Đồng loạt giảm mạnh
Theo đó, nếu hồi đầu tháng 3/2023, có tới 10 ngân hàng niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng từ 9-9,5%/năm, lác đác một số ngân hàng huy động từ 9-9,3%/năm cho các kỳ hạn 6 và 9 tháng thì nay chỉ còn một vài ngân hàng áp dụng lãi suất từ 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, lãi suất các kỳ hạn ngắn hơn đều đã giảm sâu xuống dưới mức này, phổ biến giảm từ 0,3-0,5%/năm.
Đợt giảm lãi suất huy động vừa qua không chỉ ghi nhận tại các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ mà ngay cả tại 4 ngân hàng lớn là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank xu hướng cũng tương tự dù bước giảm ít hơn. Hiện các ngân hàng này đang niêm yết lãi suất cao nhất ở mức 7,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, giảm 0,2%/năm so với trước đó.
Đối với kỳ hạn từ 6-9 tháng, lãi suất phổ biến ở mức 5,8%/năm, riêng BIDV niêm yết lãi suất nhỉnh hơn cho kỳ hạn 9 tháng là 5,9%/năm.
Ngay sau đó, lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90-95% giá trị giao dịch) trong những phiên gần đây đã giảm về còn 2,05% từ mức 2,7%. Đây là mức lãi suất qua đêm thấp nhất kể từ trung tuần tháng 8/2022 và tương đương giai đoạn “tiền rẻ” duy trì từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022.
Tương tự, lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng giảm mạnh xuống còn lần lượt 2,61%/năm, 3,37%/năm và 4,76%/năm.
So với mức cao điểm hồi đầu tháng 3, lãi suất liên ngân hàng tại các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống đã giảm 3,3-4,4 điểm %. Điều này đồng nghĩa các ngân hàng đang vay mượn lẫn nhau với chi phí chỉ bằng 1/2, 1/3 so với hồi đầu tháng.
Lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm 1 điểm % một số loại lãi suất điều hành từ ngày 15/3. Bên cạnh đó, để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, Ngân hàng Nhà nước cũng đã dừng phát hành tín phiếu mới hút tiền từ đầu tuần trước.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm. Riêng lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm.
Ngoài ra, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND cho một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.
Giới chuyên gia dự báo xu hướng giảm lãi suất sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định giảm một số loại lãi suất điều hành.
Chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định: “Lãi suất cả đầu vào đầu ra từ đầu năm tới giờ đã giảm 1-2%. Tôi kỳ vọng lãi suất có thể giảm tiếp 0,5%-1%/năm nữa, nó quay trở lại mặt bằng lãi suất trước khi tăng lãi suất cuối năm vừa qua”.
Bước đi chủ động, phù hợp với thực tiễn
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mặc dù nhận thấy vẫn còn nhiều khó khăn do chính sách tài chính, lãi suất của các nước trong đó có Mỹ, nhưng nền kinh tế cũng phát đi tín hiệu tích cực trong kiểm soát lạm phát và Chính phủ đang triển khai đồng bộ, quyết liệt hiệu quả các chính sách, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, điều hành chính sách tiền tệ có thể tiếp tục linh hoạt, trước mắt sẽ giảm 1% một số lãi suất điều hành.
Quyết định này nhằm tạo thông điệp cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Từ đó, giảm chi phí vay vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khắc phục những khó khăn, nhanh chóng khôi phục, nhất là lĩnh vực động lực của nền kinh tế.
“Thời gian qua các ngân hàng cũng đã cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để có thêm nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Và trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, các ngân hàng lại có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới,” Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ thêm.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho rằng việc giảm một số loại lãi suất điều hành tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất huy động. Đây cũng là cơ sở để các tổ chức tín dụng hạ lãi suất cho vay.
Từ đó, hỗ trợ một phần chi phí lãi suất, giúp giảm chi phí đầu vào chung của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vay nhiều đang gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo tập trung hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nhiều hơn vào các khoản tín dụng ngắn hạn bằng VND hay hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, việc hỗ trợ có định hướng chứ không phải tất cả các lĩnh vực.
Chia sẻ quan điểm về quyết định này, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nhận định: “Chúng tôi nhận thấy Ngân hàng Nhà nước đã có những tín hiệu hỗ trợ thanh khoản thị trường tốt hơn”.
Cũng theo chuyên gia này, bên cạnh việc điều tiết nền kinh tế, thị trường bất động sản cũng đang chờ được hỗ trợ thanh khoản.
Các chuyên gia cũng cho rằng đây có thể là phản ứng đón đầu của Ngân hàng Nhà nước sau khi 2 ngân hàng sụp đổ tại Mỹ và 1 ngân hàng của Thụy Sỹ là Credit Suisse cũng đang có nguy cơ phá sản. Có thể nói đây là động thái đi tắt đón đầu, Ngân hàng Nhà nước đã đi trước sự quan tâm, lo lắng của thị trường, đưa ra tín hiệu rằng Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng giảm lãi suất.
Về phía các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ, trong suốt thời gian qua, các chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước rất linh hoạt bám sát nhu cầu thị trường.
Chúng ta thấy từ cuối năm trước đến đầu năm nay có một vấn đề là lãi suất cho vay và huy động đều tăng cao. Tôi cũng hiểu là Ngân hàng Nhà nước rất trăn trở tìm hướng cho việc giảm mặt bằng lãi suất chung.
Khi môi trường kinh tế thế giới cũng như môi trường kinh tế Việt Nam trong thời gian qua nhất là 2 tháng đầu năm diễn biến tích cực hơn, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái giảm 1% lãi suất điều hành, trong đó có giảm trần lãi suất cho nhóm khách hàng khu vực ưu tiên từ 5,5%/năm xuống còn 5%/năm. Đây sẽ là tín hiệu tích cực đối với hoạt động ngân hàng nói chung, tín hiệu tốt cho nền kinh tế.
“Vietcombank sẽ rà soát ban hành lại các quy định về lãi suất huy động cũng như trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên. Trước đó, trong 3 tháng đầu năm, Vietcombank cũng đã chủ động giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả các khoản vay của khách hàng. Với mặt bằng lãi suất hạ nhiệt có thể kích cầu tín dụng của các doanh nghiệp cũng như khách hàng cá nhân”, ông Cường nhấn mạnh.