Những con tàu lao về phía bão

"Cứu nạn thì phải nhắc đến KN360", anh Vương Mạnh Hòa, Chi đội kiểm ngư số 3, hào hứng khi bước lên con tàu gắn với nhiều kỳ tích cứu nạn trên biển. Không ít lần, đang trên đường đi tránh bão, con tàu ấy đã đổi hướng, lao thẳng vào vùng nguy hiểm, cứu ngư dân gặp nạn ngoài khơi.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ tàu KN360 trên đường làm nhiệm vụ.
Cán bộ tàu KN360 trên đường làm nhiệm vụ.

"Có duyên" với cứu nạn

Tính riêng về thành tích cứu nạn ở đội tàu số 3, Chi đội kiểm ngư số 3, con tàu mang số hiệu KN360 luôn nằm trong tốp đầu. Đến nay, chuyến đi vào tâm bão cứu 12 ngư dân gặp nạn trên biển của KN360 vẫn luôn được nhắc lại, như một kỳ tích.

Vào lúc 12 giờ ngày 14/9/2017, khi đang trên đường ra khu neo đậu để tránh cơn bão số 10, tàu KN360 nhận lệnh đi cứu nạn khẩn cấp tàu cá QNg94628 tại vùng biển gần bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Tàu chuyển hướng, đi thẳng vào vùng bão gió cấp 8, cấp 9 thực hiện nhiệm vụ cứu nạn. Khi đó, "độ cao sóng 4m đến 5m, trời mưa to, tầm nhìn hạn chế, có thời điểm chỉ quan sát được mũi tàu", anh Hòa nhớ lại. Và khi đó, tàu cá QNg94628 bị kẹt chân vịt, chín thuyền viên đang vật lộn với sóng dữ để giữ thăng bằng con tàu và cố giành lấy sự sống.

Tiếp cận và cứu được chín ngư dân an toàn, ban đầu đội cứu hộ quyết tâm kéo bằng được cả tàu và người về Đà Nẵng, bảo toàn tài sản cho ngư dân. Tuy nhiên, trên đường lai dắt tàu QNg94628 về, họ còn phải tiếp tục cứu ba ngư dân trên tàu cá đang bị chìm có số hiệu QNg44011. Kéo tàu đi được hai hải lý thì nước vào nhiều, tàu cá sắp chìm, chao đảo trong gió lớn, không còn khả năng nổi nữa. Thuyền trưởng tàu QNg94628 đành quyết định chặt dây kéo, bỏ tàu QNg94628 lại để cơ động cứu ba ngư dân của tàu cá QNg44011. 12 sinh mạng ấy, cuối cùng đều đã được đưa vào bờ an toàn.

KN360 dường như cũng rất khéo "chọn" thuyền trưởng. "Ra biển, mình chỉ mong ngư dân được thuận buồm xuôi gió. Nhưng cứu nạn như cái duyên tự đến với mình", thuyền trưởng Đinh Trọng Tú bắt đầu câu chuyện bằng giọng Quảng Nam đặc sệt. Sinh năm 1991, nhưng kinh nghiệm cứu nạn của Tú rất "dạn dày". Lần đầu anh làm thuyền trưởng KN360 năm 2020, trong vòng một tháng (từ tháng 10 đến tháng 11), có sáu cơn bão và áp thấp liên tục.

Lúc 8 giờ 40 phút ngày 17/1/2021, KN360 đang thực hiện nhiệm vụ trực khu vực biển phía đông bắc đảo Cồn Cỏ, thì nhận được tin báo có tàu cá NĐ 92948TS bị hỏng máy, thả trôi ở tọa độ φ = 17°45’00"N, λ = 107°50’00"E, trên tàu có anh Nguyễn Văn Hiếu bị đau ruột thừa cần hỗ trợ. Khoảng 15 giờ, tàu KN360 đã tiếp cận tàu cá gặp nạn, hạ xuồng đưa nhân viên y tế thăm khám, cấp thuốc chữa bệnh, kiểm tra tình trạng sức khỏe, lấy thông tin của người bệnh. "Khi đó sóng to, quá trình tiếp cận truyền dây để lai kéo tàu ngư dân về khu vực đảo Cồn Cỏ mất hai đến ba giờ đồng hồ", Tú nhớ lại. Không chỉ vậy, khi tàu chết máy, ngư dân còn thả neo dù. "Neo dù giữ tàu không trôi nhưng lại gây nguy hiểm cho tàu đến cứu nạn, nếu vướng vào chân vịt thì coi như hai tàu gặp nạn luôn". Bộ neo dù trị giá mấy chục triệu đồng, là tài sản lớn của ngư dân. Tú đã phải mất hơn một giờ thuyết phục, ngư dân mới đồng ý cắt dây dù. Khoảng hơn một tuần sau, từ các thông tin hỏi thăm, tàu đã vớt lại được neo dù và hoạt động bình thường.

