Những bước ngoặt thay đổi

Theo các kế hoạch bầu cử đã được xác nhận, năm 2024 sẽ là năm có nhiều cuộc bầu cử nhất từ trước tới nay, tạo ra thay đổi lớn trong đời sống chính trị và kinh tế các nước. Giới quan sát cũng cho rằng, những bước ngoặt thay đổi tiềm ẩn rủi ro đối với bức tranh kinh tế thế giới và tiến trình hợp tác quốc tế, trong bối cảnh thách thức toàn cầu ngày càng lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: AMEEN ALHABARAH
Biếm họa: AMEEN ALHABARAH

Năm 2024 dự kiến lập kỷ lục về bầu cử, khi các cuộc bầu cử chính thức được tổ chức tại khoảng 50 quốc gia, chiếm hơn 60% GDP toàn cầu. Nếu tính cả các cuộc bầu cử địa phương, hơn 4 tỷ cử tri tại khắp các khu vực sẽ thực hiện quyền công dân trong các cuộc bỏ phiếu năm nay, đánh dấu lần đầu trong lịch sử gần một nửa dân số thế giới đi bầu các nhà lãnh đạo mới.

Thế giới theo dõi cuộc đua gay gắt vào Nhà trắng, với sự tham gia của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump. Dư luận cũng theo sát cuộc bầu cử Tổng thống tại Nga, khi Tổng thống Vladimir Putin xác nhận tái tranh cử. Cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ sẽ là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất thế giới với Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi kỳ vọng tái đắc cử. Cử tri các nước Liên minh châu Âu (EU) bỏ phiếu bầu Nghị viện châu Âu (EP) trong cuộc bầu cử đầu tiên thời “hậu Brexit” không có các ứng cử viên Anh tham gia. Các cuộc bầu cử cũng diễn ra tại Brazil, Mexico, Nam Phi, Indonesia, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia...

Kết quả các cuộc bầu cử, đặc biệt tại các nước lớn, chắc chắn tác động tới tình hình chính trị và kinh tế thế giới, tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt đối với trật tự quốc tế, cán cân địa-chính trị, cũng như các cuộc xung đột, khủng hoảng và quan hệ kinh tế, thương mại toàn cầu. Theo giới phân tích, kết quả bầu cử có thể thúc đẩy hoặc làm giảm tốc, nhưng không thể cản bước đột phá mới về khoa học công nghệ, cũng như sự thay đổi tương quan lực lượng và tiến trình chuyển dịch mạnh mẽ sang trật tự quốc tế đa cực, đa trung tâm.

Sự thay đổi về địa - chính trị được xác định là rủi ro số một đối với kinh tế thế giới. Xu hướng kinh tế trì trệ, tăng trưởng thấp chưa dừng lại, song kinh tế thế giới được cho là sẽ tránh được một cuộc suy thoái tồi tệ trong năm 2024. Trong đó, kinh tế số một thế giới được dự báo “hạ cánh mềm”, khi lạm phát tại Mỹ giảm, tốc độ tăng trưởng tích cực hơn dự kiến, trong khi chi tiêu dùng và tăng trưởng tiền lương ở mức cao. Song, xu hướng này không được chắc chắn duy trì lâu dài. Bên kia bờ Đại Tây Dương, bức tranh kinh tế EU kém sáng hơn, song nguy cơ suy thoái không quá cao. Với Trung Quốc, tình trạng dân số già, chi phí lao động tăng, khó khăn trong giao thương với Mỹ là những yếu tố khiến vai trò động lực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chững lại.

Những tuyên bố cuối năm ngoái của các ngân hàng trung ương, nhất là châu Âu và Mỹ, cho thấy chu kỳ tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát sẽ dừng lại, chính sách thắt chặt tài khóa sẽ đảo chiều, không còn gây trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tiến trình khôi phục sản xuất và các chuỗi thương mại tiếp tục gặp khó khăn. Khủng hoảng lạm phát vốn đè nặng các nền kinh tế chưa kết thúc trong năm 2024 do tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các yếu tố rủi ro, liên quan thay đổi địa-chính trị.

Cùng yếu tố thay đổi địa-chính trị, xung đột tiếp tục tạo rủi ro cho thế giới. Xung đột tại dải Gaza còn tiếp diễn, song mức độ giảm và nguy cơ lan rộng ra khu vực không cao, nhờ các nỗ lực hòa giải của các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, khủng hoảng y tế và nhân đạo sẽ còn đè nặng người dân tại Gaza và đụng độ giữa các lực lượng Israel và Hezbollah ở Lebanon có thể gia tăng. Sau nghị quyết đầu tiên đạt được đồng thuận, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ phát huy vai trò lớn hơn, nhằm sớm đạt được ngừng bắn. Tuy nhiên, tiến trình hòa bình Trung Đông dựa trên giải pháp hai nhà nước chưa thể khôi phục trong năm nay.

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine tiếp tục là mấu chốt căng thẳng giữa Nga và phương Tây, trong khi năm 2024 được cho là thời điểm quan trọng đối với Ukraine, cả trong nỗ lực chấm dứt xung đột, lẫn gia nhập EU. Với EU, ngoài khó khăn tìm đồng thuận trong việc hỗ trợ tài chính và quân sự, cũng như khởi động đàm phán về kết nạp Ukraine, vấn đề di cư sẽ trở lại, được ví như “quả bom hẹn giờ” ở châu Âu. Trong khi đó, sau nỗ lực kết nạp Phần Lan là thành viên thứ 31, NATO tiếp tục thúc đẩy Thụy Điển gia nhập liên minh trong năm nay.

Tại châu Phi, tình hình bất ổn còn kéo dài sau chuỗi chính biến tại các nước Tây Phi. Hệ lụy từ các cuộc đảo chính, xung đột và việc rời đi của lực lượng Liên hợp quốc sẽ tác động rõ rệt hơn đối với an ninh và kinh tế của khu vực trong năm nay.

Tuy nhiên, khó khăn kinh tế không cản trở bước đột phá mới của công nghệ, đặc biệt là “cơn vũ bão” của trí tuệ nhân tạo (AI). Đường đua AI trong năm nay chắc chắn có thêm nhiều quốc gia, doanh nghiệp gia nhập và mục tiêu an toàn, công bằng, có trách nhiệm trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến sẽ được đề cao hơn, hợp tác trong lĩnh vực này được đẩy mạnh hơn sau hội nghị cấp cao đầu tiên về an toàn AI trong năm 2023.

Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh sẽ đem đến sức sống mới của chủ nghĩa đa phương. Năm 2024 khởi đầu chặng đường mới của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), với 10 thành viên là các quốc gia đang phát triển, có ảnh hưởng ngày càng lớn, góp phần nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước phía nam bán cầu trong các cơ chế quốc tế và các vấn đề toàn cầu.

Câu hỏi liệu năm 2024 có trở thành năm nóng kỷ lục mới phản ánh mối lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu gây tác động tồi tệ hơn, khi giới khoa học cảnh báo về “đỉnh điểm khủng hoảng của thế giới tự nhiên” trong năm nay. Với việc các nước giàu “làm mới” lời hứa hỗ trợ tài chính và thế giới đạt thỏa thuận quốc tế đầu tiên về giảm thiểu, tiến tới loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, các cam kết và hành động khí hậu được kỳ vọng đem lại kết quả rõ rệt hơn trong cuộc chiến bảo vệ hành tinh xanh.