Đức, Anh cùng nhiều nước châu Âu thông báo tạm dừng cấp quy chế tị nạn, trong khi Áo lên kế hoạch “trục xuất” người tị nạn Syria. Một loạt quyết định được các nước đưa ra hôm đầu tuần ảnh hưởng đến hàng chục nghìn đơn xin tị nạn đang chờ giải quyết và đẩy hàng nghìn người Syria vào cảnh bấp bênh. Nỗi hoang mang bao trùm các cộng đồng người tị nạn Syria ở châu Âu trong khi lo ngại gia tăng về tình hình an ninh trong nước, cũng như kế hoạch sắp tới của chính quyền sở tại.
Văn phòng liên bang về Di cư và Tị nạn của Đức cho hay sẽ không xử lý đơn xin tị nạn cho đến khi “tình hình tại Syria rõ ràng hơn”. Hiện có hơn 47.000 hồ sơ đang chờ xử lý, cơ quan này tiếp tục đánh giá tình hình và sẽ quyết định dựa trên sự ổn định trở lại tại Syria. Theo Bộ Nội vụ Đức, quyết định về tị nạn có tính đến hoàn cảnh từng trường hợp, trong đó có tình hình tại quốc gia của người nộp đơn. Cơ quan di trú có thể ưu tiên các trường hợp từ nơi khác, do tình hình tại Syria chưa rõ ràng.
Bộ Nội vụ Anh thông báo tạm hoãn xem xét hồ sơ xin tị nạn để tập trung đánh giá tình hình tại Syria. Bộ trưởng Ngoại giao Anh cảnh báo rằng, việc người Syria bắt đầu trở lại quê hương phát đi tín hiệu tích cực về hy vọng tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, dòng người trở về có thể nhanh chóng đảo chiều, làm tăng số lượng người di cư bất hợp pháp trở lại Anh và châu Âu.
Một loạt nước như Bỉ, Hà Lan, Italy, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Na Uy cũng tuyên bố tạm dừng xem xét yêu cầu tị nạn của người Syria. Pháp đang cân nhắc bước đi tương tự.
Trong khi đó, Áo sớm thông báo kế hoạch đưa người tị nạn trở lại Syria. Thủ tướng Áo chỉ thị tạm dừng xử lý yêu cầu tị nạn của người Syria và xem xét lại toàn bộ khoản trợ cấp người tị nạn, trong khi Bộ Nội vụ ráo riết chuẩn bị “chương trình hồi hương và trục xuất có trật tự” đối với người tị nạn Syria.
Theo LHQ, kể từ khi xung đột nổ ra tại Syria năm 2011, hơn 14 triệu người nước này buộc phải rời nhà, tìm kiếm an toàn tại nơi khác trong nước và ra nước ngoài. Đức đã mở cửa với làn sóng người tị nạn và trong giai đoạn 2015-2016 tiếp nhận gần một triệu người Syria - cộng đồng người tị nạn Syria có quy mô lớn nhất châu Âu. Tại Áo, cũng có khoảng 100.000 người Syria. Từ năm 2011 đến 2021, hơn 30.000 người Syria cũng được cấp quyền tị nạn tại Anh. Trong đó, hơn 20.000 người được tái định cư, trong giai đoạn 2014-2021.
Quyết định của các nước châu Âu không chỉ phản ánh tình hình chính trị thay đổi nhanh chóng ở Syria, mà còn cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng cánh hữu trên khắp châu Âu vốn chủ trương hạn chế người nhập cư. Tại Đức, cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 2/2025 và các đảng cực hữu hiện thống lĩnh các bảng xếp hạng về ủng hộ. Khảo sát của hãng Infratest cho thấy, vấn đề nhập cư và tị nạn là mối quan tâm lớn thứ hai của cử tri Đức.
Một số lực lượng chính trị đã bắt đầu kêu gọi kiểm soát biên giới, ngăn chặn người Syria tới châu Âu. Đảng đối lập trung hữu Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Đức kêu gọi người Syria trở về đất nước, đảng Dân chủ cực hữu trong liên minh cầm quyền tại Thụy Điển yêu cầu xem xét lại giấy phép cư trú cho người tị nạn Syria. Còn đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) cho rằng, việc thảo luận kế hoạch trục xuất ở thời điểm hiện tại là không phù hợp.
Tổ chức Ân xá quốc tế chỉ trích các quyết định “đóng băng quy chế tị nạn” của một số nước châu Âu. Văn phòng Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cảnh báo các nước nên “kiên nhẫn và cảnh giác” trong các kế hoạch hồi hương người tị nạn Syria trong bối cảnh hiện nay.