), Paris (Pháp) hay Barcelona (Tây Ban Nha) trong nhiều năm. Người Nga tự hào rằng không giống ở các nơi khác, những nghệ sĩ ở Moscow được phép biểu diễn miễn phí và thu về toàn bộ số tiền họ nhận được từ khán giả. Các buổi biểu diễn trừ giờ cao điểm để tránh lộn xộn. Nghệ sĩ tự chọn địa điểm và thời gian cho buổi trình diễn của mình, trong khi hành khách có thể xem lịch trên mạng và đến cổ vũ.

Khi Paul bắt đầu thể hiện ở metro, một người đàn ông tiến lại gần và tặng anh chiếc ví mua ở châu Âu, với niềm tin rằng món quà sẽ giúp anh có thêm nhiều tiền bạc. Các cô gái cũng dành cho anh những mẩu giấy nhỏ, vẽ hình anh bên cây đàn. Tất cả điều đó với Paul đều là những điều tuyệt vời, khiến anh nghĩ mình đang có công việc tốt nhất thế giới.

Anh biểu diễn từ bốn đến năm ngày trong tuần. Mỗi ngày từ hai đến bốn tiếng. Dừng lại và thưởng thức âm nhạc của các nghệ sĩ trong ga tàu điện ngầm đã là thói quen của người y tá Irina Loginova. Thứ âm nhạc trong trẻo của Paul chạm đến trái tim bà, lấy đi từ bà một phần áp lực cuộc sống. Với bà Loginova, có những tiết mục mà bà không cần đến nhà hát, nhạc viện để thưởng thức, chúng có ngay trong ga tàu điện ngầm, nơi tưởng chừng lúc nào cũng xô bồ và náo nhiệt. Âm nhạc đến từ các nghệ sĩ đã giúp nâng cao trình độ văn hóa âm nhạc, khả năng thẩm âm của người dân cũng như cải thiện sự thoải mái của hành khách.

Những giai điệu dưới lòng đất ảnh 1

Bà Irina Loginova đứng xem nghệ sĩ đường phố Paul biểu diễn.

Vòng tròn hạnh phúc

Hơn 245 ban nhạc và nhạc sĩ biểu diễn tại 32 điểm trong hệ thống tàu điện ngầm Moscow. Năm nay, “gia đình nghệ sĩ dưới metro” sẽ còn lớn hơn nữa. Họ chơi đủ loại nhạc cụ, phối lại các sáng tác nổi tiếng, cả các bài hát dân ca Nga. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Nga cũng không ít lần biểu diễn phục vụ khán giả trong các hành lang tàu điện ngầm, nơi được xem là dành cho tất cả.

Ông Vladimir Semibratov đã hơn 10 năm kéo vĩ cầm trên phố. Người nghệ sĩ này từng đứng hàng giờ trong cái rét âm 27oC, đến nỗi tiếng thở cũng khiến nhạc cụ lạc nhịp. Ông cảm ơn chính quyền thành phố vì dự án “Âm nhạc trong metro”. “Tin tôi đi, việc bạn được biểu diễn hợp pháp và được tôn trọng đã truyền đi thật nhiều cảm hứng”, ông Semibratov thổ lộ.

Khi biểu diễn trong tàu điện ngầm, đôi khi ông Semibratov nhận được những bức chân dung của mình được vẽ ngay lúc đó, hoặc thanh chocolate, vé xem kịch hay là hoa. Khán giả của ông là những người từ hai đến 90 tuổi. Có hôm, một em bé ba tuổi dừng lại trước mặt ông, bắt đầu nhảy theo điệu nhạc. Điều đó mang lại cảm hứng cho các nghệ sĩ.

Có cả những đứa trẻ khóc và không muốn rời đi. Bố mẹ chúng kéo đi, nhưng chúng nằng nặc đòi ở lại. Thế là cả nhà đã ở lại đó nguyên hai tiếng đồng hồ để xem ông Semibratov biểu diễn. Có cả cô bé 10 tuổi, một diễn viên ba-lê từng chiến thắng trong nhiều cuộc thi và quyết định nhảy liên tiếp năm tác phẩm trên nền nhạc của ông. Ông Semibratov tin rằng, một người cần một cú huých để đến với nghệ thuật. Nếu trẻ em gặp một buổi biểu diễn trên phố, nhiều khả năng chúng sẽ tham gia. Ông Semibratov ủng hộ việc ngày càng có nhiều điểm tiếp xúc, giao thoa văn hóa trong thành phố.

Tại hành lang giữa các ga Teatralnaya và Okhotny Ryad, ông Sergey Martemyanov hay ngồi trên chiếc loa đặt tại nơi giao nhau giữa hai cổng vòm, rồi hướng tiếng guitar của mình về phía xa xăm. Người đàn ông có bằng đại học về nhạc gảy những bản nhạc theo bước chân người qua. Ông mỉm cười mỗi khi ai đó cúi xuống và cho ông một ít tiền. Ông không quên cảm ơn và mong mọi người cảm thấy vui vẻ, phấn chấn. “Một nụ cười đáng giá hơn tiền bạc”, ông cười.

Thủ đô Moscow vẫn đang bình yên như vốn có và ông Martemyanov vẫn đang ung dung biểu diễn hằng ngày. Khi nhìn thấy những ánh mắt tò mò, những nụ cười trẻ thơ, ông hiểu rằng những cố gắng của ông và các nghệ sĩ không phải là vô ích. Người dân vây quay ủng hộ các nghệ sĩ, cũng là tự giúp mình được thảnh thơi. “Khơi gợi những nụ cười vui vẻ từ các hành khách buồn bã nhất là điều chúng tôi hướng tới”, ông nói.

“Âm nhạc trong metro” là một dự án thú vị. Các nghệ sĩ có dịp chứng minh bản thân, tìm kiếm khán giả của mình để bắt đầu sự nghiệp. Paul hay ông Martemyanov, sau khi có lượng khán giả của riêng mình đã bắt đầu phát hành nhạc và đăng lên các nền tảng trực tuyến.

Những người nghệ sĩ đường phố thỉnh thoảng vẫn nhận được tin nhắn, như: “Tôi thấy nguồn cảm hứng lớn lao khi xem bạn dũng cảm chơi những bản nhạc tuyệt vời giữa những người xa lạ”. Nhờ nguồn cảm hứng đó, người gửi dòng tin nhắn trên đã mạnh mẽ hơn để đương đầu những vấn đề đang gặp phải. Thế là một vòng tròn hạnh phúc, truyền cảm hứng, một chu kỳ của lòng biết ơn cứ thế được hình thành.