Nhiệm vụ thường trực

Tiến bộ của thế giới trong kiểm soát đại dịch Covid-19 giúp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế gây lo ngại trên toàn cầu. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo Covid-19 không biến mất và biện pháp phòng ngừa, ứng phó một cách bền vững vẫn là nhiệm vụ thường trực của mọi quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: RAHMA
Biếm họa: RAHMA

Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do Covid-19 là mức cảnh báo cao nhất và được WHO lần đầu khuyến cáo vào ngày 30/1/2020. Hai tháng sau đó, WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Việc dỡ bỏ tình trạng này do hội đồng chuyên gia y tế của WHO xem xét, tại các cuộc họp định kỳ ba tháng. Hôm 5/5, WHO chính thức tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế gây lo ngại trên toàn cầu.

Quyết định của WHO được đưa ra dựa trên thực tế mức độ nghiêm trọng lây truyền dịch bệnh giảm; số ca tử vong, nhập viện cũng giảm mạnh và thế giới đã thích ứng với Covid-19 tốt hơn. Theo số liệu mới nhất của WHO, đến ngày 3/5 vừa qua, trên toàn thế giới có hơn 765 triệu người mắc Covid-19; tỷ lệ tử vong do Covid-19 đã giảm từ mức kỷ lục là hơn 100.000 người/tuần hồi tháng 1/2021 xuống hơn 3.500 người/tuần trong tuần giữa tháng 4/2023.

Việc WHO chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu do Covid-19 được xem là động thái gỡ nút thắt cuối cùng, nhằm giải phóng các nguồn lực phục vụ tiến trình phục hồi sau đại dịch. Tuyên bố mới nhất của WHO được các nước hoan nghênh, làm cơ sở để gỡ bỏ những hạn chế cuối cùng vốn được áp đặt hơn ba năm qua nhằm chống Covid-19, qua đó mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, khôi phục tất cả các hoạt động từ sản xuất, thương mại đến du lịch...

Một loạt quốc gia ban hành các quy định mới liên quan Covid-19. Cuối tuần trước, Venezuela thông báo dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế để chống dịch được áp dụng đối với các chuyến bay quốc tế. Jordan cũng tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp do Covid-19. Đầu tuần này, Nhật Bản dỡ bỏ tất cả các khuyến cáo đi lại trên thế giới, cũng như các biện pháp hạn chế cuối cùng, đưa Nhật Bản bước vào giai đoạn hậu đại dịch. Mỹ cũng công bố lộ trình từng bước chuyển đổi tiến tới chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do Covid-19, dự kiến từ hôm nay (11/5)...

Trong khi đó, một số nước tiếp tục thận trọng với diễn biến khó lường của dịch Covid-19. Người đứng đầu Hội đồng chuyên gia phản ứng với Covid-19 thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc nêu rõ, việc WHO chấm dứt tình trạng khẩn cấp không đồng nghĩa dịch Covid-19 biến mất, dù đã được kiểm soát có hiệu quả. Trung Quốc tiếp tục theo dõi diễn biến dịch, nhất là đột biến của virus, cũng như tăng cường tiêm chủng cho các nhóm có nguy cơ cao và tìm cách cải thiện khả năng điều trị Covid-19.

Tương tự, Thailand vẫn lo ngại về khả năng tái bùng phát dịch Covid-19. Người phát ngôn Chính phủ Thailand nhận định, tại một số quốc gia các đợt bùng phát Covid-19 vẫn xảy ra, dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nhóm dễ bị tổn thương. Tình hình kiểm soát dịch bệnh đã được cải thiện đáng kể, song Chính phủ Thailand vẫn thận trọng, đề phòng nguy cơ bùng phát dịch bất cứ lúc nào, tác động tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia. Trong khi đó, tại Malaysia, giới chuyên gia khuyến nghị nhà chức trách duy trì các biện pháp phòng ngừa để quản lý dịch Covid-19 như bệnh đặc hữu.

Lo ngại nêu trên của một số nước cũng là điều WHO khuyến cáo. Tại cuộc họp báo trực tuyến công bố quyết định chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, tuyên bố của WHO không có nghĩa rằng, Covid-19 không còn là mối đe dọa đối với y tế toàn cầu, vì thế tất cả các quốc gia vẫn cần hết sức thận trọng.

WHO cũng công bố kế hoạch chiến lược thứ 4 kể từ khi các ca Covid-19 đầu tiên được phát hiện hồi cuối năm 2019. Ngoài hai mục tiêu của các chiến lược trước đó là giảm sự lây lan dịch và tích cực điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài, kế hoạch mới bổ sung mục tiêu hỗ trợ các quốc gia chuyển từ cơ chế ứng phó khẩn cấp sang chiến lược quản lý, kiểm soát và phòng dịch một cách bền vững, lâu dài hơn. Nói cách khác, chiến lược nhấn mạnh, phòng chống Covid-19 vẫn là nhiệm vụ thường trực của thế giới.