Nhìn từ tham vọng của ví điện tử

Gần đây, việc ứng dụng fintech (ứng dụng công nghệ tài chính) phổ biến là ví điện tử (VĐT) Momo tích hợp chức năng mua chứng chỉ quỹ (CCQ) đã tạo thêm sự đa dạng cho người dùng.
0:00 / 0:00
0:00

Mua CCQ là hình thức bỏ tiền vào quỹ đầu tư (QĐT), nói nôm na là NĐT góp vốn vào quỹ, cho đến trước năm 2020, thường được thực hiện thông qua công ty chứng khoán (CTCK) hoặc NĐT làm việc trực tiếp với quỹ. Và điều dễ thấy là các QĐT gần như cũng rất trầy trật trong việc tìm kênh phân phối cho CCQ của mình.

Từ chỗ CTCK không mặn mà, các QĐT tìm đường bắt tay với các ngân hàng thương mại, hoặc như Baoviet Fund (BVF) nhờ vào hệ thống của Tập đoàn Bảo Việt có cả CTCK, ngân hàng, rồi xây dựng các kênh trực tuyến. Nhưng vấn đề là các NĐT chưa quen với việc bỏ tiền vào quỹ mà thích tự đầu tư hơn, nên các nỗ lực vừa nêu chỉ ở mức “khích lệ”. Tuy nhiên, khi các fintech tham gia vào việc phân phối CCQ sẽ là tín hiệu quan trọng cần được chú ý.

Các fintech vốn được định vị trong nhóm các sản phẩm tài chính vi mô, tài chính tiêu dùng, trước đây chủ yếu liên quan đến mua thẻ cào, thanh toán vay trả góp, dần dà tiến đến thanh toán thương mại điện tử… Gần đây, một số fintech đã công khai tham vọng trở thành ứng dụng tài chính phục vụ đông đảo khách hàng, nên câu chuyện chắc chắn không chỉ dừng ở mức độ “vi mô”. Lợi thế lớn của các fintech kiểu như Momo chính là tệp khách hàng lên đến vài chục triệu và đây chính là nguồn tài nguyên big data (dữ liệu lớn) để các đơn vị này khai thác.

Ông Đỗ Minh Hải, CEO Công ty fintech ATM Online, thường được báo giới gọi là “chuyên gia dữ liệu” phân tích: Big data vừa là xu hướng và cũng là mục tiêu của nhiều ngành kinh doanh nói chung. Để có được big data cần thỏa mãn nhiều tiêu chí, nhưng trong đó không thể thiếu ba tiêu chí quan trọng bao gồm: khối lượng, thường thì phải có từ 1 triệu khách hàng trở lên; kế tiếp là tính cập nhật của dữ liệu, tức là có dữ liệu nhưng vẫn phải liên tục cập nhật tại các thời điểm, chẳng hạn thu nhập, công việc, vị trí địa lý; điểm thứ ba là mức độ chi tiết của dữ liệu, phân chia theo rất nhiều tiêu chí khác nhau. “Từ nguồn big data, các nhà kinh doanh có thể tính toán được các chính sách kinh doanh phù hợp, tối ưu hóa chi phí và giảm rủi ro”, ông Đỗ Minh Hải nhấn mạnh. Từ những dữ liệu này, nếu nhìn lại sẽ thấy những thách thức cho CTCK, bởi lẽ hiện nay tổng số tài khoản chứng khoán chưa đến 6 triệu, trong khi đã có ứng dụng ví điện tử có số lượng tài khoản lên đến hơn 20 triệu.

Có thể thấy là với nhiều người, mua CCQ trên fintech hấp dẫn hơn bởi các ứng dụng này có thống kê, phân tích tỷ lệ sinh lời… khá trực quan, dễ ra quyết định, còn với các CTCK thì không phải đơn vị nào cũng được như vậy. Tất nhiên, big data mới chỉ là điều kiện cần, đồng thời giá trị giao dịch của CCQ cũng chưa ở mức cao để fintech có thể cạnh tranh tới mức đe dọa vị thế của các CTCK. Tuy nhiên, các CTCK cũng phải xem xét một cách nghiêm túc, nếu đã hướng đến tiêu chí phục vụ “toàn diện” hoặc đáp ứng “mọi yêu cầu” của khách hàng thì vẫn nên có những động thái phù hợp, đột phá hơn nữa, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ.