Sau hơn hai tuần kể từ khi được Tổng thống Emmanuel Macron chỉ định vào cương vị mới, chiều tối 23/12 (giờ địa phương), Thủ tướng Pháp François Bayrou đã chính thức công bố thành phần chính phủ mới của mình, gồm 34 bộ trưởng, thuộc cả cánh hữu, trung dung và cánh tả, được đánh giá đủ khả năng để tránh được những kiểm duyệt, không lạm dụng Điều 49.3 để thông qua các dự luật, tránh để phải rơi vào tình huống bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, có thể dẫn tới phải giải tán giống như các chính phủ trước đây.
Trong danh sách này, Thủ tướng Bayrou chỉ giữ lại vị trí ba bộ trưởng là Bộ trưởng Lực lượng vũ trang Sébastien Lecornu, Bộ trưởng Văn hóa Rachida Dati và Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Jean-Noël Barrot. Bên cạnh đó, chính phủ mới cũng bao gồm hai cựu thủ tướng và hai cựu bộ trưởng.
Nước Pháp đã rơi vào bế tắc chính trị từ đầu tháng này, khi phe cực hữu và cánh tả phối hợp để "lật đổ" người tiền nhiệm của ông Bayrou là ông Michel Barnier - người có thời gian nắm quyền ngắn nhất trong lịch sử Nền Cộng hòa thứ 5. Nỗ lực kiềm chế thâm hụt ngân sách là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng chính trị tại Pháp. Do vậy, ưu tiên trước mắt của Thủ tướng Bayrou là thông qua một dự luật đặc biệt để đảo ngược ngân sách năm tài khóa 2024, sau đó chuẩn bị bước vào “cuộc chiến” khốc liệt hơn về ngân sách năm tài khóa 2025. Ngoài ra, các vấn đề nóng khác như cải cách hưu trí và chính sách nhập cư cũng sẽ là những thách thức lớn đối với tân Thủ tướng Bayrou.
Trả lời cuộc phỏng vấn sau khi công bố chính phủ mới, Thủ tướng François Bayrou bày tỏ tin tưởng vào một chính phủ “có kinh nghiệm trong việc hòa giải và khôi phục niềm tin với tất cả người dân Pháp”. Tân Thủ tướng Pháp cũng khẳng định muốn tạo ra một chính phủ mới chặt chẽ và cân bằng hơn. Theo thông báo của Điện Élysée, cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng đầu tiên của Chính phủ Thủ tướng François Bayrou sẽ được tổ chức sau kỳ nghỉ năm mới vào ngày 3/1/2025.
Chính phủ mới ở Pháp được thành lập trong bối cảnh gánh nặng nợ công đang đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Viện Thống kê của Pháp vừa công bố số liệu cho thấy, nợ công tiếp tục tăng trong quý III/2024 thêm 71,7 tỷ euro, nâng tổng nợ công hiện tại lên 3.300 tỷ euro. Như vậy, nợ công đang chiếm 113,7% GDP của Pháp trong quý III/2024, tăng so mức 112,2% trong quý II/2024 và cao hơn nhiều so giới hạn 60% mà Liên minh châu Âu (EU) đặt ra.
Do tình hình kinh tế bất ổn, Ngân hàng Trung ương Pháp đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2025 xuống còn 0,9%, và trong năm 2026 và 2027 là 1,3%. Đối với năm 2024, ngân hàng giữ nguyên dự báo tăng trưởng ở mức 1,1%. Việc điều chỉnh dự báo được Ngân hàng trung ương Pháp đưa ra ngay sau khi hãng Moody’s hạ mức xếp hạng tín nhiệm của nước này do lo ngại tình hình chính trị có thể làm suy yếu đáng kể tài chính công, do sự chia rẽ giữa ba khối quyền lực: cánh tả, trung hữu và cực hữu. Trong tương lai, điều này có thể sẽ hạn chế phạm vi và quy mô của các biện pháp có thể giúp thu hẹp mức thâm hụt lớn hiện nay.
Dự kiến, Chính phủ Pháp sẽ tăng thuế và cắt giảm chi tiêu hàng chục tỷ USD để giảm thiểu đáng kể thâm hụt công. Ngân hàng Trung ương nước này dự kiến mức thâm hụt trên sẽ dao động từ 5-5,5% GDP trong năm tới. Tuy nhiên, theo Moody's, trong tình hình hiện nay, rất ít khả năng chính phủ mới có thể giảm quy mô thâm hụt hiện nay sau năm 2025.
Chia sẻ về mục tiêu này, tân Thủ tướng Bayrou cho biết, ông nhận thức sâu sắc về quy mô của các vấn đề tài chính và chính trị ở nước Pháp và việc giảm mức thâm hụt ngân sách hiện chiếm 6,1% GDP của Pháp khó ngang nhiệm vụ “vượt dãy Himalaya”. Ông khẳng định, kiềm chế tình trạng thâm hụt và giảm “núi nợ” không chỉ là ưu tiên chính trị mà còn là “nghĩa vụ đạo đức”.