Tú vẫn nhớ nhất lần đi cứu hộ tàu Thái Thụy 88 năm 2019, khi đang là thuyền phó tàu KN365. Tàu đang di chuyển tránh bão thì nhận được lệnh quay lại, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ một số thuyền viên mất tích. Suốt một đêm quần thảo cùng gió bão, với những con sóng có khi cao đến cả 10m, cuối cùng 10 thuyền viên được đưa về bờ an toàn.

Tuyên truyền bắt đầu từ gói mì tôm

Ngoài nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, Chi đội kiểm ngư số 3 cũng tổ chức tuyên truyền, vận động hàng chục lượt tàu cá của ngư dân ta thực hiện đánh bắt hải sản theo đúng quy định. Đồng thời ngăn chặn, xua đuổi những tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển ta, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, giữ môi trường hòa bình ổn định trên biển. Trong đó, tuyên truyền người dân thực hiện đúng quy định pháp luật, trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Luật Biển Việt Nam luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Nguyễn Quốc Huy, người từng là thuyền trưởng KN362, bộc bạch: Các tàu kiểm ngư hỗ trợ nước ngọt, chăm sóc y tế nếu ngư dân bị ốm đau, cung cấp thuốc, trang thiết bị sửa chữa tàu cho ngư dân. Ngư dân tin tưởng lực lượng kiểm ngư, vì họ thấy được hỗ trợ, được hướng dẫn thực hiện việc đánh bắt tuân thủ đúng quy định pháp luật, vừa bảo đảm sinh kế, nguồn lợi hải sản khai thác về lại được bán với giá cao. Huy cho biết, đặc điểm ngư dân mình là khai thác theo phương thức truyền thống, nên khi hướng dẫn họ tuân thủ pháp luật cũng cần rất nhiều sự kiên trì, bền bỉ và khéo léo.

Ban đầu, khi hướng dẫn lắp đặt trang bị giám sát hành trình, người dân e ngại không hợp tác, hoặc sử dụng trang bị nước ngoài không phù hợp với quy định của Việt Nam. Sau khi được tuyên truyền, ngư dân dần hiểu được lợi ích của việc bật thiết bị định vị, hải sản khai thác được xác định nguồn gốc, có vị trí rõ ràng thì có thể xuất khẩu với giá trị cao. Theo thời gian, bà con tự giác tuân thủ các quy định đánh bắt, sử dụng lưới phù hợp ở các vùng bờ, vùng lộng, tuân thủ quy định không đánh bắt các loại cá như cá voi, cá heo...

Có lần gặp trường hợp ngư dân không hợp tác, sau nhiều lần thuyết phục, Huy đành hạ xuồng, mời họ qua tàu để trò chuyện. "Khi người ta qua gặp gỡ rồi, anh em trên tàu tặng quà. Ban đầu mình tặng cờ Tổ quốc, nói bà con treo cờ Tổ quốc trên thuyền để khẳng định chủ quyền Việt Nam. Sau đó tặng áo phao, tặng đường sữa, mì tôm, một số gà, vịt anh em tăng gia được… Cứ thế tiếp cận bằng tình cảm rồi dần dần người ta nghe". Sau dần ngư dân chủ động tiếp cận để nắm thêm thông tin, như thời tiết, thông tin trên đất liền. "Khó thì mình tuyên truyền nhiều hơn, kiên trì hơn một chút", Huy đúc kết.

Cả Huy và Tú đều không thể có mặt đón con khi vợ sinh nở. Tú gặp con gái đầu lòng khi con đã hơn một tuổi, đã biết gọi "ba". Những chuyến trực Tết lênh đênh trên biển cả tháng, lúc giao thừa, anh chỉ có thể cố gắng gọi về, để nghe được giọng vợ con.

"Ngư dân tin tưởng mình. Ra biển người ta chỉ nhìn vào mình. Mình không đi thì ai đi", Tú cười nhỏ nhẹ. Những người chiến sĩ thầm lặng đóng góp vào nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc trên biển ấy, vẫn không ngại ngần nhằm phía bão mà ra khơi…